Bình Dương mua sắm robot, xe thang 'khủng' chữa cháy
Kể từ sau khi xảy ra vụ cháy làm 32 người thiệt mạng ở quán karaoke An Phú vào năm 2022, Công an Bình Dương đã dốc nhiều sức lực để đạt được mục tiêu tối đa an toàn về cháy, nổ.
Sau khi kiểm tra 100% cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Bình Dương thành lập nhiều tổ công tác đến trực tiếp các cơ sở còn vướng mắc trong thực hiện các quy định về PCCC; chủ động mời chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế lên làm việc để trao đổi, hướng dẫn phương án tháo gỡ đối với các công trình thiết kế chưa đạt, chưa đảm bảo theo quy định tại các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC. Đồng thời tổ chức nhiều buổi hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc được các doanh nghiệp, chủ đầu tư đánh giá cao.
Công an Bình Dương cũng là nơi đầu tiên trong cả nước xây dựng mô hình “Khu dân cư an toàn về ANTT và PCCC” được Bộ Công an chọn nhân rộng mô hình đến các tỉnh, thành khác. Đến nay đã có 11 mô hình nằm trên các địa bàn TP Dĩ An, Thủ Dầu Một, Thuận An và TX Bến Cát. Tiêu biểu, Khu dân cư Himlam - Phú Đông (TP Dĩ An) đang được xem là khu dân cư đáng sống và an toàn nhất ở Bình Dương.
Mô hình "Tổ xe ba gác chữa cháy lưu động” tại phường Uyên Hưng (TP Tân Uyên) được ra mắt và tháng 4/2023, có 24 thành viên, được trang bị một xe ba gác cải tiến thành xe chuyên dụng thực hiện công tác PCCC với các thiết bị theo xe gồm: bồn nước, máy bơm, vòi, búa tạ, kiềm cộng lực, xà beng và 2 bình xịt 20 lít… Mô hình đang phát huy hiệu quả khi chữa cháy trong các khu dân cư mà xe chữa cháy chuyên dụng không thể vào được do đường hẹp. Đến nay Bình Dương đã xây dựng được gần 300 điểm chữa cháy công cộng, gần 200 tổ liên gia an toàn PCCC...
Từ giữa năm 2023 đến nay, đã có hàng chục hội thi chiến sĩ PCCC ở các doanh nghiệp và đã góp phần rất lớn trong công tác PCCC và CNCH cho doanh nghiệp… Hoạt động tuyên truyền PCCC và CNCH cũng đã đi vào chiều sâu, thiết thực.
Ngày 16/12, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Bình Dương tổ chức tuyên truyền và diễn tập PCCC và CNCH cho hơn 800 sinh viên tại ký túc xá Khu A, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Các tân sinh viên được hướng dẫn trải nghiệm các động tác di chuyển nạn nhân, cứu người cơ bản; cách sử dụng bình chữa cháy xách tay để dập tắt đám cháy do rò rỉ gas; thực hành rải vòi chữa cháy...
Trung tá Hoàng Quốc Việt, Phó Đội trưởng, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Bình Dương, cho biết, tháng 10/2023, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh cũng đã tổ chức tuyên truyền tại Trung tâm giáo dục Quốc phòng - an ninh của Đại học Quốc gia TP HCM với hơn 800 sinh viên tham gia cũng với hình thức tương tự…
Trung tá Nguyễn Văn Tùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Bình Dương cho biết, hàng năm, UBND tỉnh đều quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đáng chú ý là robot chữa cháy TAF35 được trang bị tuabin với công suất 25 kW, phun nước xa đến 80 mét và người vận hành có thể điều khiển từ xa trong vòng bán kính 300 mét, đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia chữa cháy trong những vụ cháy phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nổ. Robot này có chiều dài khoảng 3m, nặng 3.950kg, khả năng vượt dốc là 30 độ, khả năng nghiêng 15 độ, tốc độ di chuyển tối đa 9km/h. Bánh xích của robot có thể di chuyển trên nhiều địa hình và xoay 360 độ. Nó cũng có thể vận hành trên đường ray xe lửa để chữa cháy trong không gian chật hẹp như hầm, lò… Robot này đã từng tham gia chữa cháy một vụ cháy lớn tại một khu nhà xưởng nằm trong công ty thuộc Khu công nghiệp Mỹ Phước III, TX Bến Cát (Bình Dương) và đã chứng minh được hiệu quả.
Còn xe thang cứu hộ và chữa cháy cao 62m, tương đương tòa nhà 18-20 tầng được tỉnh Bình Dương mua từ Áo. Xe nặng 28 tấn, tốc độ di chuyển tối đa 80km/h, được trang bị đầy đủ thiết bị CNCH và máy phát điện dự phòng… Các thao tác kỹ thuật trong xe đều được lập trình và vận hành theo 2 chế độ tự động và vận hành trực tiếp.