Bình Dương quyết tâm xây dựng Khu Công nghệ thông tin tập trung
Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông đánh giá việc triển khai thành lập Khu Công nghệ thông tin tập trung Bình Dương là khả thi và có đầy đủ cơ sở pháp lý. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ gửi văn bản lấy ý kiến của các Bộ, ngành đối với đề xuất này, tổng hợp và chuyển cho tỉnh để tiếp thu, hoàn thiện trình Chính phủ.
Tại buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông về việc thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung Bình Dương. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, những năm gần đây, khu vực kinh tế Bình Dương nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung đang phải đối mặt với nhiều thách thức, các biến động về địa chính trị và sự cạn kiệt dư địa phát triển truyền thống.
Việc đầu tư vào khoa học - công nghệ không chỉ là lựa chọn tối ưu mà còn là giải pháp duy nhất để tạo ra sự phát triển bền vững của Bình Dương, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng với thay đổi của thị trường toàn cầu. Quy hoạch một hệ sinh thái khoa học - công nghệ tại Bình Dương không chỉ là một bước đi chiến lược, mà còn là yêu cầu cấp thiết để đáp ứng xu thế mới.
Việc tận dụng vị trí địa lý chiến lược và nền tảng công nghiệp trên 25 năm của tỉnh để phát triển hệ sinh thái khoa học - công nghệ là sự lựa chọn tối ưu nhất cho mô hình tăng trưởng mới. Điều này sẽ thúc đẩy sự chuyển đổi của tỉnh từ một trung tâm sản xuất công nghiệp truyền thống sang hệ thống sản xuất và nghiên cứu tập trung vào công nghệ cao, đổi mới sáng tạo.
Khu công nghệ thông tin tập trung Bình Dương được phát triển trên cơ sở liên kết cả vùng Đông Nam bộ, tận dụng và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để tạo tác động tương hỗ, lan tỏa phát triển công nghiệp công nghệ thông tin cho toàn vùng. Đây sẽ là nơi tập trung phát triển các lĩnh vực chủ chốt như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và công nghệ môi trường.
Sau quá trình trao đổi, Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông đánh giá việc triển khai thành lập Khu Công nghệ thông tin tập trung Bình Dương là khả thi và có đầy đủ cơ sở pháp lý.
Để dự án đạt hiệu quả, Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông khuyến nghị dự án Khu Công nghệ thông tin tập trung Bình Dương cần đảm bảo phù hợp với quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh. Dự án cần có quỹ đất sạch, có nhà đầu tư chiến lược và có sự quyết tâm của lãnh đạo địa phương trong việc đầu tư dài hạn, bền vững.
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông nhận định, Bình Dương đã xác định được lĩnh vực trọng tâm là thiết kế, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử vi mạch, nghiên cứu, sản xuất sản phẩm IoT. Đây là lĩnh vực phù hợp với tỉnh có lợi thế trung tâm công nghiệp của cả nước, lại tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm công nghệ, đào tạo, kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương chia sẻ, Bộ Thông tin và Truyền thông ủng hộ các địa phương triển khai xây dựng đề án thành lập các Khu Công nghệ thông tin tập trung. Sẽ đồng hành, hợp tác, hỗ trợ Bình Dương đẩy nhanh tốc độ trình Chính phủ để đề án được phê duyệt kịp tiến độ mà tỉnh mong muốn.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Dương đã giao việc lâp Đề án Vùng khoa học công nghệ tỉnh cho Tổng Công ty Becamex IDC thực hiện với yêu cầu đổi mới sáng tạo và chuyển đổi công nghiệp.
Theo đó, Khu Công nghệ thông tin tập trung Bình Dương có quy mô 220ha, được xây dựng với mục tiêu trở thành vùng khoa học công nghệ là trung tâm đổi mới sáng tạo và thu hút đầu tư công nghệ cao.
Tại đây sẽ phát triển hệ thống khu công nghiệp khoa học - công nghệ, khu công nghệ thông tin hiện đại đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Các ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ thông tin là phát triển phần mềm và ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin và viễn thông, nghiên cứu và phát triển (R&D), đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin… và các ngành Công nghiệp xanh.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương chia sẻ, Bình Dương quyết tâm chuyển đổi từng bước sang 4.0. Khu Công nghệ thông tin tập trung là dự án, công trình đầu tiên để đẩy nhanh ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin…