Bình Định kiến nghị 'gỡ vướng' dự án điện gió 4,6 tỷ USD
Trong 10 đề xuất, kiến nghị, Bình Định có kiến nghị liên quan đến dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi có tổng mức đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD của Tập đoàn PNE.
Chiều 9/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác của Bộ này đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định.
Bình Định kiến nghị 10 nội dung với Bộ Công Thương
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Bình Định báo cáo về tình hình phát triển công nghiệp, thương mại 7 tháng năm 2024; Nhiệm vụ và giải pháp các tháng cuối năm. Cùng với đó là tình hình thực hiện quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản trên địa bàn.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã đưa ra 10 đề xuất, kiến nghị đến Bộ Công Thương liên quan đến công nghiệp, năng lượng, khuyến công, khoáng sản...
Cụ thể, Bình Định kiến nghị Bộ Công Thương tạo điều kiện, hỗ trợ tỉnh này giới thiệu, xúc tiến các tập đoàn kinh tế đầu tư các dự án trọng điểm tạo động lực Bình Định phát triển như: Nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn, linh kiện điện tử; Nhà máy sản xuất Hydrogen xanh… từ nguồn năng lượng tái tạo.
Đồng thời, Bộ Công Thương hỗ trợ Bình Định giới thiệu, xúc tiến mời gọi đầu tư các dự án: Nhà máy sản xuất thuốc, hóa dược và dược phẩm; Nhà máy sản xuất thuốc Insulin công nghệ cao theo tiêu chuẩn GMP-EU... để Bình Định trở thành "Trung tâm sản xuất dược phẩm"… phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tiếp đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ này quan tâm xem xét phân bổ thêm quy mô công suất các nguồn điện cho tỉnh, đặc biệt là phân bổ thêm công suất điện gió trên bờ để có có sở thu hút các nhà đầu tư có năng lực.
"Bình Định với bờ biển dài 134km, có tiềm năng rất lớn về các nguồn năng lượng tái tạo, trong giai đoạn rà soát, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Đề nghị Bộ Công Thương xem xét ưu tiên tăng quy mô công suất các dự án nguồn điện cho tỉnh như điện gió trên bờ và gần bờ, thủy điện nhỏ, điện sản xuất từ rác, điện sinh khối, điện địa nhiệt…", ông Hoàng nói thêm.
Đáng chú ý, hiện, trên địa bàn tỉnh Bình Định, Tập đoàn PNE (trụ sở tại Cộng hòa liên bang Đức) đăng ký nghiên cứu, khảo sát để đầu tư dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Hòn Trâu với quy mô công suất 2.000MW, tổng mức đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD.
Dự án được chia làm 3 giai đoạn; trong đó, giai đoạn 1 (dự án Hòn Trâu 1), công suất 750MW dự kiến đưa vào vận hành phát điện trước năm 2030.
Tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã có tờ trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương và có cơ chế cho tỉnh được thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi. Sau đó, Văn phòng Chính phủ đã có phiếu chuyển gửi đến Bộ Công Thương, Bộ TN&MT xem xét nội dung đề xuất của tỉnh này.
Do đó, để có cơ sở cho tỉnh Bình Định thu hút Tập đoàn PNE đầu tư phát triển dự án điện gió ngoài khơi, ông Hoàng đề nghị Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong Dự thảo Đề án về thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi do Bộ này xây dựng.
Đồng thời, đưa dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Bình Định với công suất giai đoạn thí điểm 750MW do Tập đoàn PNE đăng ký đầu tư vào Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi…
Cơ hội thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Bình Định đã khai thác khá tốt các tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị tỉnh Bình Định khẩn trương triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành Quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, khoáng sản.
Theo đó, đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh được quy hoạch 175MW điện gió trong bờ và gần bờ; 73MW thủy điện nhỏ; 15MW điện rác; 38 MW điện mặt trời mái nhà; 13 dự án lưới điện; 3 dự án Kho dự trữ xăng dầu; 2 điểm mỏ khoáng sản (titan và nước khoáng).
Bộ trưởng đánh giá, đây là điều kiện tốt nhất để Bình Định vừa khai thác tiềm năng sẵn có để tăng nguồn thu cho ngân sách; vừa là cơ hội để thu hút đầu tư, thúc đẩy công nghiệp địa phương. Từ đó, kéo theo dịch vụ phát triển, cơ cấu kinh tế thay đổi tích cực, đời sống người dân được cải thiện.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Bình Định có độ che phủ rừng tới 58%, vì thế có nhiều thuận lợi để hình thành, phát triển thị trường tín chỉ carbon, giúp các doanh nghiệp trên địa bàn có cơ sở cấp chứng chỉ xanh cho sản xuất và xuất khẩu.
Đối với dự án điện gió ngoài khơi do Tập đoàn PNE đề xuất, Bộ Công Thương ủng hộ việc đầu tư, phát triển dự án trên cơ sở gắn với an ninh quốc phòng quốc gia.
"Do đó, nhà đầu tư và tỉnh có thể cân nhắc thiết lập liên kết với tập đoàn kinh tế nhà nước của Việt Nam để quá trình đầu tư, triển khai dự án đảm bảo hiệu quả, thuận lợi", Bộ trưởng gợi mở.