Binh đoàn 15: 40 năm trọn nghĩa, vẹn tình
40 năm có mặt trên địa bàn biên giới Tây Nguyên, Binh đoàn 15 đã có nhiều chủ trương đúng ý Đảng, hợp lòng dân. Qua đó, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống người dân trên miền biên viễn.

Lãnh đạo Binh đoàn 15 tham gia gói bánh chưng tặng người dân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Những ngày đi khai hoang, vỡ đất
Nhớ lại những năm đầu thành lập, Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ-Tư lệnh Binh đoàn 15 chia sẻ: Đơn vị đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên khi hậu quả của chiến tranh để lại rất nặng nề, đất đai bị nhiễm bom mìn, chất độc hóa học, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, lạc hậu, dân cư thưa thớt, đồng bào các dân tộc thiểu số sống du canh du cư, canh tác nông nghiệp thô sơ, lạc hậu, năng suất thấp, y tế, giáo dục chậm phát triển, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, bọn phản động FULRo và các thế lực thù địch dùng mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá, gây bất ổn về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, những người lính của Binh đoàn vừa lao động vừa cầm súng để bảo vệ tính mạng Nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, phát huy phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã nhanh chóng ổn định tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp, vừa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, vừa tổ chức sản xuất.

Công nhân Binh đoàn 15 khai thác mủ cao su. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Trong điều kiện vô cùng khó khăn nhưng các cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn vẫn kiên trì bám trụ, quyết tâm khai hoang, mở đất, hồi sinh những vùng đất chết, tiên phong mở đường khởi nghiệp cho Tây Nguyên phát triển. Binh đoàn đã thực hiện phương châm: “Trồng cây chiến lược để tạo ra con người chiến lược trên địa bàn chiến lược”. Với những giải pháp đồng bộ, các đội sản xuất đã thực hiện giải pháp “trồng cây trước khi đặt nhà”; tranh thủ thời gian, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc. Nhờ vậy, Binh đoàn đã biến một vùng đất rộng lớn vốn là chiến trường ác liệt, đầy tàn tích của chiến tranh thành vườn cao su, cà phê bạt ngàn. Chỉ gần 1 năm sau ngày thành lập, Binh đoàn đã trồng 416 ha cao su đúng quy trình kỹ thuật, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong 10 năm tiếp theo, Binh đoàn đã khoanh nuôi, bảo vệ 1.500 ha rừng; phát triển tổng diện tích cây công nghiệp và cây nông nghiệp đạt 7.394 ha, trong đó, cao su 6.814 ha, cà phê 480 ha, lúa nước 100 ha.

Lãnh đạo Binh đoàn 15 động viên các công nhân tham gia hội thi cạo mủ cao su. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Đến nay, trải qua 4 thập kỷ phấn đấu không ngừng nghỉ, Binh đoàn 15 có trên 44.295 ha cao su; gần 300 ha dứa; hơn 73 ha lúa nước; 12,45 ha cà phê và chăn nuôi trên 1.000 con bò; 6 nhà máy chế biến mủ cao su công suất 55.000 tấn/năm; 1 nhà máy sản xuất phân bón vi sinh công suất 20.000 tấn/năm; 1 phân xưởng chế biến gỗ cao su công suất 20.000m3/năm… quản lý gần 15.000 lao động, trong đó có trên 60% lao động người dân tộc thiểu số.

