Bình Dương: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Để mở rộng đầu ra cho nông sản, sản phẩm OCOP, tỉnh Bình Dương đã xây dựng nhiều nền tảng trực tuyến nhằm xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Theo Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Bình Dương, qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân, các doanh nghiệp tích cực tham gia, tạo động lực cho kinh tế nông thôn phát triển.

Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy và thành viên trong đoàn tham quan các sản phẩm đạt giấy chứng nhận OCOP (ảnh Tiểu My - dangcongsan.vn)

Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy và thành viên trong đoàn tham quan các sản phẩm đạt giấy chứng nhận OCOP (ảnh Tiểu My - dangcongsan.vn)

Đến nay, Bình Dương hoàn thành 100% xã nông thôn mới. Toàn tỉnh hiện có 41/41 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 29/41 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; các xã đang tiếp tục đầu tư nâng chất các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.

Hiện có 3/6 huyện, thị đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nông thôn mới (huyện Dầu Tiếng, thị xã Bến Cát, thành phố Tân Uyên). Các huyện Bàu Bàng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên đã được Hội đồng Trung ương thẩm định hiện đang bổ sung hồ sơ để được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định.

Tỉnh đang lập quy hoạch vùng các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên gắn kết đồng bộ với quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quá trình đô thị hóa của tỉnh. UBND các huyện, thị, thành phố đang tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng cho các xã, thay thế cho quy hoạch xây dựng nông thôn mới; đến nay đã phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng được 18/41 xã, đạt 44%.

Toàn tỉnh có 103 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 4 sao; trong đó, có 10 sản phẩm 4 sao và 93 sản phẩm 3 sao cho 49 chủ thể. Thu nhập bình đầu người ở nông thôn đến cuối năm 2022 đạt 76 triệu đồng/người/năm.

Việc xây dựng và thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (Chương trình OCOP) giúp các địa phương khơi dậy sự tự lực, sáng tạo của cộng đồng để phát triển các sản phẩm đặc trưng, nâng cao thu nhập, đời sống người dân và thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Tổng vốn thực hiện chương trình 3 năm qua là 6.400 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm 49%, các nguồn vốn huy động, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp và vốn đóng góp của cộng đồng dân cư chiếm 51%.

Kết quả đạt được là nhờ sự nỗ lực các cấp, các ngành, các địa phương trong triển khai đồng bộ Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết hài hòa với lộ trình phát triển đô thị của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố.

Đặc biệt, việc đầu tư phát triển các công trình hạ tầng quan trọng như: Giao thông, điện, nước, y tế, giáo dục, văn hóa… đã tạo thuận lợi trong kết nối, thu hẹp khoảng cách giữa các trung tâm đô thị với các vùng nông thôn của tỉnh; nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả đã chứng tỏ được giá trị thực tiễn, góp phần tạo động lực trong công tác xây dựng nông thôn mới.

Đáng chú ý, để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm OCOP, địa phương xây dựng nhiều nền tảng trực tuyến, thực tế ảo để xúc tiến thương mại, khuyến khích nông dân đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử, ứng dụng thanh toán trực tuyến. Tỉnh còn phối hợp với nhiều doanh nghiệp công nghệ để ứng dụng hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử.

Đến nay, hơn 2.000 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử. 17.000 tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp đăng ký tài khoản để mua - bán trên các sàn này. Đến năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu có 70% số xã ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, quản lý trang trại, vùng trồng, tiếp cận thị trường.

Tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trong đó 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm 24% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao); có 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh Bình Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Để thực hiện thắng lợi Chương trình nông thôn mới nửa cuối giai đoạn 2021 - 2025, ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương - đề nghị các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai hiệu quả các chuyên đề xây dựng nông thôn mới đã đặt ra.

Theo đó, đề nghị nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn; thực hiện hiệu quả các đề án/chương trình chuyên đề trọng tâm để xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu như: Chương trình khoa học công nghệ, chương trình chuyển đổi số hướng tới nông thôn mới thông minh, chương trình OCOP...

Cùng với đó, các sở, ngành tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ.

UBND các huyện, thị xã tập trung rà soát, huy động các nguồn lực đầu tư đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới thông minh và xã thương mại điện tử,…

Để tạo điều kiện giúp tỉnh phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của chương trình, tỉnh Bình Dương kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung hướng dẫn thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí về xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/binh-duong-day-manh-chuyen-doi-so-trong-xay-dung-nong-thon-moi-277561.html