Bình Định kiến nghị về vị trí đặt ga đường sắt tốc độ cao
Theo tỉnh Bình Định, 1 trong 2 vị trí đặt ga dự kiến của Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đang có chồng lấn với tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam hiện hữu.
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ký văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải liên quan đến dự thảo Báo cáo kết quả thẩm định nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam của Hội đồng thẩm định nhà nước.
Theo đó, bên cạnh việc thống nhất nội dung dự thảo, UBND tỉnh Bình Định cho rằng, qua nghiên cứu hồ sơ gửi kèm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 8140/BKHĐT-GSTĐĐT, ngày 4/10/2024 thì “có sự chồng lấn giữa vị trí nhà ga Diêu Trì của Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và Tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam hiện hữu qua địa bàn xã Phước An, huyện Tuy Phước”.
Do đó, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải khi triển khai các bước tiếp theo, phải tổ chức làm việc cụ thể với địa phương trong phương án nghiên cứu thiết kế chi tiết, hạn chế thấp nhất việc chồng lấn, ảnh hưởng đối với các quy hoạch khu dân cư, khu tái định cư và các công trình, dự án của tỉnh.
Đồng thời, UBND tỉnh Bình Định cũng đề nghị 2 bộ đăng ký tổ chức cuộc họp tại tỉnh, báo cáo chi tiết về hướng tuyến, vị trí và quy mô xây dựng nhà ga để Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương tham gia ý kiến. Mục đích tạo sự đồng thuận cao, thống nhất ý kiến thỏa thuận, thuận lợi trong công tác triển khai các bước tiếp theo.
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, tỉnh Bình Định dự kiến có 2 ga gồm ga Bồng Sơn và ga Diêu Trì. Tại tỉnh Bình Định, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đi cùng hành lang về phía Tây đường bộ cao tốc đến khu vực ga Bồng Sơn (thuộc địa phận xã Hoài Tân, thị trấn Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn); sau đó tuyến đường sắt vượt qua đường bộ cao tốc, đi về phía TP. Quy Nhơn.
Vị trí ga Diêu Trì (đặt tại khu vực xã Phước An, huyện Tuy Phước), sau đó vượt đèo Cù Mông sang địa phận thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.