Bình Dương hướng đến trở thành trung tâm công nghiệp 4.0
Bình Dương đã và đang tích cực thực hiện Chiến lược Quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm tận dụng tối đa các cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp này để tạo đột phá, phát triển kinh tế bền vững, hướng đến trở thành trung tâm công nghiệp 4.0.
Thực hiện chiến lược phát triển, Bình Dương đã và đang tích cực triển khai xây dựng thành phố thông minh. Trong ảnh: Thành phố mới Bình Dương
Bình Dương đã và đang trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc triển khai Chiến lược Quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). Bình Dương hiện có cơ sở hạ tầng công nghiệp phát triển mạnh mẽ và là một trong những trung tâm sản xuất lớn của cả nước. Để đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0, Bình Dương đã xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp thông minh, trong đó việc áp dụng công nghệ số vào sản xuất, dịch vụ và quản lý được xem là yếu tố cốt lõi nhằm nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng lao động, sản phẩm và phát triển bền vững.
Hiện thực hóa chiến lược
Thời gian tới, Bình Dương đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D) để thúc đẩy ĐMST trong các ngành công nghiệp; tiếp tục tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Việc xây dựng các mối quan hệ hợp tác toàn cầu không chỉ giúp tỉnh tiếp cận công nghệ mới mà còn học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển, qua đó thúc đẩy sự chuyển mình mạnh mẽ trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.
Để thực hiện chiến lược nói trên, ngày 22-5-2020 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1338/QĐ-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17-4-2020 của Chính phủ và Chương trình số 129-Ctr/TU ngày 11-3-2020 của Tỉnh ủy về việc triển khai Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia vào cuộc CMCN lần thứ 4. Bên cạnh đó, ngày 13- 1-2021, UBND tỉnh ban hành Công văn số 106/UBND-KT νề việc triển khai Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31-12- 2020 của Chính phủ về ban hành Chiến lược Quốc gia về CMCN 4.0 đến năm 2030; theo đó UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nhằm từng bước tiếp cận, nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc CMCN 4.0 để nâng cao năng suất lao động, cải thiện hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh và nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu tiên tiến của cuộc CMCN 4.0 vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Cùng với các quyết định quan trọng nói trên, Bình Dương xác định rõ các ưu tiên lớn trong chiến lược về CMCN 4.0. Trong đó, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ số là một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh. Bình Dương đã và đang chú trọng đầu tư mạnh mẽ phát triển hệ thống kết nối mạng, bảo đảm cung cấp internet tốc độ cao và xây dựng các trung tâm dữ liệu hiện đại phục vụ cho việc lưu trữ và xử lý thông tin lớn. Đến nay, Bình Dương đã triển khai các khu công nghiệp có hạ tầng công nghệ hiện đại, kết nối nhanh chóng với các hệ thống toàn cầu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) áp dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất. Bình Dương cũng xác định, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển công nghiệp 4.0. Bình Dương đã và đang hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu để đào tạo nguồn nhân lực có khả năng vận hành và phát triển công nghệ cao. Mới đây, Bình Dương đã ký kết hợp tác với các đối tác quốc tế để đưa các chương trình đào tạo tiên tiến vào các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, phát triển chính quyền điện tử làm nền tảng hướng tới chính quyền số được Bình Dương xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm hiện đại hóa nền hành chính, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư và thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển.
Phát triển hạ tầng công nghệ tiên tiến
Thực hiện chiến lược phát triển, Bình Dương đã và đang tích cực triển khai xây dựng thành phố thông minh - Vùng đổi mới sáng tạo (ĐMST), góp phần định vị Bình Dương là một trong những tỉnh, thành tiên phong thúc đẩy ĐMST và khởi nghiệp. Song song đó, Bình Dương đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và tương tác với hệ sinh thái ĐMST năng động của quốc gia và khu vực nhằm thúc đẩy ĐMST, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, nâng cao hoạt động của DN; kết nối hệ sinh thái ĐMST của Bình Dương với hệ sinh thái quốc gia và quốc tế, nâng cao năng lực cho hệ sinh thái ĐMST của tỉnh.
Bình Dương đang phát triển công nghiệp theo chiều sâu, đẩy mạnh ứng dụng, đổi mới công nghệ. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Panasonic Life Solutions Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II-A)
Bình Dương cũng đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, hình thành khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm dữ liệu, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện tử, chip bán dẫn, các sản phẩm internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn...; hướng tới hình thành vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin tại 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, IoT... phục vụ cuộc CMCN 4.0 và chuyển đổi số tại Việt Nam.
Để tiếp tục phát triển và thu hút các nhà đầu tư, Bình Dương đang tập trung xây dựng các khu công nghiệp thông minh, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến; đồng thời bảo đảm các DN có đủ điều kiện để áp dụng công nghệ mới vào sản xuất.