Bình Định: Nhiều trụ sở công không sử dụng tại Quy Nhơn chờ xử lý
Thành phố Quy Nhơn hiện có 8 cơ sở nhà đất là trụ sở làm việc cũ của các đơn vị thuộc các sở trong tỉnh phần lớn không sử dụng, đang chờ quyết định về phương án xử lý.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Định, trên địa bàn TP. Quy Nhơn có 9 cơ sở nhà, đất hiện đang dôi dư, chưa đưa vào sử dụng.
Trong đó, 8 cơ sở nhà, đất dôi dư đã trình UBND tỉnh phương án xử lý. Các cơ sở này đa số là trụ sở làm việc cũ của các đơn vị thuộc quản lý Sở, ngành trong tỉnh.
Bao gồm, 4 cơ sở nhà, đất nằm trên đường Trần Hưng Đạo tại số 238 của Trung tâm Khuyến nông cơ sở 2 (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); số 715 là của Trung tâm Trợ giúp pháp lý (thuộc Sở Tư pháp); số 731 của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cũ (thuộc Sở Công thương); số 472 của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh.
Hai cơ sở nhà đất nằm trên đường Lê Lợi gồm số 119 của Văn phòng Sở Tư pháp, số 120 là Trung tâm Phát hành Phim chiếu bóng cũ (thuộc quản lý của Sở Văn hóa và Thông tin).
Ngoài ra, trụ sở làm việc cũ của Trung tâm Khuyến nông (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại số 127 Lê Hồng Phong; trụ sở Trung tâm Xúc tiến thương mại cũ thuộc Sở Công thương ở số 93 Phan Bội Châu.
Bên cạnh đó, 1 cơ sở đã được phê duyệt phương án xử lý tài sản công là trụ sở cũ của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định (tại số 460 đường Trần Hưng Đạo).
Được biết, đối với cơ sở nhà đất số 460 đường Trần Hưng Đạo, ngày 21/7/2021, UBND tỉnh Bình Định có quyết định chuyển giao về UBND TP. Quy Nhơn quản lý, xử lý (trước đó phương án là giữ lại tiếp tục sử dụng). Cơ sở này có diện tích đất và diện tích xây dựng nhà là 565,5 m2, diện tích sàn xây dựng là 792 m2.
Hiện nay, trụ sở này đang được rào chắn xung quanh để đảm bảo an toàn do đã xuống cấp trầm trọng. Trước đó vào tháng 11/2023, do khối nhà 3 tầng hiện trạng đã xuống cấp trầm trọng nên Chủ tịch tỉnh Bình Định yêu cầu UBND TP. Quy Nhơn tiến hành tháo dỡ.
Mới đây, trong chuyến kiểm tra 9 cơ sở nhà đất, dôi dư, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị Sở Tài chính chủ trì việc chuyển giao về địa phương tiếp nhận, quản lý xử lý đối với cơ sở nhà, đất theo quy hoạch của địa phương là sử dụng vào mục đích công cộng…
Đối với trường hợp sau khi rà soát không có cơ quan, đơn vị, địa phương nào có nhu cầu sử dụng cơ sở dôi dư thì Sở Tài chính khẩn trương đề xuất xử lý theo hình thức thu hồi và giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, đấu giá đối với cơ sở nhà, đất dôi dư có mục đích sử dụng đất mới là đất ở, đất thương mại dịch vụ…
Mục đích là để tăng hiệu quả sử dụng, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, tránh tình trạng lãng phí.
Chủ tịch tỉnh Bình Định cũng yêu cầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm về số lượng tài sản là cơ sở nhà, đất được giao để quản lý tài sản công; thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về công tác quản lý tài sản công, đảm bảo việc sử dụng hiệu quả, an toàn, tránh để thất thoát, lãng phí nhà, đất…
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, đại diện Sở Tài chính Bình Định cho biết, đối với 8 cơ sở, nhà đất đã trình UBND tỉnh phương án xử lý, UBND TP. Quy Nhơn đề nghị phương án bán đấu giá và Sở Tài chính cũng thống nhất theo phương án này.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo điện tử Đầu tư, các cơ sở nhà đất dôi dư trên địa bàn TP. Quy Nhơn đang chờ quyết định của UBND tỉnh về phương án xử lý phần lớn đang trong tình trạng khóa cửa ngoài; ngoài số 120 Lê Lợi đa số các cơ sở còn lại đều là dạng nhà phố với bề rộng không lớn.