Bình Định phấn đấu kim ngạch xuất khẩu 668 triệu USD năm 2024
Trước tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn và thuận lợi cùng đan xem tác động đến hoạt động phát triển công nghiệp, thương mại của tỉnh Bình Định nhưng nhìn chung tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại của tỉnh này vẫn giữ được đà tăng trường khá.
Hoạt động xuất khẩu tăng
Thời gian qua, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở Công thương thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực tạo ra giá trị cao trong sản xuất công nghiệp; chủ động làm việc với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, qua đó đã nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời đề xuất các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (SXCN) 7 tháng đầu năm 2024 tăng 9,8% so với cùng kỳ (cả nước tăng 8,5%); trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,5%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 0,91%; cung cấp nước quản lý và xử lý rác thải nước thải tăng 12,11%; công nghiệp khai khoáng tăng 13,24%; công nghiệp chế biến chế tạo được định hướng là trụ cột phát triển chiếm tỷ trọng trên 85% và tăng 10,5%, cao hơn mức tăng chung, tiếp tục đóng vai trò động lực, dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp.
Bên cạnh sản xuất công nghiệp, thời gian qua hoạt động xuất khẩu cũng có sự tăng trưởng khá, dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới nhờ được hỗ trợ bởi sự phục hồi từ các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc... và những nỗ lực trong việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, ký kết hợp đồng của các doanh nghiệp xuất khẩu để mở rộng, đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu khác.
Kim ngạch nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt khoảng 250,5 triệu USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Bình Định ước thực hiện 982,6 triệu USD, tăng 14,9% (so với cùng kỳ), đạt 59,6% kế hoạch năm. Các mặt hàng tăng so với cùng kỳ: sản phẩm từ chất dẻo ước đạt 133,6 triệu USD, tăng 47,8%; gỗ ước đạt 223,4 triệu USD, tăng 33,2%; sản phẩm gỗ ước đạt 264,4 triệu USD, tăng 17,9%; thủy sản ước đạt 71 triệu USD, tăng 6,2%; ... Các mặt hàng giảm so với cùng kỳ: gạo ước đạt 26,7 triệu USD, giảm 23%; sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 46,5 triệu USD, giảm 8,1%; dệt may ước đạt 181 triệu USD, giảm 3,4%.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, cho biết bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình phát triển công nghiệp – thương mại của tỉnh trong 7 tháng vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Một số sản phẩm có giá trị lớn bị giảm như: thủy sản, tinh bột sắn, dăm gỗ, gạch xây dựng..., do phần lớn các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn như chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao, đặc biệt chi phí logistics xuất khẩu tăng rất cao; chưa có nhiều đơn hàng mới với số lượng lớn được ký kết, khó khăn trong tìm kiếm thị trường mới...
Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật nói chung, cụm công nghiệp xây dựng nói riêng chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ, chưa sẵn sàng đáp ứng thu hút đầu tư, nhất là các cụm công nghiệp do các đơn vị thuộc UBND cấp huyện làm chủ đầu tư. Công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư chưa được chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật quan tâm đúng mức. Tỷ lệ lấp đầy một số cụm công nghiệp đã thành lập và đi vào hoạt động còn thấp.
“Phần lớn các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh quy mô sản xuất nhỏ, chưa chú trọng công tác xây dựng thương hiệu hàng hóa. Nên gặp nhiều khó khăn khi đưa sản phẩm ra thị trường. Bên cạnh đó, một số cơ sở sản xuất còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nên chưa phát huy hiệu quả hoạt động kinh doanh” - ông Nguyễn Tuấn Thanh cho hay.
Đổi mới tư duy để bứt phá vào cuối năm
Theo mục tiêu UBND tỉnh Bình Định đề ra từ nay đến cuối năm 2024, phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng từ 7,5 - 7,7%, cả năm 2024 đạt 8 - 9% (100% kế hoạch). Dự báo năm 2025, IIP ước đạt 8,5 - 9,5%; giai đoạn 2021-2025 IIP ước tăng 8%.
Trong đó, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu 5 tháng cuối năm 2024 ước đạt 668 triệu USD để cả năm 2024 đạt 1.650 triệu USD (đạt 100% kế hoạch năm). Dự báo năm 2025 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.700 triệu USD; giai đoạn 2021-2025, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 7.900 triệu USD (vượt chỉ tiêu nghị quyết Tỉnh Đảng bộ giao trên 6.000 triệu USD).
Để đạt được kết quả trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, tỉnh tiếp tục thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội theo hướng đổi mới về tư duy, nhận thức, cách hiểu, cách làm của cả hệ thống chính quyền theo tinh thần “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”; tăng cường tính chủ động, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo, điều hành xử lý công việc.
“Đặc biệt, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển các hoạt động thương mại; đôn đốc các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng chủ lực của tỉnh và các mặt hàng đang có thị trường tiêu thụ; thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp; kiểm tra việc niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại các chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tư nhân; xử lý kiên quyết những trường hợp kinh doanh hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không có nguồn gốc xuất xứ, đầu cơ tăng giá để thu lợi bất chính” - ông Nguyễn Tuấn Thanh thông tin.
Ngoài ra, tỉnh Bình Định tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, đa dạng hóa các loại hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối hàng hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Tỉnh Bình Định tiếp tục triển khai các nhiệm vụ cụ thể thực hiện có hiệu quả các giải pháp năm 2024 để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã được định hướng trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ, Quyết định số 155/QĐ-BCT ngày 23/01/2024 của Bộ Công thương; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ, Quyết định số 185/QĐ-BCT ngày 26/1/2024 của Bộ Công thương về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.