Bình Định: Tăng cường bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa lũ 2024

UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 1805/QĐ-UBND kèm theo Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 2592/CT-BNN-TL ngày 10/4/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa, lũ năm 2024.

Theo đó, mục đích của kế hoạch nhằm huy động nguồn lực cho công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2024 theo phương châm “4 tại chỗ”; xác định trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, các sở, ban, ngành, cơ quan, hội, đoàn thể trong tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý công trình thủy lợi, đê điều nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng, hệ thống công trình thủy lợi, đê điều và giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân.

Cụ thể, Sở Nông nghiệp và PTNT có nhiệm vụ kiểm tra tình hình quản lý khai thác, công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trước mùa mưa, lũ năm 2024 đối với các công trình thủy lợi đang khai thác và đang thi công xây dựng; tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh. Tổng hợp danh mục các công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa, lũ năm 2024; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét theo quy định. Thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi, giúp UBND tỉnh đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi có nguy cơ mất an toàn; đề xuất phương án tích nước bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý khai thác và an toàn công trình (kể cả các công trình trong giai đoạn xây dựng).

Đồng thời, rà soát đánh giá quy trình vận hành của các hồ chứa; báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp nhằm bảo đảm vận hành an toàn công trình, nhất là các hồ chứa có tác động lớn đến dòng chảy, dân sinh hạ lưu. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND cấp huyện hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn; có biện pháp xử lý, bảo đảm an toàn trước lũ; kiểm tra, kịp thời phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về công trình thủy lợi, đê điều, ngăn chặn kịp thời từ khi mới phát sinh; kiến nghị UBND cấp huyện xử lý nghiêm, kiên quyết, dứt điểm từng vụ vi phạm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT có nhiệm vụ tổng hợp tình hình vi phạm và kết quả xử lý vi phạm về pháp luật về đê điều, kịp thời kiến nghị các địa phương tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi quản lý, vận hành tốt hệ thống đê ngăn mặn khu Đông bảo đảm thoát lũ, tiêu úng và ngăn mặn kịp thời; quản lý hệ thống đê sông La Tinh an toàn trong mưa lũ.

Sở Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát sỏi lòng sông để bảo đảm không gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều. Yêu cầu đơn vị dừng hoạt động trước ngày 16/9/2024 và tổ chức tháo dỡ các đường công vụ phục vụ khai thác cát, san trả mặt bằng khu vực khai thác cát để không ảnh hưởng dòng chảy trên sông trước ngày 30/9/2024.

 Hồ chứa nước Đồng Mít, Bình Định. (Nguồn: Internet)

Hồ chứa nước Đồng Mít, Bình Định. (Nguồn: Internet)

Sở Giao thông vận tải: Kiểm tra các công trình giao thông đang thi công trên địa bàn tỉnh, đôn đốc Chủ đầu tư xây dựng phương án bảo đảm an toàn đê điều (tại các vị trí giao cắt qua đê) và công trình trong mùa mưa lũ; tổ chức tháo dỡ, thanh thải công trình phục vụ thi công trên các sông, trục tiêu thoát lũ trước 30/9/2024.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh rà soát phương án cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống thiên tai; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để ứng phó sự cố công trình thủy lợi, đê điều khi cần thiết.

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các ngành liên quan tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm tra xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép, vận chuyển và kinh doanh cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp trên địa bàn.

UBND các huyện, thị xã, thành phố có nhiệm vụ đôn đốc các chủ đầu tư triển khai các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng công trình thủy lợi, đê điều bảo đảm hoàn thành (hoặc kết thúc điểm dừng kỹ thuật hợp lý) trước mùa mưa lũ năm 2024 nhằm đảm bảo an toàn cho công trình; xây dựng và triển khai phương án ứng phó thiên tai cho công trình nhằm bảo đảm an toàn trong mọi tình huống, đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng vật tư, nhân lực, xe máy để ứng phó kịp thời khi mưa, lũ lớn xảy ra. Chủ động bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để ưu tiên xử lý các trọng điểm đê điều, hồ chứa nước xung yếu. Đẩy nhanh khắc phục hư hỏng công trình thủy lợi, đê điều (xói lở tràn, hư hỏng thân cống, sạt lở mái đê, sạt lở mái kè, chân kè…) và hoàn thành việc xử lý trước mùa lũ, bão năm 2024.

Hà My

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/binh-dinh-tang-cuong-bao-dam-an-toan-cong-trinh-thuy-loi-de-dieu-trong-mua-mua-lu-2024-88509.html