Bình Dương: Công nhân, lao động kiến nghị nhiều vấn đề về đời sống, an sinh
Nhiều kiến nghị liên quan đến đời sống, an sinh xã hội, giảm giờ làm và tín dụng đen đã được nhiều công nhân, lao động, cán bộ công đoàn trao đổi trực tiếp đến các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Dương.
Ngày 13.5, Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Bình Dương đã tổ chức Hội nghị Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc với công nhân, lao động và cán bộ công đoàn trên địa bàn.
Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Trường Nhật Phượng, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Thị Xuân Ngọc, cùng các đại biểu là lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và 400 công nhân lao động, cán bộ công đoàn đang làm việc trên địa bàn Bình Dương.
Hội nghị là dịp để công nhân đối thoại, kiến nghị nhiều vấn đề "nóng", diễn ra trong thời điểm hưởng ứng Tháng Công nhân do Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương phát động.
Tại hội nghị, hàng loạt câu hỏi liên quan đến chính sách thu hút, giữ chân người lao động, giảm giờ làm nhà ở xã hội, vấn đề an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, tín dụng đen,… được công nhân lao động và các cán bộ công đoàn gửi đến các đại biểu của HĐND tỉnh Bình Dương.
Chị Nguyễn Thị Lý Thiên Hương (công nhân Công ty CP Oseven, TP Dĩ An) đặt câu hỏi về giải pháp để phòng, chống tín dụng đen len lỏi vào đời sống công nhân, gây nhiều khó khăn và hệ lụy cho người lao động, cán bộ công đoàn và chủ doanh nghiệp vì thường xuyên bị gọi điện làm phiền, đe dọa, khủng bố tinh thần.
Trả lời vấn đề này, Đại úy Trần Văn Thông, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an tỉnh Bình Dương cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tình hình an ninh chính trị, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng năng lượng trên thế giới và khu vực dẫn đến nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản, tác động mạnh đến đời sống kinh tế - xã hội mà trực tiếp là công nhân, người lao động bị thất nghiệp, cắt giảm giờ làm, ảnh hưởng đến thu nhập, khó khăn trong cuộc sống.
Người lao động và doanh nghiệp rất cần nguồn vốn để trang trải cuộc sống và đầu tư kinh doanh, trong khi đó nhiều người dân, doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay của ngân hành, tổ chức tín dụng uy tín.
Do đó, các đối tượng hoạt động tín dụng đen đã lợi dụng điều kiện này để hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, biến tướng núp bóng dưới các cơ sở cho vay tài chính, cơ sở cầm đồ, cho vay qua các ứng dụng trên các trang mạng.
Với hình thức vay này, người vay không cần thế chấp tài sản đảm bảo, thay vào đó chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, số Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng. Thậm chí, một một số đối tượng còn yêu cầu người vay phải chụp ảnh nhạy cảm trước khi nhận tiền.
Lãi suất các khoản vay này rất cao, nhưng được các đối tượng tư vấn lãi suất dưới hình thức che giấu bằng các khoản phí, lãi suất theo ngày để người vay không ý thức được mức lãi suất cao, chấp nhận vay trong thời gian dài.
Đến khi người vay bị vướng vào tín dụng đen, không có khả năng chi trả, các đối tượng này lập tức sử dụng nhiều chiêu trò để đòi nợ như gọi điện thoại đe dọa, khủng bố tinh thần, tạt sơn, ném chất bẩn vào nhà. Nhiều người bị các đối tượng cắt ghép hình ảnh đưa lên mạng xã hội với mục đích bôi nhọ.
Trước tình hình trên, Công an tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, chủ động phát hiện, đấu tranh triệt xóa không để các đối tượng lợi dụng hoạt động.
Tập trung làm tốt công tác tham mưu, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền sâu rộng những quy định của pháp luật về giao dịch dân sự trong hoạt động cho vay, lãi suất, góp vốn, huy động vốn và trách nhiệm pháp lý có liên quan nhằm nâng cao cảnh giác, tự phòng ngừa cho người dân.
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng thành lập các công ty, văn phòng đại diện để núp bóng hoạt động kinh doanh tài chính trái phép, cho vay nặng lãi, các cơ sở cầm đồ cho vay có lãi suất cao,…
Trong 4 tháng đầu năm 2023, Công an tỉnh Bình Dương đã triệt xóa 3 vụ, bắt và khởi tố 5 đối tượng có hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.
Công an tỉnh Bình Dương khuyến cáo người dân, công nhân lao động, doanh nghiệp khi có nhu cầu vay vốn cần phải tìm dến các tổ chức tín dụng chính thống được nhà nước công nhận và cho phép hoạt động. Tuyệt đối không vay tiền qua các ứng dụng hoạt động trái phép trên không gian mạng, khi vay cần tìm hiểu kỹ các nội dung trong hợp đồng và lãi suất vay, các loại phí, hợp đồng phụ, phí phạt khi chậm lãi,…
Khi lỡ bị vướng vào “bẫy” tín dụng đen và bị đe dọa, khủng bố tinh thần, người dân cần liên hệ trình báo với cơ quan công an để được làm rõ, xử lý.
Ngoài các vấn đề nêu trên, công nhân lao động còn kiến nghị các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt hàng ngày.
Những kiến nghị của cán bộ công đoàn, công nhân lao động đã được đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương cùng các sở ngành trả lời đầy đủ; đồng thời giải thích, thông tin thêm một số chính sách của trung ương, địa phương hỗ trợ cho người lao động thời gian qua. Cùng với đó là đưa ra những giải pháp, khuyến nghị của địa phương để người lao động nắm bắt.