Bình Dương: Chuẩn bị mọi mặt cho hoạt động trong trạng thái 'bình thường mới'
Nhân viên, người lao động, tiểu thương và khách hàng đến mua sắm tại các chợ truyền thống phải được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 hoặc ít nhất tiêm 1 mũi sau 14 ngày. Riêng đối với các trường hợp F0 khỏi bệnh phải có xác nhận của cơ quan y tế.
Nhằm chuẩn bị cho hoạt động trong trạng thái bình thường mới, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương vừa có văn bản gửi UBND các huyện, thị, thành phố, ban giám đốc các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên toàn tỉnh về việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.
Theo đó, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương yêu cầu nhân viên, người lao động, tiểu thương và khách hàng đến mua sắm tại các chợ truyền thống phải được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 hoặc ít nhất tiêm 1 mũi sau 14 ngày. Riêng đối với các trường hợp F0 khỏi bệnh phải có xác nhận của cơ quan y tế.
Các đơn vị này phải thiết lập điểm kiểm dịch bằng cách quét mã QR hoặc bố trí nhân viên kiểm tra trực tiếp các loại giấy tờ theo quy định tại cổng ra vào để kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bằng các biện pháp khai báo y tế, giấy hoặc mã tiêm phòng theo quy định, xét nghiệm định kỳ..; tuyệt đối không tiếp nhận khách hàng không đủ điều kiện.
Các đơn vị thành lập tổ an toàn Covid-19 và tổ y tế lưu động để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, xét nghiệm định kỳ cho nhân viên 3 ngày/lần và xử lý các trường hợp F0, truy vết F1, F2 phát sinh.
Sở Công Thương cũng khuyến khích việc đẩy mạnh hoạt động và đa dạng hình thức mua bán trực tuyến, giao hàng tại nhà, bán mang về. Các địa phương "vùng xanh" tùy tình hình thực tế cho các chợ hoạt động trở lại nhưng phải bảo đảm các tiêu chí chợ "vùng xanh".
UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo các phòng, ban và UBND xã, phường, thị trấn tăng cường biện pháp quản lý, kiểm soát phòng, chống dịch bệnh tại các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống (có giấy đăng ký kinh doanh ) hình thức bán mang đi như: Thiết lập điểm kiểm dịch bằng cách quét mã QR để người mua quét mã QR kiểm tra các thông tin tiêm phòng, khai báo y tế, xét nghiệm định kỳ…
Trước đó UBND tỉnh Bình Dương đã có quy định về việc lưu thông từ ngày 11-9 giữa các huyện, thị xã "vùng xanh". Theo đó người và các phương tiện giao thông lưu thông bình thường, tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh khi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid -19 giữa 2 địa phương phương lưu thông trong nội bộ huyện, thị xã.
Đối với các huyện phía Bắc, các huyện phía Nam của tỉnh và với các tỉnh, thành phố khác phải được kiểm soát chặt chẽ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
UBND các huyện, thị xã "vùng xanh" cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện giao thông thông qua các chốt kiểm soát giáp ranh giữa 2 địa phương; kết hợp thực hiện tuần tra, kiểm soát lưu động với các chốt cố định nhằm đảm bảo kiểm soát con người, phương tiện vận chuyển hàng hóa, vật tư từ "vùng vàng", "vùng đỏ" về các xã, khu, ấp trên địa bàn "vùng xanh".
Riêng thị xã Bến Cát, khi đủ điều kiện "vùng xanh" có thể xem xét áp dụng các biện pháp hạn chế tụ tập đông người theo tinh thần Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ một cách nghiêm ngặt hơn (gọi tắt là áp dụng Chỉ thị 15+) trong phạm vi xã, phường. Sau đó, áp dụng Chỉ thị 15+ trong phạm vi toàn thị xã.
Việc áp dụng Chỉ thị 15+ trong phạm vi xã, phường và nội bộ thị xã do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thị xã xem xét, quyết định. Khi đủ điều kiện, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo việc lưu thông liên huyện với các địa phương "vùng xanh". Nguyên tắc tổ chức lưu thông: Bảo vệ, giữ vững các "vùng xanh"; khóa chặt "vùng vàng", "vùng đỏ"; đảm bảo lưu thông được thông suốt.
Theo đó, tiếp tục giữ lại các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 như hiện nay giữa các huyện "vùng xanh"; tăng cường lực lượng cho các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 giữa "vùng xanh" với "vùng vàng", "vùng đỏ"; thực hiện điều chỉnh lại các chốt theo hướng rút bớt lực lượng ở khu vực xanh để tăng cường cho khu vực có nguy cơ và ranh giới với các "vùng đỏ", "vùng cam".
Các phương tiện giao thông được phép lưu thông qua lại giữa các "vùng xanh" trong địa bàn huyện, giữa các huyện "vùng xanh" trên cơ sở phải tuân thủ theo phương án tổ chức lưu thông của từng huyện, giữa các huyện phía Bắc. Ngoài các đối tượng đã được quy định, người dân đã được tiêm ít nhất 01 mũi tiêm vắc-xin sau 14 ngày được phép tham gia lưu thông.
Người lao động cần có thêm giấy xác nhận làm việc tại doanh nghiệp để di chuyển từ nơi ở đến nơi sản xuất khi đi qua các chốt kiểm soát. Hạn chế tối đa các đối tượng là người già, bệnh nền, trẻ em tham gia lưu thông, đồng thời bổ sung thêm đối tượng là F0 đã khỏi bệnh.
Đến cuối ngày 11-9, tỉnh Bình Dương ghi nhận 3.971 ca mắc mới, tính từ đợt dịch thứ 4 tỉnh Bình Dương ghi nhận 153.830 ca mắc Covid-19. Tính đến cuối ngày 11-9 tỉnh Bình Dương đã tiêm 1.652.881 liều vắc-xin Covid-19, trong đó 1.603.890 mũi 1 và 48.991 mũi 2.