Bình Dương công bố quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050
Sáng 26/9, Bình Dương đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, Bình Dương hướng tới phát triển bền vững với định hướng trở thành trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nổi bật trong khu vực.
Trước đó, ngày 3/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 790/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương trong giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch này bao gồm toàn bộ diện tích tỉnh Bình Dương, với tổng diện tích tự nhiên là 2.694,64km2, chia thành 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 5 thành phố (Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát) và 4 huyện (Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên).
Theo quy hoạch, Bình Dương sẽ tăng cường hợp tác phát triển với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ, nhằm đưa khu vực này trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học và đổi mới sáng tạo của cả Việt Nam và Đông Nam Á. Quy hoạch này phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và các quy hoạch của vùng Đông Nam Bộ.
Tỉnh cũng cam kết đặt con người làm trọng tâm phát triển, với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống và thu hút nhân lực chất lượng cao. Quy hoạch ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị, công nghiệp và dịch vụ theo hướng hiện đại, thông minh. Đặc biệt, Bình Dương sẽ đẩy mạnh xây dựng các hành lang kinh tế, công nghiệp, đô thị kết hợp với hệ thống giao thông liên vùng.
Đến năm 2030, Bình Dương đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện nhất khu vực Đông Nam Á. Tỉnh sẽ dẫn đầu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị sẽ phát triển đồng bộ, hiện đại và bền vững, dựa trên mô hình tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Môi trường sinh thái được bảo vệ, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, đồng thời bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.
Về kinh tế, Bình Dương đặt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân hằng năm trong giai đoạn 2021-2030 đạt 10%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người dự kiến đạt khoảng 15.800 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ với ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 64%, dịch vụ chiếm 28%, nông - lâm - thủy sản chỉ chiếm 2%, và thuế sản phẩm chiếm 6%. Tỉ lệ đô thị hóa dự kiến đạt 88-90%, với kinh tế số chiếm 30% GRDP.
Dân số dự kiến năm 2030 đạt 4,04 triệu người, với tỉ lệ lao động qua đào tạo trên 87%, trong đó 40% có bằng cấp. Tỉ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia sẽ vượt 80%, và tỉnh sẽ đạt 19 bác sĩ và 35 giường bệnh trên mỗi 10.000 dân. Tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 95%, và tỉ lệ hộ nghèo dưới 1%.
Tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương hướng tới trở thành trung tâm đô thị, công nghiệp và dịch vụ mang tầm quốc gia và quốc tế. Tỉnh sẽ là động lực chính thúc đẩy kinh tế quốc gia, với các ngành công nghiệp, dịch vụ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng phát triển.
Nhân dịp công bố quy hoạch, UBND tỉnh Bình Dương đã khởi động một số dự án trọng điểm như đường Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Chơn Thành, khu công nghiệp Cây Trường và Khu phức hợp WTC Bình Dương. Các dự án này hứa hẹn tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai.
Trong tháng 8/2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 8 tăng 6,04% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 225.000 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 22,5 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm ngoái, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt gần 16 tỷ USD, tăng 12,7%.
Tính đến ngày 21/8, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Bình Dương đạt 5.641 tỷ đồng, tương ứng với 36,9% so với kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, Bình Dương thu hút được hơn 50.671 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh, đạt 86,1% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư nước ngoài cũng ghi nhận sự tăng trưởng với 1,097 tỷ USD trong 8 tháng. Trong đó, có 129 dự án đầu tư mới với vốn đăng ký 502 triệu USD và 93 dự án điều chỉnh tăng vốn với 581 triệu USD. Bên cạnh đó, thu ngân sách đạt 46.575 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ và đạt 72% dự toán của Thủ tướng Chính phủ.