Bình Dương đưa QL13 thành đại lộ, Thuận An thành trung tâm tài chính mới
TP Thuận An được tỉnh Bình Dương định hướng thành đô thị thông minh - đô thị loại 1 (giai đoạn 2021 - 2025). Tỉnh cũng quyết định xây dựng một phần Quốc lộ 13 thành đại lộ tài chính - thương mại - dịch vụ lớn nhất tỉnh.
Quốc lộ 13 - con đường “tỉ đô” của Bình Dương
Tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định 3897/QĐ-UBND về đầu tư công năm 2021 với tổng vốn đầu tư 3.240 tỷ đồng; trong đó, dành cho Thuận An 519 tỷ đồng đầu tư các công trình “khủng” như: đường ven sông Sài Gòn (từ rạch Bình Nhâm đến cảng An Sơn và từ đường Gia Long đến đường Vĩnh Phú 40); giải phóng mặt bằng Quốc lộ 13 (từ cổng chào Vĩnh Phú đến ngã tư cầu ông Bố - từ cầu ông Bố đến nút giao Hữu Nghị - từ nút giao Tự Do đến ngã tư Lê Hồng Phong)…
Trước đó, tại Quyết định 1071/QĐ-UBND phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Thuận An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Bình Dương đã quyết định mở rộng Quốc lộ 13 (đoạn từ trung tâm Lái Thiêu tới đường Nguyễn Văn Tiết) thành đại lộ tài chính - thương mại - dịch vụ lớn nhất tỉnh.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, từ đại lộ này sẽ phát triển 5 trung tâm thương mại cấp đô thị, gồm: trung tâm 1 tọa lạc ở Lái Thiêu; trung tâm 2 tọa lạc khu vực ngã tư Quốc lộ 13 - đường An Thạnh - Bình Chuẩn; trung tâm 3 chạy dọc ngã 5 An Phú và đường DT473; trung tâm 4 và 5 thuộc trục ngang Lái Thiêu - Dĩ An với ngã tư Quốc lộ 13 và trục Bình Hòa - Vĩnh Phú.
Thuận An cũng sẽ xây dựng mới, kết hợp nâng cấp hạ tầng hiện có; phát triển khu nhà ở, khu đô thị gắn với trung tâm thương mại - dịch vụ. Các công trình sẽ được xây dựng tạo nét kiến trúc đặc trưng cho đô thị.
Hiện Thuận An đã đầu tư 3 công viên diện tích từ 1.000 - 2.000m2 và đang triển khai xây dựng thêm 5 công viên diện tích từ hơn 2.000 - 15.000m2 như: công viên An Phú (phường An Phú), công viên Bình Hòa (phường Bình Hòa), công viên Thuận Giao (phường Thuận Giao)…
Bước đệm cho làn sóng đầu tư mới?
Trong 2 năm qua, nhà đất Bình Dương liên tục biến động giá, trong đó “nóng” nhất ở TP Thuận An. Nếu như năm 2017, giá nhà liền thổ ở đây từ 20 - 26 triệu đồng/m2 thì nay lên mức 60 - 70 triệu đồng/m2. Đầu năm 2019, nhà phố khoảng 100m2 giá khoảng 3 tỷ đồng, thì nay ít nhất khoảng 5 - 5,5 tỷ đồng. Năm 2020, dự án nhà phố, biệt thự ra mắt thị trường đều ở giá 5 - 7 tỷ đồng/căn.
Đối với căn hộ, năm 2017- 2018 đến nay, giá tăng ít nhất 50 - 70%. Trong cùng khu vực, dự án có chủ đầu tư/ nhà phát triển có tiếng thì giá cao hơn 10 - 20% so với dự án khác. Hiện thị trường căn hộ Thuận An đã có sự phân hóa các phân khúc. Trong đó, nổi lên các dự án đẳng cấp như: Habitat, The Emerald Golf View, Astral City (Phát Đạt - Danh Khôi)...
Ông Trần Minh Tú - Phó Giám đốc Khối Đầu tư CBRE nhận định: “Chiến lược quy hoạch mới của tỉnh Bình Dương nhằm đưa TP.Thuận An từ trung tâm công nghiệp thành trung tâm tài chính - dịch vụ. Từ đó tạo đòn bẩy mới thu hút các “ông lớn” đổ về đầu tư”.
Theo các chuyên gia, chiến lược phát triển Thuận An của tỉnh Bình Dương được xem là bước đột phá mới bên cạnh vị trí liền kề TP Thủ Đức của TP.HCM và các hạ tầng hiện hữu đã được hiện đại hóa như: 2 trung tâm thương mại, nhiều siêu thị vừa và nhỏ, 3 bệnh viện quốc tế, 1 sân golf, 3 khu công nghiệp lớn…