Bình Dương: DN điện Mặt Trời gặp vướng mắc pháp lý về xây dựng
Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương khẳng định hệ thống điện Mặt Trời mái nhà là công trình xây dựng nên phải có trình tự thủ tục, xin giấy phép xây dựng, các DN cũng đang chịu lãi suất ngân hàng quá cao.
Ngày 23/3, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện Hoàng Ngân Phát, đại diện 20 doanh nghiệp đầu tư điện Mặt Trời mái nhà trên địa bàn tỉnh Bình Dương, cho biết các doanh nghiệp đang đối diện với khó khăn “kép” vì vướng mắc pháp lý xây dựng và chịu lãi suất ngân hàng quá cao.
Ông Toàn cho biết, buổi đối thoại với Sở Xây dựng về việc tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư điện Mặt Trời mái nhà chưa đạt được sự thống nhất.
Nguyên nhân là do các doanh nghiệp điện Mặt Trời mái nhà xác định hệ thống điện Mặt Trời mái nhà là thiết bị công nghệ được lắp đặt vào mái công trình xây dựng, còn Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương khẳng định là công trình xây dựng (công trình năng lượng cấp IV), nên quá trình đầu tư phải có trình tự thủ tục, xin giấy phép xây dựng…
Cụ thể, ông Toàn cho hay bản thân doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện Mặt Trời mái nhà hiện đang rất khó khăn, mà khó khăn nhất hiện nay là tại tỉnh Bình Dương có công văn số 2949 của Sở Xây dựng quy định hệ thống điện Mặt Trời mái nhà là công trình năng lượng cấp IV, tức là công trình xây dựng.
Trong khi đó, theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện Mặt Trời tại Việt Nam xác định hệ thống điện Mặt Trời mái nhà là hệ thống có các tấm quang điện được lắp đặt vào mái công trình xây dựng và căn cứ theo Luật Xây dựng thì hệ thống điện Mặt Trời mái nhà không phải là công trình xây dựng do không liên kết, định vị với đất.
Ông Toàn cho biết thêm, mới đây nhất, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng thuê một đơn vị luật để tư vấn về vấn đề này và đã kiến nghị EVN đề xuất với Bộ Công Thương xác định hệ thống điện Mặt Trời mái nhà là thiết bị công nghệ. Tuy nhiên, tại Bình Dương công văn số 2949 quy định là công trình xây dựng, đã mang lại rủi ro rất lớn cho các đơn vị đã đầu tư vào hệ thống điện Mặt Trời mái nhà.
Ông Nguyễn Khánh Toàn cũng chia sẻ thêm, đến nay, từ sự khuyến khích của Chính phủ về phát triển điện Mặt Trời mái nhà tại Việt Nam, riêng tại tỉnh Bình Dương đã đầu tư các hệ thống điện Mặt Trời mái nhà tổng công suất hơn 800MWP với vốn đầu tư hơn khoảng 12.000 tỷ đồng, góp phần quan trọng giảm tải cho ngành điện, duy trì ổn định sản xuất tại “thủ phủ” công nghiệp Bình Dương. Bên cạnh đó, còn góp phần vào mục tiêu phát triển xanh, bảo vệ môi trường.
"Tuy nhiên, hiện các dự án về đầu tư điện Mặt Trời mái nhà trong số vốn khoảng 12.000 tỷ đồng; trong đó có hơn 8.000 tỷ đồng sử dụng vốn vay từ các tổ chức tín dụng với lãi suất khá cao. Do đó, việc quy định “tréo ngoe” trong xây dựng điện Mặt Trời mái nhà vô hình chung đẩy rủi ro cho nhà đầu tư và các ngân hàng đã tài trợ vốn," ông Toàn phản ánh.
Còn ông Phan Thanh Lâm, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư năng lượng tái tạo Bình Dương Xanh, cho biết hiện đa phần các dự án điện Mặt Trời mái nhà đầu tư vào Bình Dương đều có vay vốn ngân hàng, thế nhưng hiện nay đang chịu lãi suất khá cao.
"Tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước đã đưa lãi suất cơ bản xuống, do đó các ngân hàng thương mại cần sự đồng thuận và thực hiện đưa mặt bằng lãi suất tại Việt Nam thấp tương đương với các nền kinh tế khác, thì nền sản xuất tại Việt Nam mới phát triển mạnh lên và có lợi cho tất cả, có lợi cho doanh nghiệp, hoạt động hiệu quả tạo ra công ăn việc làm cho xã hội, tạo ra giá trị, có thu nhập để đóng thuế cho nhà nước, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam," ông Phan Thanh Lâm nhấn mạnh.
Làm việc với đại diện các đơn vị điện Mặt Trời mái nhà tại hội nghị kết nối doanh nghiệp-ngân hàng tỉnh Bình Dương ngày 22/3, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho biết, liên quan đến việc “kêu cứu” của các doanh nghiệp đầu tư về điện Mặt Trời mái nhà trên địa bàn tỉnh và qua làm việc cho thấy các dự án đang khó khăn.
Vừa qua, tỉnh đã có buổi làm việc với Công ty Điện lực Miền Nam để tháo gỡ về vấn đề này và sẽ không có việc dừng thanh toán và tách đấu nối đối với các dự án điện Mặt Trời mái nhà kể từ tháng 6/2023 như đã thông tin, mà vẫn duy trì việc cho trả tiền bình thường đối với những khách hàng đã ký hợp đồng.
“Riêng về văn bản quy định của Sở Xây dựng, tỉnh sẽ xem xét và có hướng điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn chung của doanh nghiệp," ông Dành cho biết./.