Công nhân Binh đoàn 15 tập cạo mủ. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Nhiều lần trò chuyện với chúng tôi, Đại tá Khuất Bá Cao-Bí thư Đảng ủy Binh đoàn luôn nhắc nhớ đến những ngày đầu khai hoang vỡ đất vô cùng khó khăn ấy. Thực hiện chủ trương “Phát triển, mở rộng sản xuất đến đâu, thu hút lao động và xây dựng khu dân cư đến đó”, Binh đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân định canh, định cư, vận động người dân từ bỏ các hủ tục lạc hậu, tích cực lao động sản xuất, xây dựng bản, làng ngày càng phát triển. Kiên trì hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” đã giúp nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từ thói quen sản xuất tự cung, tự cấp bà con các dân tộc thiểu số đã biết tích lũy vốn, đầu tư sản xuất hàng hóa, đời sống được nâng lên rõ rệt, hàng chục ngàn hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Binh đoàn 15 cắt băng khánh thành tặng nhà rông cho người dân xã Ia Chía, huyện Ia Grai. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Vì biên cương giàu, đẹp
Từ những vùng biên cương dân cư thưa thớt, Binh đoàn phối hợp với các địa phương tổ chức định canh, định cư, hàng trăm điểm dân cư mới được thành lập chạy dọc trên 251km đường biên giới ở các tỉnh Tây Nguyên và huyện Lệ Thủy của tỉnh Quảng Bình. Cùng với đó là hệ thống hạ tầng được xây dựng đồng bộ với hơn 1.500km đường giao thông được làm mới, nâng cấp; 1 nhà máy thủy điện công suất nhỏ; 500km đường điện trung, hạ thế; 100 cầu bê tông, đập tràn… trị giá hàng ngàn tỷ đồng. Các công trình vừa phục vụ nhiệm vụ sản xuất, vừa phục vụ đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số và đáp ứng yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Công ty 74 (Binh đoàn 15) bàn giao công trình sao sáng buôn làng cho người dân xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Binh đoàn còn sáng tạo ra mô hình với phương châm: “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty, công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng; hộ công nhân người Kinh gắn với hộ người dân tộc thiểu số”. Hiện nay, các công ty, đơn vị đã tổ chức kết nghĩa với 33 xã; các đội sản xuất kết nghĩa với 271 thôn, làng; trên 4.300 hộ công nhân người Kinh gắn kết với 4.300 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Các mô hình sáng tạo như: “Hũ gạo gắn kết”, “Vườn rau gắn kết”, “Sao sáng buôn làng”, “Bữa sáng đoàn kết”… được phát huy, nhân rộng đã đem lại hiệu quả cao, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận. Qua đó, tăng cường củng cố mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc với nhau, tình làng nghĩa xóm được vun đắp, tinh thần tương thân, tương ái, sẻ chia khó khăn, góp phần phát triển về kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Lãnh đạo phòng Chính trị Binh đoàn tặng quà cho các chức sắc tôn giáo. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Quan tâm chăm lo giáo dục, y tế, Binh đoàn đã xây dựng 8 trường THCS, trường tiểu học bàn giao cho các địa phương, 11 trường mầm non với 132 điểm trường, nhà trẻ ở các công ty, đoàn Kinh tế quốc phòng thường xuyên nuôi dạy trên 6.000 cháu là con em người lao động và nhân dân trên địa bàn. Các cháu được chăm sóc, đi học đúng độ tuổi, học tiếng phổ thông và ngoại ngữ, tỉ lệ theo học ở các bậc phổ thông ngày càng cao. Bệnh viện quân y 15 và 11 bệnh xá quân dân y, đội ngũ y sĩ, y tá được bố trí ở các đội sản xuất thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe, phòng-chống dịch bệnh cho cán bộ, chiến sĩ, người lao động và nhân dân trên địa bàn. Hàng năm tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn lượt người dân với kinh phí hàng chục tỷ đồng.

Cán bộ, công nhân viên của Binh đoàn 15 giúp đỡ người dân thu hoạch lúa. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Bên cạnh đó, Binh đoàn chú trọng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh. Đảng bộ Binh đoàn là điểm sáng trong phát triển cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số (đến nay, đảng bộ có15% đảng viên là người dân tộc thiểu số); cán bộ đội sản xuất, đồng thời được bố trí làm trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn, công nhân, lực lượng tự vệ của đơn vị cũng là dân quân, công an viên ở các thôn, bản.
Trải qua 40 năm, xây dựng, trưởng thành, Binh đoàn 15 được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Chiến công hạng ba (năm 2000), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhì (năm 2009, năm 2020), Huân chương Lao động hạng nhì (năm 2013), Huân chương Lao động hạng nhất (năm 2015). Đặc biệt, ngày 13- 1-2003 Binh đoàn vinh dự được phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” trong thời kỳ đổi mới.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/binh-doan-15-40-nam-tron-nghia-ven-tinh-post311642.html