Quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, khơi thông thị trường bất động sản
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, đến thời điểm này, các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã và đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến đô thi công, bảo đảm đúng tiến độ đề ra.
Điển hình là Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ QL1A giao với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình bằng nút giao Liêm Sơn đi qua huyện Bình Lục giao với quốc lộ (QL) 21A, QL21B đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Ninh Bình; kết nối hai di tích quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (tỉnh Hà Nam) và Khu di tích lịch sử - văn hóa đền Trần (tỉnh Nam Định). Đây là dự án đầu tư xây dựng tuyến đường theo quy mô đường cấp III đồng bằng (theo TCVN 4054-2005), vận tốc thiết kế Vtk=80km/h, kết cấu mặt đường bê tông nhựa; chiều dài toàn tuyến khoảng 46,55 km và có tổng mức đầu tư lên tới 4.950 tỷ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối tại xã Tiên Hiệp, thành phố Phủ Lý có tổng mức đầu tư 1.398,740 tỷ đồng, được xây dựng với quy mô nút giao khác mức liên thông 3 tầng; trong đó, tầng 1 (tầng dưới cùng): xây dựng hầm trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với quy mô 6 làn xe theo quy hoạch điều chỉnh cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tầng 2 (tầng trung gian): bố trí đảo xuyến kết nối liên thông hệ thống đường gom cao tốc (quy mô 3 làn xe cơ giới) và đường bên vành đai 5 từ nút giao Phú Thứ đến nút giao đường 68m (quy mô 3 làn xe cơ giới, 1 làn xe hỗn hợp ), tầng 3 (tầng trên cùng, hiện chưa xây dựng) là đường vành đai 5 trên cao vượt cao tốc theo quy hoạch đường vành đai 5- Hà Nội sẽ được dành quỹ đất để thực hiện đầu tư hoàn chỉnh ở giai đoạn sau. Bên cạnh đó, bằng nguồn ngân sách địa phương, tỉnh Hà Nam cũng đang tập trung đầu tư xây dựng tuyến đường bộ song hành QL21, địa phận huyện Kim Bảng (đoạn từ ĐH 05 đến nút giao đường T3 với QL21), với tổng mức đầu tư 691,369 tỷ đồng.
Cả ba dự án trên đều được khởi công năm 2022, phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2025. Riêng Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ song hành đường vành đai 5 - vùng Thủ đô Hà Nội (giai đoạn 1), đoạn từ nút giao kết nối với QL 21B (phía bờ hữu sông Nhuệ) đến nút giao với đường Lê Công Thanh giai đoạn 3 (đường 68m) và một bên đoạn từ nút giao Phú Thứ đến nút giao với đường nối hai cao tốc tại xã Bình Nghĩa (huyện Bình Lục) với tổng mức đầu tư là 1.450 tỷ đồng sẽ được thực hiện trong thời gian từ năm 2024 đến năm 2027...
Những dự án giao thông trọng điểm đang được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Nam sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ không chỉ giúp giảm tải về giao thông cho khu vực Thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận mà còn góp phần tích cực nâng cao hiệu quả kết nối giao thông, thu hút đầu tư và mở rộng không gian phát triển thương mại, du lịch, đô thị của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đây cũng chính là những công trình đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với thị trường bất động sản Hà Nam.
Nằm ở phía Bắc của tỉnh, thị xã Duy Tiên, trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh sẽ là địa phương hưởng lợi nhiều nhất về cơ sở hạ tầng. Hiện nay, trên địa bàn thị xã Duy Tiên có 3 tuyến QL gồm: QL 1A là tuyến đường giao thông xuyên suốt đi qua 31 tỉnh, thành; QL 37B là tuyến đường kết nối mạng lưới giao thông của 3 tỉnh Thái Bình, Nam Định và Hà Nam; QL 38 kết nối Bắc Ninh với Hải Dương, Hưng Yên với Hà Nam. Với những lợi thế về cơ sở hạ tầng, quy hoạch, giao thông, thị xã Duy Tiên sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản, tạo “điểm nhấn” thúc đẩy thị trường bất động sản Hà Nam có những chuyển động tích cực, theo hướng “ấm dần lên”. Nắm bắt được tiềm năng, hiện một số chủ đầu tư đã đổ về Duy Tiên phát triển các dự án khu đô thị hiện đại, chất lượng. Trong đó phải kể tới Dự án khu đô thị Kosy Lita Ha Nam của Tập đoàn Kosy. Dự án này tọa lạc tại nút giao thông huyết mạch trên QL 38, cách QL 1A và thị trấn Đồng Văn chỉ 1km, có quy mô 22,94ha gồm 804 lô đất (646 lô liền kề, 130 lô shophouse, 16 lô biệt thự ven hồ và 12 lô shopvilla). Mỗi dòng sản phẩm tại Kosy Lita Ha Nam đều đáp ứng nhu cầu cả về an cư lẫn đầu tư khi được quy hoạch đồng bộ với 2 phân khu Sunshine và Moonlight- là những mảnh ghép của bức tranh đô thị sôi động. Nếu phân khu Sunshine mang đến không gian kinh doanh sầm uất với trung tâm thương mại quy mô hơn 8.600m2 cùng 85 căn shophouse mặt đại lộ The Sun rộng 28m thì phân khu Moonlight mang đến một không gian sống trong lành cho cư dân sinh sống tại khu đô thị Kosy Lita Ha Nam với các căn shopvilla và biệt thự có số lượng khan hiếm và tầm nhìn đắt giá hướng ra hồ điều hòa Star Lake quy mô gần 4.000m2.
Theo đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, với những bước đột phá về cơ sở hạ tầng cùng với sự khởi động của hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm, nhất là khi tuyến đường vành đai 5 dự kiến sẽ hoàn thành trước năm 2030, trong những năm tới, thị trường bất động sản Hà Nam được kỳ vọng sẽ khởi sắc mạnh mẽ, bứt tốc, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. "Bức tranh" thị trường bất động sản công nghiệp Hà Nam cũng hứa hẹn sẽ có nhiều gam màu sáng...
Nhìn vào tốc độ tăng trưởng của Hà Nam và kết quả thu hút đầu tư vào công nghiệp của Hà Nam những năm gần đây có thể lý giải nguyên nhân vì sao thời gian qua, nhiều dự án bất động sản có quy mô lớn đã được đầu tư tại Hà Nam. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong quí III đã có 8 dự án bất động sản được chấp thuận chủ trương đầu tư, 2 dự án được cấp phép và 1 dự án đã hoàn thành; hầu hết các dự án bất động sản ở Hà Nam mới đang trong giai đoạn khởi động. Đặc biệt, các giao dịch vẫn tập trung chủ yếu ở phân khúc nhà ở thấp tầng, đất nền.
Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, thì đây là một phân khúc đang được giới đầu tư thứ cấp, nhà đầu tư cá nhân chờ đợi bùng nổ sản phẩm từ những đại dự án đô thị và thương mại. Dù chưa thực sự sôi động nhưng với một thị trường “đi sau” về giá trị đất đai, nhưng giàu dư địa về hạ tầng đô thị, giao thông kết nối thuận tiện, lại chưa từng qua “cơn sốt”, tin rằng, thị trường bất động sản Hà Nam sẽ có nhiều triển vọng mới.