Bình Dương: Nhà trọ ế ẩm vì công nhân 'bỏ phố về quê'

Do ảnh hưởng tình hình kinh tế thế giới, cuối năm 2022 và đầu năm 2023 làn sóng cắt giảm lao động từ các doanh nghiệp (DN) đến nay khiến không chỉ công nhân (CN) lâm vào cảnh khó khăn mà các chủ trọ cũng rơi vào tình trạng phòng bỏ trống. Nhiều dãy trọ gần các khu công nghiệp (KCN) từng được coi là 'thủ phủ nhà trọ' thì nay lại rơi vào cảnh trống phòng rất nhiều, để bảng cho thuê cả tháng mà không ai tới hỏi.

Ế ẩm nhà trọ

Từ đầu năm đến nay, khu nhà trọ của bà Trần Thị Thanh Xuân, KP Chiêu Liêu, P.Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An vắng hẳn người thuê. Khu trọ có 53 phòng thì nay trống đến 17 phòng. Thiếu việc, mất việc khiến nhiều CN phải bỏ phố về quê và không có ý định quay trở lại. Bà Xuân cho biết, năm 2016, vợ chồng bà vay ngân hàng 4 tỉ đồng để xây dựng 2 dãy nhà trọ trên phần đất cha mẹ cho. Sau gần 7 năm kinh doanh, gia đình bà đã trả nợ được 2 tỉ đồng, số tiền còn lại vẫn chưa trả được.

Theo khảo sát của chúng tôi, giá cho thuê phòng tại các TP như: Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên... dao động ở mức 1,2 - 1,5 triệu đồng/tháng. Bà Xuân cho biết, nếu CN lấp đầy như trước đây, mỗi tháng vợ chồng bà trả cả lãi và gốc cho ngân hàng hơn 40 triệu đồng/tháng. Nay trống 17 phòng, gia đình bà chỉ trả phần lãi 20 triệu đồng/tháng. "Ai nhìn vào cũng tưởng đầu tư nhà trọ "ngon" ăn nhưng đâu biết chúng tôi đang nợ tiền tỉ” - bà Xuân nói.

Do không có khách thuê chủ phải tân trang lại phòng để tìm người thuê

Do không có khách thuê chủ phải tân trang lại phòng để tìm người thuê

Đi vào những khu nhà trọ ở TP.Thuận An, Bến Cát, Dĩ An... chúng tôi thấy những tấm biển thông báo còn phòng và cho thuê phòng trọ được chủ các dãy trọ treo từ lâu, thế nhưng mãi không có người tới hỏi. Tình trạng chung nhiều tháng nay của các dãy trọ ở P.Tân Đông Hiệp, Dĩ An, Bình Tân... là phòng trống rất nhiều. Ông Nguyễn Công Chung, một chủ nhà trọ lo lắng: "Ở đây nhà nào cũng có nhiều phòng trọ, do khu vực này có nhiều KCN. Tuy nhiên, hiện nay các công ty trong KCN Sóng Thần, Tân Đông Hiệp cắt giảm lao động nên phòng trọ nhà ai cũng trống phân nửa".

Cũng ở khu vực này, dãy trọ do chị Trần Thị Loan quản lý với 28 phòng trọ thì nay chỉ có 9 phòng có người thuê. Tất cả phòng ở tầng 2 của dãy trọ từ lâu đã không có người ở. Theo chị Loan, nếu trước đây CN khó tìm được một phòng trống ở khu vực này vì gần KCN, giá thuê rẻ nhưng hiện nay chủ trọ có treo biển cho thuê cả tháng có khi không ai hỏi tới. Được biết, các khu nhà trọ ở đây là kế sinh nhai của nhiều gia đình nhưng nay do ế ẩm nên chủ trọ cũng đi tìm việc khác để làm thêm.

Đi dọc các khu dân cư trước đây thu hút đông đảo người lao động thuê trọ như Nguyễn Thị Chung, Nguyễn Thị Khắp, Nguyễn Thị Chạy... chúng tôi ghi nhận có hàng chục tấm biển "cho thuê phòng trọ”, "còn phòng trống, "phòng trọ giá rẻ” được treo ngay tầm mắt.

Sống lay lắt từ nguồn trợ cấp thất nghiệp

Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tỉnh là 58.304 người, tăng 9,65% so với 9 tháng đầu năm 2022 (44.049 người). Trong đó, 44.394 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 5,75% so với cùng kỳ năm ngoái (41.839 người). Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐTB và XH tỉnh Bình Dương cho biết, thị trường Châu Âu và Hoa Kỳ vẫn chưa phục hồi, các DN chỉ có đơn hàng tỉ lệ từ 30-50%, tình hình chung hiện nay và 3 tháng cuối năm chưa có gì khởi sắc.

Trong 10 tháng qua, tình hình sản xuất của các DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương vẫn gặp khó khăn, do ít đơn hàng nên buộc phải cắt giảm số lượng lớn lao động. Các ngành nghề bị nhiều ảnh hưởng là chế biến gỗ, dệt may, giày da. Từ thực tế đó, chính quyền tỉnh Bình Dương đang nỗ lực kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động. Theo thống kê, hiện có khoảng hơn 200 DN có nhu cầu tuyển dụng với số lượng khoảng hơn 3.000 lao động, tập trung vào những người có tay nghề.

Qua khảo sát những tháng cuối năm 2023, tình hình sản xuất của DN chưa có dấu hiệu khởi sắc. DN khó khăn, cắt giảm lao động, nguy cơ cao dễ phát sinh tranh chấp, do đó Sở LĐTB và XH tỉnh Bình Dương đang tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm không để xảy ra tranh chấp lao động tập thể kéo dài, lan rộng; đồng thời đang tiếp tục thực hiện việc kết nối cung - cầu lao động; tăng cường đào tạo nghề; giải quyết bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động kịp thời.

Bên cạnh đó, nhiều Sở, ngành của Bình Dương cũng đang tích cực giải quyết, tạo việc làm mới cho người lao động nhưng xem ra tình hình chẳng thấm vào đâu. Vì thế việc các nhà trọ vắng CN thuê đang là vấn đề đau đầu không chỉ riêng đối với chủ cho thuê.

Nam Anh

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/nha-tro-e-am-vi-cong-nhan-bo-pho-ve-que_155233.html