Bình Dương cắt bỏ các dự án không khả thi để dành vốn cho công trình trọng điểm
Bình Dương sẽ điều chỉnh nhiều dự án quy mô lớn từ thế chuẩn bị sang thực hiện. Ngoài ra, địa phương này tính toán điều chỉnh vốn, ưu tiên các dự án có tính khả thi, có khả năng giải ngân cao.
Ngày 25/4, Ban Kinh tế-Ngân sách đã thông qua báo cáo thẩm tra 5 dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh khóa X.
Theo đó, đối với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương, thống nhất chủ trương đầu tư dự án và cam kết bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh đủ 50% trong tổng mức đầu tư dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Bình Dương (khoảng 9.640 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 là 7.808 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 1.832 tỷ đồng).
Đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh thuộc dự án quan trọng của quốc gia, với tổng chiều dài đầu tư khoảng 76,34km đi qua địa bàn các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Bình Dương; trong đó, đoạn qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 10,76km đi qua địa bàn TP.Dĩ An, Thủ Dầu Một và Thuận An.
Đối với dự thảo giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương năm 2021 sang năm 2022, chấp thuận kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách địa phương năm 2021 cho 29 dự án với tổng số vốn kéo dài là 3.630 tỷ.
Đối với dự thảo về điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 46 của HĐND tỉnh về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, thực hiện điều chỉnh bỏ dự án Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh với tổng số vốn bố trí trong kế hoạch là 30 tỷ; thay vào đó bổ sung 3 dự án gồm: đường từ Đất Cuốc (ĐH.411) đến đường ĐT.742 với số vốn bố trí 10 tỷ đồng; đường từ Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore II-A đến Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 với số vốn bố trí 10 tỷ đồng; đường từ cầu Thới An đến sông Sài Gòn với số vốn bố trí 10 tỷ đồng.
Việc điều chỉnh trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác triển khai thực hiện dự án giao thông kết nối vùng trùng tuyến đường Vành đai 4.
Chuyển Dự án Nâng cao năng lực kiểm định, thử nghiệm thuộc Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng từ danh mục chuẩn bị đầu tư sang thực hiện dự án; điều chỉnh giảm vốn 6 dự án không có khả ngân giải ngân với tổng số vốn là 1.074 tỷ 600 triệu đồng, có tỷ lệ giải ngân đạt 17,7%; điều chỉnh tăng 1.068 tỷ 600 triệu đồng cho 0 dự án có khả năng giải ngân, tỷ lệ giải ngân đạt 44,2%.
Đối với dự thảo về điều chỉnh một số nội dung Nghị quyết số 51của HĐND tỉnh về Kế hoạch đầu tư công năm 2022, thực hiện bổ sung vốn kế hoạch năm 2022 cho 1 dự án đã được bố trí vốn với tổng số vốn bổ sung là 130 tỷ đồng; chuyển 5 dự án từ danh mục chuẩn bị đầu tư sang thực hiện dự án; điều chỉnh giảm vốn 12 dự án không có khả năng giải ngân với tổng số vốn 686 tỷ 816 triệu đồng để bố trí sang 5 dự án có khả năng giải ngân.
Đối với dự thảo về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng đường phân khu ĐX144 (phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một) điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 959 tỷ 500 triệu đồng tăng lên thành 1.040 tỷ 818 triệu đồng. Đồng thời, điều chỉnh vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ từ 603 tỷ 800 triệu đồng lên 929 tỷ 400 triệu đồng, giảm vốn ngân sách TP. Thủ Dầu Một từ 355 tỷ 700 triệu đồng xuống còn 111 tỷ 400 triệu đồng.
Ngoài ra, bổ sung 2 dự án đầu tư mới vào giai đoạn chuẩn bị đầu tư là Bệnh viện tuyến cuối 2.000 giường, Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hình thành tuyến đường vành đai liên vùng, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội nên địa phương đặc biệt chú trọng. Các dự án khác, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng cho toàn dự án đảm bảo đúng quy định. Bên cạnh đó, mạnh dạn cắt giảm các công trình không giải ngân được để bổ sung vốn vào các dự án trọng điểm.