Bình Dương đặt mục tiêu phát triển kinh tế cân bằng hơn
Thời gian qua, tỉnh Bình Dương không chỉ tập trung chuyển dịch phát triển các khu công nghiệp sang phía Bắc của tỉnh, mà còn đặt mục tiêu xây dựng khu vực phía Nam tỉnh thành một trung tâm kinh tế đa ngành, với trọng tâm là thương mại và dịch vụ, hướng tới phát triển kinh tế cân bằng hơn trong toàn tỉnh.
Chuyển dịch phát triển công nghiệp hài hòa
Nếu trước đây, huyện Phú Giáo, một huyện phía Bắc của tỉnh Bình Dương được biết đến với những vườn cao su bạt ngàn thì ngày nay, địa phương này đang chuyển dịch thành một trong những trung tâm công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Với sự xuất hiện của các trang trại hiện đại như U&I, Phú An Khương và hợp tác xã dưa lưới Kim Long, Phú Giáo đã khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ông Nguyễn Quang Trinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo cho biết, theo quy hoạch, huyện Phú Giáo sẽ dành 4.700 ha đất để phát triển các khu, cụm công nghiệp Tam Lập và VSIP 4. Điểm nhấn trong quá trình phát triển công nghiệp của huyện là hướng tới xây dựng các khu công nghiệp xanh, bền vững, kết hợp với đô thị công nghiệp dịch vụ. Huyện sẽ tập trung thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, sạch và giảm thiểu gia công, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Tương tự, tại huyện Bàu Bàng cũng là huyện phía Bắc của tỉnh Bình Dương, chỉ trong một thời gian ngắn, địa phương này đã có sự thay đổi ngoạn mục từ một huyện thuần nông trở thành một trong những trung tâm công nghiệp trọng điểm của Bình Dương. Ngoài khu công nghiệp Bàu Bàng có diện tích hơn 2.000 ha, huyện đang xây dựng thêm khu công nghiệp Cây Trường, Lai Hưng với quy mô lớn, hứa hẹn sẽ tạo ra một hệ sinh thái công nghiệp hiện đại và bền vững. Đến nay, huyện Bàu Bàng đã thu hút hơn 1.500 dự án đầu tư, với tổng số vốn đầu tư lên đến hơn 4,6 tỷ USD vào khu công nghiệp Bàu Bàng.
Thời gian qua, ngoài phát triển mạnh ở các địa phương phía Nam, hướng tới mục tiêu để trở thành một trung tâm kinh tế đa ngành, với trọng tâm là thương mại và dịch vụ, tỉnh Bình Dương đã dành nguồn lực hỗ trợ các địa phương phía Bắc là các huyện: Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng và Bàu Bàng để phát triển công nghiệp, tạo sự tăng trưởng cân đối hài hòa hơn. Để làm được điều này, tỉnh ưu tiên phát triển các khu công nghiệp thế hệ mới, kết hợp với các dịch vụ sinh thái, tăng cường độ phủ xanh và phát triển năng lượng tái tạo.
Tạo bước đi đột phá
Không dừng lại ở đó, trong quy hoạch đến năm 2050, Bình Dương đang đặt mục tiêu phấn đấu trở thành một trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế ở các đô thị phía Nam như: Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một và Tân Uyên. Các địa phương này sẽ được tái thiết, cải tạo và hướng đến phát triển các mô hình đô thị mới theo định hướng TOD.
Ông Nguyễn Hồng Hải - Kiến trúc sư trưởng Tổng công ty Becamex IDC, đánh giá cao tầm nhìn và quy hoạch phát triển của tỉnh Bình Dương, việc sử dụng không gian một cách hiệu quả và xác định rõ các trục kinh tế chính là những điểm sáng trong quy hoạch này.
Theo đó, việc xác định cụ thể trục kinh tế chính, hành lang kinh tế chủ đạo chia ra những không gian động lực kinh tế phát triển, phía Nam; việc di dời công nghiệp, tái tổ chức đô thị; thay đổi phương thức đi lại cho người dân, phát triển mô hình đô thị TOD; việc chuẩn bị quỹ đất ở phía Bắc tiếp nhận toàn bộ di dời về công nghiệp được xem là những nội dung trọng điểm mang tính đột phá.
Đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống giao thông kết nối vùng
Để trở thành một trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế, Bình Dương cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống giao thông kết nối vùng như Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, nhằm kết nối với cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành. Đặc biệt, việc hoàn thiện đường ven sông Sài Gòn sẽ tạo động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ cho địa phương.