Bình Dương: Điểm đến hấp dẫn thu hút vốn FDI
Với nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tỉnh Bình Dương đang ngày càng khẳng định là một điểm đến đầu tư hấp dẫn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài. Tỉnh đang đặt mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào chất lượng và hiệu quả của các dự án.
Tiếp tục giữ ngôi vị thứ 2 cả nước về vốn FDI
Theo số liệu thống kê, riêng trong tháng 7/2024, tỉnh Bình Dương đã thu hút thêm 70,2 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Tính từ đầu năm đến tháng 7/2024, tổng vốn FDI vào Bình Dương đạt 1,07 tỷ USD, với 110 dự án đầu tư mới và 81 dự án điều chỉnh tăng vốn.
Năm 2024, Bình Dương đặt mục tiêu thu hút 1,8 tỷ USD vốn FDI, trong đó các khu công nghiệp phấn đấu thu hút từ 1,2 đến 1,3 tỷ USD. Hiện tại, tỉnh có 29 khu công nghiệp, với tổng diện tích 12.663 ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt 93,3%; cùng với 12 cụm công nghiệp, với diện tích 790 ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt 67,4%.
Đến nay, Bình Dương đã thu hút được 4.342 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn hơn 40,9 tỷ USD. Kết quả này, tỉnh Bình Dương đang tiếp tục giữ vị trí thứ 2 toàn quốc sau TP.Hồ Chí Minh về thu hút vốn đầu tư các dự án FDI.
Đáng chú ý là Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP 3), được coi là một khu công nghiệp thế hệ mới, đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. Hiện có hơn 30 công ty quốc tế quan tâm đến khu công nghiệp này, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 1,8 tỷ USD.
Để tiếp tục thu hút nhà đầu tư nước ngoài, tỉnh Bình Dương đang thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư. Tỉnh cam kết đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo quy trình giải quyết hồ sơ minh bạch; đồng thời đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và phát triển các dịch vụ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Trong các chương trình xúc tiến, quảng bá thu hút đầu tư, chính quyền tỉnh Bình Dương luôn đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, tạo ra một hệ sinh thái mới thúc đẩy phát triển. Tỉnh đã chuyển hướng thu hút đầu tư, tập trung vào các doanh nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường và ưu tiên phát triển kinh tế số, kinh tế xanh.
Những nỗ lực này không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn giúp Bình Dương hướng tới trở thành một thành phố thông minh tầm cỡ quốc tế.
Thu hút đầu tư chọn lọc, trọng tâm, trọng điểm
Theo quy hoạch giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương sẽ tiếp tục đầu tư và mở rộng các khu công nghiệp (KCN) hiện hữu, với tiêu chuẩn cao hơn về khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường. Tỉnh cũng chú trọng thu hút các ngành nghề mang lại giá trị gia tăng cao và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của nhà đầu tư quốc tế.
UBND tỉnh Bình Dương cho biết, luôn nhất quán thực hiện chủ trương, trước khi cấp phép đầu tư, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng phải thẩm định kỹ lưỡng tính khả thi của dự án, năng lực tài chính và uy tín của nhà đầu tư. Những dự án không đạt chất lượng, không hiệu quả, hoặc không phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh sẽ bị từ chối.
Trong giai đoạn 2020-2025, Bình Dương đặt mục tiêu thu hút 9 tỷ USD vốn FDI, với ưu tiên dành cho các dự án công nghệ cao, sử dụng ít lao động, nhưng đạt giá trị gia tăng lớn. Tỉnh sẽ tiếp tục tập trung vào các đối tác giàu tiềm năng từ châu Âu, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc để hợp tác, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực của ngành công nghiệp trong nước. Bình Dương đang đặt mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào chất lượng và hiệu quả của các dự án.
Hầu hết các doanh nghiệp FDI tại địa bàn đều cho rằng, Bình Dương không chỉ có vị trí địa lý và hạ tầng đồng bộ thuận lợi, mà còn có tiềm năng phát triển vượt trội nhờ các KCN ngày càng hiện đại.
Đại diện Tập đoàn Giant (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, đã quyết định mở rộng sản xuất tại Bình Dương, với kế hoạch đầu tư 120 triệu USD vào một nhà máy mới tại KCN Việt Nam - Singapore 3, bên cạnh nhà máy hiện có với vốn đầu tư 60 triệu USD tại KCN Việt Nam - Singapore 2-A.
Các chuyên gia nhận định, việc nâng cấp các KCN hiện hữu và xây dựng mới các KCN xanh, thông minh với nền tảng công nghệ mới như IoT, Big Data sẽ giúp nhà đầu tư triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất hiệu quả và nhanh chóng, góp phần nâng cao năng suất lao động tại địa phương. Điều này sẽ giúp Bình Dương phát triển mô hình KCN - đô thị - dịch vụ gắn liền với khoa học công nghệ, tạo nên một hệ sinh thái toàn diện phục vụ cho sự phát triển các KCN, và mang lại giá trị gia tăng cao nhất cho nhà đầu tư.
Mới đây, phát biểu tại diễn đàn gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh với các nhà đầu tư nước ngoài, ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đã có bước đi thành công trong việc thu hút FDI và phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, thời giai tới, Bình Dương cần hướng đến việc thu hút nguồn vốn FDI có chọn lọc, trọng tâm, trọng điểm hơn.
Việc chuyển đổi từ mô hình KCN truyền thống sang KCN xanh, thông minh là định hướng quan trọng để Bình Dương chuẩn bị những điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư thế hệ mới, tập trung vào tri thức, khoa học và công nghệ, mang lại giá trị gia tăng cao hơn và góp phần xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị thông minh, hiện đại và bền vững.