Bình Dương mong muốn Chính phủ sớm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ địa phương phát triển

Đoàn công tác của Chính phủ do ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với lãnh đạo 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Tiền Giang về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng trên địa bàn các địa phương để lắng nghe kiến nghị, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các tỉnh và doanh nghiệp phát triển.

Kinh tế Bình Dương phục hồi tích cực

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh ổn định, trong thời gian qua UBND tỉnh Bình Dương đã triển khai các giải pháp về đầu tư phát triển hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tiếp cận vốn vay, bảo đảm an sinh xã hội… Tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.

Bình Dương đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối tạo động lực phát triển của tỉnh và cả vùng. Trong ảnh: Tuyến đường trục chính Đông Tây, đoạn đầu (đường Thống Nhất giáp Quốc lộ 1K, TP.Dĩ An) đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Ảnh: PHƯƠNG AN

Đến nay, toàn tỉnh có 68.303 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 751.000 tỷ đồng, 4.286 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 40,59 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ ba cả nước. 4 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh tăng 4,29% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu đạt 10,95 tỷ đô la Mỹ, tăng 15,6% so với cùng kỳ. Tính đến ngày 9-5, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 là 2.517 tỷ đồng, đạt 11,4% kế hoạch HĐND tỉnh giao và 16,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Kinh tế - xã hội của các địa phương thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Các bộ, ngành liên quan trong thời gian tới phối hợp chặt chẽ, kịp thời giải quyết những vướng mắc, kiến nghị của các địa phương. Các địa phương cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được để bảo đảm kế hoạch đề ra, quan tâm công tác quy hoạch tỉnh, rà soát quy hoạch đô thị, xây dựng để đáp ứng yêu cầu phát triển mới; tăng cường quản lý xây dựng, trật tự trên địa bàn, phát triển nhà ở xã hội; tập trung tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Bình Dương đã xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, luôn đồng hành với doanh nghiệp, tăng cường hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của chính quyền tỉnh. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên tham gia các hội nghị, đối thoại, làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm nắm bắt tình hình thực hiện các dự án trên địa bàn; lắng nghe và chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp để hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Thông tin thêm với đoàn công tác của Chính phủ, ông Võ Văn Minh cho biết UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, tích cực tuyên truyền các chính sách của Trung ương, của tỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn.

Vướng mắc cần tháo gỡ

Tại buổi làm việc, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh đã kiến nghị đến đoàn công tác của Chính phủ một số vướng mắc, khó khăn cần quan tâm giải quyết kịp thời. Ông Võ Văn Minh cũng đã nêu một số vướng mắc, khó khăn tỉnh đã kiến nghị trước đây nhưng chưa được giải quyết, một số vấn đề phát sinh mới làm ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương, cụ thể như thủ tục xây dựng, lĩnh vực đất đai, công tác phòng cháy chữa cháy, quản lý nhà nước về phát triển dịch vụ logistics...

Trong đó, Bình Dương đang gặp khó khăn, vướng mắc về công tác di dời lưới điện để giải phóng mặt bằng các dự án. “Hiện nay công tác di dời lưới điện giải phóng mặt bằng thi công xây dựng các dự án đầu tư công về nâng cấp mở rộng đường giao thông trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện”, ông Võ Văn Minh cho biết.

Cụ thể, theo quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, công trình lưới điện tồn tại trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được đầu tư sau năm 1982 phải do chủ quản lý sử dụng tự thực hiện di dời khi có dự án nâng cấp mở rộng đường giao thông, chịu hoàn toàn kinh phí liên quan. Do đó, việc xác định trách nhiệm thực hiện di dời lưới điện theo quy định trên khiến tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT746 từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa hiện đang gặp khó khăn về di dời hệ thống lưới điện

Thông tin về nguồn vốn thực hiện di dời, ông Võ Văn Minh cho biết hiện nay các sở, ngành của Bình Dương đã phối hợp làm việc rất nhiều lần với Tổng Công ty Điện lực miền Nam, tuy nhiên vẫn chưa có sự thống nhất về nguồn vốn. Ngoài ra, Công ty Điện lực Bình Dương là đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Nam, việc phân bổ kinh phí thực hiện hoàn toàn phụ thuộc vào Tổng Công ty Điện lực miền Nam. Do đó, UBND tỉnh Bình Dương đã tạm ứng vốn để thực hiện công tác di dời nhằm chủ động đáp ứng theo tiến độ các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

Ông Võ Văn Minh cho biết thêm, về nguyên tắc thực hiện di dời lưới điện (sử dụng vốn đầu tư công) theo hiện trạng. Việc di dời theo hiện trạng như di dời lưới điện trên không, sử dụng lại dây dẫn, cột điện bê tông hiện hữu sẽ không bảo đảm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó theo quy định, lưới điện trong đô thị từ loại II phải thực hiện đi ngầm, cần nguồn kinh phí rất lớn... Nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, ông Võ Văn Minh kiến nghị Chính phủ cần sớm có văn bản hướng dẫn xác định trách nhiệm di dời lưới điện, trách nhiệm bố trí nguồn vốn thực hiện.

PHƯƠNG LÊ

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/binh-duong-mong-muon-chinh-phu-som-thao-go-kho-khan-ho-tro-dia-phuong-phat-trien-a322152.html