Bình Dương quyết tâm thay đổi diện mạo du lịch trong 10 năm tới
Trong bán kính 10 km từ các bến đỗ du lịch dọc các sông lớn chạy qua địa bàn tỉnh Bình Dương sẽ phát triển đồng bộ các khu du lịch sinh thái để tạo sản phẩm hấp dẫn du khách ở lại với địa phương này.
Trong định hướng phát triển du lịch, lãnh đạo Bình Dương đã và đang xác định du lịch đường sông là sản phẩm chiến lược của tỉnh thời gian tới.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương trong hội nghị giới thiệu du lịch Bình Dương, tại Hà Nội, chiều ngày 8/7.
Với định hướng này, toàn ngành du lịch Bình Dương sẽ tập trung duy trì và ưu tiên phát triển du lịch theo ba không gian trong 10 năm tới.
Theo đó, không gian phía Nam gồm khu vực thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An và một phần thị xã Bến Cát sẽ phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước, du lịch văn hóa với các di tích lịch sử, lễ hội, làng nghề, tâm linh, tín ngưỡng; vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần, mua sắm, MICE, thể thao…
Không gian phía Tây Bắc gồm khu vực hồ Dầu Tiếng, núi Cậu, hành lang sông Sài Gòn… sẽ tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch lịch sử văn hóa, du lịch sinh thái. Không gian phía Đông dọc theo lưu vực sông Đồng Nai, sông Bé thuộc thị xã Tân Uyên và huyện Phú Giáo sẽ được quy hoạch để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần, thể thao cao cấp với một số điểm nhấn như: Công viên văn hóa nghỉ dưỡng Mắt Xanh, vườn bưởi Bạch Đằng…
Hiện, Bình Dương đang xúc tiến xây dựng các bến đỗ du lịch dọc các con sông lớn chạy qua địa bàn tỉnh. Dọc bán kính 10 km từ bến đỗ sẽ phát triển đồng bộ các khu du lịch sinh thái để tạo sản phẩm hấp dẫn du khách ở lại với Bình Dương.
Về những thuận lợi giúp Bình Dương phát triển du lịch, ông Nguyễn Thanh Phong chia sẻ rằng, Bình Dương thuộc vùng Đông Nam Bộ, chỉ cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30 km, lại có 3 con sông lớn chảy qua là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Bé, tạo nên những cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, những vườn cây trái xanh mướt, thích hợp với loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Vùng đất Bình Dương xưa và nay còn được biết đến với bề dày lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng, có nhiều nét chung hòa cùng lịch sử, văn hóa phương Nam nhưng vẫn giữ được nét riêng độc đáo là tiềm năng để phát triển du lịch, bao gồm du lịch công nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa, tâm linh.
Thời gian qua, tình hình hoạt động của ngành du lịch Bình Dương có những bước tiến, tổng doanh thu du lịch gia tăng qua các năm. Năm 2017, tỉnh thu hút 4,55 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 1.280 tỷ đồng; năm 2018, thu hút 4,75 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 1.360 tỷ đồng.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương kỳ vọng đến năm 2030, ngành du lịch tỉnh này có thể được xếp vào nhóm địa phương có du lịch phát triển mạnh trong cả nước và khu vực./.