Bình Dương: Hiệu quả từ giải pháp giao thông thông minh
Bình Dương đang từng bước triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phục vụ phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và người lao động.

Ảnh tư liệu: Đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 62km với 10 làn xe kết nối các khu công nghiệp tại Bình Dương. Ảnh: Dương Chí Tưởng - TTXVN
Từ ngày 18/3 đến ngày 5/5, Công an tỉnh Bình Dương triển khai 9 tổ công tác đặc biệt – Tổ 61, thực hiện tuần tra từ 18 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau tại các khu vực trọng điểm về an ninh trật tự. Qua 788 ca tuần tra với hơn 4.200 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia, lực lượng chức năng đã dừng kiểm tra 4.231 phương tiện, xử lý 492 trường hợp vi phạm. Công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông được triển khai sâu rộng. Hơn 930 tin, bài, tiểu phẩm đã được phát sóng trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Lực lượng chức năng còn tổ chức 119 buổi tuyên truyền trực tiếp, thu hút hơn 32.000 lượt người dân tham gia.
Cảnh sát giao thông đã ký cam kết chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông với 25 nhà hàng, 265 doanh nghiệp và 191 cá nhân kinh doanh vận tải. Cùng với các buổi tuyên truyền tại trường học, Cảnh sát giao thông kiểm tra đột xuất bãi xe tại 6 trường học, không phát hiện học sinh điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi. Các trường đều ký cam kết tăng cường giáo dục pháp luật giao thông trong nhà trường.
Nhiều mô hình tuyên truyền sáng tạo đã được triển khai như: “Phiên tòa giả định” tại trường học, “Tổ thanh niên xung kích giữ gìn trật tự giao thông” tại khu công nghiệp, hay “Ngày hội lái xe an toàn” cho công nhân. Các mô hình này tạo hiệu ứng lan tỏa, góp phần hình thành văn hóa giao thông tích cực trong cộng đồng.
Chị Nguyễn Thị Huyền, công nhân tại khu công nghiệp VSIP 2 (thành phố Thủ Dầu Một), bày tỏ: “Công ty tổ chức tập huấn lái xe an toàn mỗi quý. Lúc đầu ai cũng nghĩ chỉ là hình thức, nhưng thực tế đã học được nhiều kỹ năng xử lý tình huống, giảm rủi ro trên đường. Giờ tan ca ai cũng có ý thức hơn”.
Các mô hình tự quản an toàn giao thông tại khu dân cư, khu nhà trọ ngày càng phát huy hiệu quả như “Công nhân tự quản an toàn giao thông” tại thành phố Thuận An, mô hình “Trường học không xe máy dưới chuẩn” tại thành phố Thủ Dầu Một…, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, học sinh. Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn cơ sở vào cuộc mạnh mẽ với hơn 20 buổi truyền thông lưu động được tổ chức tại các khu trọ, nhà máy, trường học, mang thông điệp giao thông an toàn đến với từng đối tượng cụ thể.
Đại tá Ngô Xuân Phú, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương nhấn mạnh: Kết quả cho thấy hiệu quả rõ rệt của lực lượng Tổ 61. Công an tỉnh sẽ tiếp tục tuần tra khép kín địa bàn, tăng cường tuyên truyền pháp luật và huy động tối đa lực lượng đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân.
Một bước tiến nổi bật tại Bình Dương là tỉnh sẽ triển khai hệ thống camera giám sát giao thông với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Dự án gồm 421 camera tại 205 điểm giao thông trọng yếu, kết nối trực tiếp với Trung tâm điều hành thông minh tỉnh (IOC), tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện các vi phạm như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, đi sai làn đường.
Ông Nguyễn Văn Dũng, người dân thành phố Dĩ An, chia sẻ: Từ ngày có camera, tình trạng đua xe, lạng lách giảm hẳn. Nhà ông gần khu công nghiệp, trước đây tối là sợ ra đường, giờ yên tâm hơn nhiều.
Hệ thống camera còn hỗ trợ tích cực điều tra, truy xét tội phạm. Nhiều vụ trộm cắp, cướp giật trên đường đã được phát hiện và xử lý kịp thời nhờ dữ liệu từ hệ thống camera.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/binh-duong-hieu-qua-tu-giai-phap-giao-thong-thong-minh/372979.html