Bình Dương cần có cơ chế đặc thù, phù hợp để phát triển bền vững
Chiều 13-7, đoàn công tác Trung ương do ông Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cùng các bộ ngành, cơ quan, đơn vị Trung ương đã có buổi làm việc với tỉnh Bình Dương về triển khai thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW và Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Kinh tế tăng trưởng mạnh
Làm việc với đoàn công tác có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở ngành, địa phương. Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung đánh giá sâu sắc, khách quan, toàn diện các kết quả đạt được từ năm 2005 đến nay, nhất là những kết quả có tính chất quyết định đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh Bình Dương.
Ông Võ Văn Minh cho biết trong giai đoạn 2005-2020, kinh tế - xã hội của Bình Dương đã có những tăng trưởng đáng khích lệ. Từ một tỉnh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp, Bình Dương có sự phát triển vượt bậc với những chỉ tiêu kinh tế cao gấp hàng chục lần so với thời điểm chia tách tỉnh. Kinh tế tăng trưởng ở mức cao trong nhiều năm liên tục.
Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh cũng tăng trưởng khá ấn tượng theo thời gian. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của tỉnh là 7,02 triệu đồng người/tháng, cao nhất cả nước và gấp 5,77 lần so với năm 2006 của tỉnh (1,21 triệu đồng), tăng bình quân 13,3%/ năm. Tổng sản phẩm quốc nội (GRDP) bình quân đầu người của tỉnh năm 2020 đạt 151 triệu đồng/người, gấp 11,2 lần so với năm 2005 (13,5 trệu đồng/ người), tăng bình quân 17,5%/ năm; cao hơn so với mức bình quân của vùng Đông Nam bộ và gấp 2,5 lần so với mức bình quân của cả nước.
Giai đoạn 2005-2020, quy mô kinh tế của tỉnh liên tục gia tăng. Số liệu thống kê cho thấy, GRDP năm 2020 của tỉnh tăng gấp 26,1 lần so với năm 2005, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm giai đoạn 2005-2009 đạt 13,93%/năm, giai đoạn 2010-2015 đạt 8,3%/năm, giai đoạn 2016-2020 đạt 9,1%/ năm. Đặc biệt, nếu năm 1997, Bình Dương chỉ chiếm tỷ trọng 1,25% GDP của cả nước thì đến năm 2015 tỉnh đã chiếm tỷ trọng 4,6% và đến năm 2020 chiếm tỷ trọng 4,9%.
Hiện nay cơ cấu nền kinh tế của Bình Dương đang có có xu hướng trở thành đô thị công nghiệp với tỷ lệ cơ cấu công nghiệp đạt 66,59%, thương mại - dịch vụ đạt 22,32% và nông nghiệp đạt 3,17%. Cụ thể, tính đến năm 2020, quy mô toàn ngành công nghiệp của tỉnh đã đạt 259.419 tỷ đồng, gấp 27,32 lần so với năm 2005, tăng bình quân 24,67%/năm. Tính riêng giai đoạn 1997-2010, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 1994 đạt 560.462 tỷ đồng, tăng bình quân 29,41%/năm. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 559.309 tỷ đồng, tăng bình quân 29,87%/năm. Đến năm 2011, phương pháp đánh giá chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp bằng chỉ tiêu “Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)” thay cho “Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá cố định 1994”. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) thời kỳ 2005-2020 tăng bình quân 14,23%/năm.
Gắn liền với sự phát triển các khu, cụm công nghiệp là các khu dân cư phát triển sầm uất có tỷ trọng thương mại - dịch vụ lớn. Cụ thể, tính đến năm 2020, quy mô ngành dịch vụ của tỉnh đã tăng gấp 20,7 lần so với năm 2005, tăng bình quân 22,4%/ năm. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng 24,19% tổng số lao động đang làm việc trên địa bàn tỉnh, tương ứng khoảng 394,7 ngàn người. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2020 đạt 29,1 triệu đô la Mỹ, gấp 9,55 lần năm 2005, tăng bình quân 16,24%/năm, chiếm tỷ trọng khoảng 8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; kim ngạch nhập khẩu đạt 23,05 triệu đô la Mỹ, gấp 8,3 lần so với năm 2005; tăng bình quân 15,2%/ năm. Thặng dư thương mại bình quân giai đoạn 2005-2020 đạt 2,7 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi, tái cơ cấu các mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao nên nền kinh tế nông nghiệp của Bình Dương dù chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế chung của tỉnh nhưng giá trị kinh tế nông nghiệp của địa phương năm 2020 đã tăng tương ứng khoảng 9,87 lần so với năm 2005.
