Bình Dương phấn đấu đạt Top 10 cả nước về chỉ số chuyển đổi số
Thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, tỉnh Bình Dương đang đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm làm thay đổi tổng thể và toàn diện hoạt động quản lý điều hành của chính quyền bảo đảm hiệu quả, minh bạch.
Mới đây, tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2024 với các nội dung cụ thể nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số.
Năm 2024 là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của UBND tỉnh và Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bình Dương xác định, 2024 là năm vững vàng, bứt phá, tăng tốc, tập trung nâng cao chất lượng chuyển đổi số trên các lĩnh vực.
Tỉnh sẽ triển khai thực hiện chuyển đổi số theo hướng mang lại kết quả thực chất, bền vững, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các chương trình chiến lược quốc gia về phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó đặt ra yêu cầu kế hoạch chuyển đổi số phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian và rõ trách nhiệm gắn với bố trí nguồn lực phù hợp. Các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ phải định lượng được, dễ triển khai, dễ đánh giá, dễ kiểm tra giám sát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, triển khai đánh giá, nghiêm khắc phê bình những cá nhân đơn vị chậm trễ, không theo kế hoạch. Mục tiêu là phấn đấu đưa tỉnh Bình Dương đạt Top 10 trong các tỉnh, thành phố về chỉ số chuyển đổi số.
Để xây dựng chính quyền số, trong năm 2024, tỉnh sẽ tăng cường phát triển chính quyền số, ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan nhà nước, đảm bảo 100% hồ sơ thủ tục hành chính đủ điều kiện, hồ sơ công việc được xử lý trực tuyến, số hóa kết nối liên thông toàn trình cơ sở dữ liệu phần mềm nghiệp vụ hỗ trợ xử lý toàn trình trên môi trường mạng. Cán bộ công chức, viên chức làm việc hoàn toàn trên môi trường mạng thông qua các nền tảng số của quốc gia và địa phương. Phấn đấu trong năm 2024, 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ tỉnh đến địa phương. Trong đó sẽ có trên 50% người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ xa tại nhà, 100% trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử.
Hoạt động kinh tế số được triển khai theo kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn. Hoạt động thương mại điện tử tiếp tục phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông trong và ngoài nước.
Toàn tỉnh hiện có 45 nghìn/65 nghìn doanh nghiệp đang sử dụng các nền tảng số. Thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều cơ chế chính sách cũng như các giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn. Đơn cử như triển khai đánh giá quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh sẽ đầu tư Khu công nghệ thông tin tập trung, mô hình sản xuất thông minh, số hóa chuyển đổi số các ngành logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ triển khai xây dựng vùng động lực công nghiệp CNTT thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu. Đến năm 2050, Bình Dương là thành phố thông minh; Trung tâm công nghiệp hiện đại; Trung tâm dịch vụ chất lượng hàng đầu châu Á. Tỉnh cũng hướng đến là một trong các địa phương đi đầu trong hoàn thành mục tiêu phát thải trung tính "Net-zero 2050".
Về xã hội số: Hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số 100% cơ sở giáo dục, 60% các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế cấp huyện và bệnh viện tư nhân trên địa bàn có triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử tư vấn khám chữa bệnh từ xa.
Đến nay, toàn tỉnh Bình Dương đã có 1,2 triệu dân đã kích hoạt tài khoản định danh mức 2; 70% đối tượng an sinh xã hội được chi trả qua tài khoản, các sở ngành, địa phương đã triển khai 8 thành phần cơ bản của xã hội số như: cáp quang băng rộng, điện thoại thông minh, tài khoản định danh và xác thực điện tử, chữ ký số cá nhân, tài khoản thanh toán số, tài khoản dịch vụ công trực tuyến, kỹ năng số cơ bản, kỹ năng an toàn thông tin cơ bản để dần hình thành công dân số.