Bình Dương: Nhiều ca mắc sởi, Sở Y tế tăng cường chủ động phòng tránh bệnh

Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Bình Dương ghi nhận hơn 20 ca mắc bệnh sởi. Sở Y tế tỉnh Bình Dương hiện đang tăng cường chủ động trong công tác phòng chống dịch sởi.

Chủ động chống dịch sởi

Liên quan đến thông tin Bộ Y tế đề nghị rà soát đối tượng, đề xuất bổ sung địa bàn và đối tượng triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch sởi, ngành y tế tỉnh Bình Dương đang triển khai nhiều biện pháp chủ động nhằm phòng chống dịch bệnh sởi, trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương trên cả nước.

Trao đổi với Người Đưa Tin, Bác sĩ CKII Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, theo số liệu báo cáo, từ đầu năm 2024 đến hết ngày 27/8 toàn tỉnh Bình Dương ghi nhận 21 ca mắc bệnh sởi, những bệnh nhân đều được các tuyến y tế điều trị kịp thời.

Tỉnh Bình Dương ghi nhận nhiều ca mắc sởi từ đầu năm đến nay, Sở này đang triển khai phương án phòng chống dịch (Ảnh minh họa).

Tỉnh Bình Dương ghi nhận nhiều ca mắc sởi từ đầu năm đến nay, Sở này đang triển khai phương án phòng chống dịch (Ảnh minh họa).

Theo Sở Y tế Bình Dương, trong năm 2023 tỉ lệ tiêm chủng bệnh sởi trên địa bàn tỉnh Bình Dương đạt 94% và ghi nhận có 8 ca mắc sởi và nghi ngờ sởi.

"Hiện nay, Sở Y tế Bình Dương đã yêu cầu các đơn vị y tế trên địa bàn tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh sởi, tổ chức điều tra và xử lý ổ dịch kịp thời theo quy định ngay khi ghi nhận ca bệnh", ông Huỳnh Minh Chín thông tin.

Cũng theo ông Chín, hiện nay Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo và giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Bình Dương) chủ động phân tích dịch tễ học, nhận định diễn biến của dịch bệnh, xác định nhóm đối tượng có nguy cơ cao để áp dụng các biện pháp khống chế phù hợp.

Ngoài ra, ngành y tế tỉnh Bình Dương đã bố trí đầy đủ vắc-xin sởi cho các đối tượng theo chương trình tiêm chủng quốc gia.

Các cơ sở y tế được yêu cầu, bảo đảm đủ cơ số thuốc, vắc-xin sởi và trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh và điều trị ca mắc sởi.

Sẵn sàng phương án chống dịch sởi và nhiều bệnh khác

Cũng theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bình Dương, trong ngày 28/8, Viện Pasteur và Bệnh viện Nhi đồng 2 do TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Tp.HCM và Phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Nhi Đồng 2 làm việc với Sở Y tế tỉnh này về kết quả giám sát, hướng dẫn công tác phòng chống và điều trị bệnh sởi tại tỉnh Bình Dương.

Trong quá trình làm việc, Đoàn thực hiện giám sát công tác phòng dịch tại Tp.Tân Uyên, Tp.Thủ Dầu Một, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương.

Viện Pasteur Tp.HCM làm việc với Sở Y tế Bình Dương về các phương án phòng chống dịch sởi.

Viện Pasteur Tp.HCM làm việc với Sở Y tế Bình Dương về các phương án phòng chống dịch sởi.

Qua giám sát, Viện Pasteur và Bệnh viện Nhi đồng 2 đánh giá cao về công tác chủ động phòng, chống dịch sởi và công tác điều trị bệnh sởi trên địa bàn toàn tỉnh Bình Dương.

Bên cạnh đó, Viện Pasteur đề nghị tỉnh Bình Dương triển khai Kế hoạch chiến dịch tiêm vắc-xin phòng dịch sởi năm 2024 của Bộ Y tế cho đối tượng 1 - 10 tuổi trên địa bàn tỉnh trong Quý III năm 2024.

"Sở Y tế tỉnh Bình Dương luôn tập trung chủ động trong công tác phòng chống các loại dịch bệnh, ngành chức năng theo dõi các ca bệnh sớm xác định loại bệnh để có phương án điều trị và dự phòng dịch.

Bệnh sởi rất dễ lây lan, nên người dân cần cẩn trọng tự phòng tránh bảo vệ mình, thực hiện các quy định khuyến cáo của ngành y tế. Ngoài ra, Sở cũng tích cực tuyên truyền, đặc biệt là triển khai chiến dịch tiêm chủng cho người dân", bác sĩ CKII Huỳnh Minh Chín chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Huỳnh Minh Chín, không chỉ tập trung triển khai phương án phòng chống dịch bệnh sởi, ngành y tế tỉnh Bình Dương cũng đã thực hiện nhiều chiến dịch tăng cường công tác phòng chống bệnh trong mùa tựu trường.

Tỉnh Bình Dương đang vào năm học mới, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học; nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã có văn bản gửi Sở Giáo dục, Sở Thông tin truyền thông, Ủy ban nhân dân các huyện/thị/thành phố và các đơn vị y tế trực thuộc về việc phối hợp tăng cường triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Ngoài công tác tiêm chủng, ngành y tế tỉnh Bình Dương triển khai nhiều phương án phun thuốc diệt các loại côn trùng lây bệnh.

Ngoài công tác tiêm chủng, ngành y tế tỉnh Bình Dương triển khai nhiều phương án phun thuốc diệt các loại côn trùng lây bệnh.

"Sở Y tế đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn chuẩn bị các điều kiện tốt nhất đảm bảo sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên khi bước vào năm học mới; bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và đủ ánh sáng tại các cơ sở giáo dục, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, nhà trẻ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như theo dõi chặt chẽ sức khỏe trẻ em, học sinh; phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý", ông Chín cho hay.

Bộ Y tế yêu cầu triển khai tiêm vắc-xin và phòng chống dịch sởi

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi. Theo đó, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2495 về Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch sởi năm 2024.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sởi đảm bảo kịp thời, hiệu quả và giảm thiểu tối đa nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung.

Đối với các tỉnh, thành phố thuộc phạm vi triển khai theo Kế hoạch của Bộ Y tế tại Quyết định số 2495 ngày 22/8/2024 cần khẩn trương chuẩn bị, tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch sởi năm 2024 trên địa bàn theo Kế hoạch.

Căn cứ tình hình dịch sởi tại địa phương, tỉ lệ tiêm chủng, năng lực xét nghiệm, điều trị, nguồn lực sẵn có trong phòng, chống dịch..., các tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur thực hiện đánh giá nguy cơ, xác định vùng nguy cơ theo quy mô quận/huyện, xã/phường.

Rà soát đối tượng, đề xuất bổ sung địa bàn và đối tượng triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch sởi trong trường hợp cần thiết và báo cáo Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng).

Đồng thời, thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch sởi, chủ động tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch, không để bùng phát trong cộng đồng.

Phùng Sỹ Sơn

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/binh-duong-nhieu-ca-mac-soi-so-y-te-tang-cuong-chu-dong-phong-tranh-benh-204240828115902788.htm