Cần một cơ chế phù hợp
Sau khi nghe đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Dương trình bày những kết quả đạt được và tình hình thực tiễn của địa phương, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh thời gian qua. Bộ trưởng cho biết hiện Chính phủ rất quan tâm và sẵn sàng hỗ trợ các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển. Để bảo đảm sự phát triển của các địa phương đi đúng hướng, đúng quy hoạch, đồng bộ với quy hoạch chung của vùng, quốc gia, thời gian qua Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT xây dựng nghị quyết về hỗ trợ các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển trong thời kỳ mới thay cho Nghị quyết số 53-NQ/TW trước đó.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết dự kiến tháng 9 này Bộ KH&ĐT sẽ hoàn thành và trình Chính phủ phê duyệt trước khi chia sẻ và định hướng phát triển cho các địa phương. Đối với đề nghị xem xét “cơ chế đặc thù” cho Bình Dương, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT và đoàn công tác Trung ương cũng nhất trí với kiến nghị của địa phương. Theo đó, để tiếp tục phát triển, Bình Dương cần được áp dụng “cơ chế đặc thù” và tăng cường thêm nguồn vốn đầu tư vào việc đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng về giao thông, tài nguyên - môi trường, giáo dục, y tế, nhà ở an sinh xã hội, các công trình cấp thoát nước…
Để tiếp tục trở thành lá cờ tiên phong trong chiến lược phát triển kinh tế bền vững ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị thời gian tới Bình Dương cần vận dụng, sử dụng tốt hai nguồn lực quan trọng là đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị Bình Dương cần chú trọng xây dựng kế hoạch phát triển bền vững trong thời gian tới. Theo đó, tỉnh cần xác định được vị trí, nhiệm vụ của mình đối với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Từ đó xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển theo hướng đặt mình sự liên kết, phát triển vùng, khu vực kinh tế trọng điểm và quốc gia. Và làm toát lên vai trò, nhiệm vụ của mình trong định hướng phát triển chung của cả nước.
Ông NGUYỄN VĂN LỢI, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Trong hơn 20 năm phát triển, GDP của Bình Dương đã tăng 104 lần. Để đạt được kỳ tích này, ngoài sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền thì sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Trong đó, Becamex IDC là doanh nghiệp tiên phong luôn đồng hành cùng tỉnh trong việc thực hiện đầu tư quy hoạch, phát triển hệ thống hạ tầng, mời gọi, kết nối nhà đầu tư với tỉnh. Hiện nay, Becamex IDC đã vươn lên tầm một doanh nghiệp tiên phong trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC: Bằng ý chí chính trị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương đã chung tay thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng mà tỉnh thực hiện xuyên suốt trong nhiều năm đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tỉnh cũng ghi điểm với nhà đầu tư khi kiên trì thực hiện chính sách thông thoáng, tạo điều kiện và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động yên tâm đến Bình Dương làm ăn, sinh sống.
Ông NGUYỄN ANH MINH, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải: Sự phát triển kinh tế và dân cư đã tạo ra những áp lực lớn về giao thông. Theo nghiên cứu, khảo sát của ngành, hiện tại cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh nhà đang có dấu hiệu quá tải do lượng phương tiện giao thông tăng mạnh. Kiến nghị Bộ trưởng và đoàn công tác có hướng tham mưu Chính phủ kịp thời có kế hoạch quy hoạch, đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông huyết mạch nội vùng và liên kết vùng. Đây là tiền đề quan trọng để giúp địa phương tiếp tục phát triển.