Bình Dương sắp có trung tâm thương mại lớn bậc nhất Việt Nam

WTC Gateway có chủ đầu tư là Becamex IDC, trong đó Nhà nước nắm gần 95% vốn.

Bắt đầu tư cuối năm ngoái, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, mã: BCM) khởi công trung tâm thương mại thứ hai tại vòng xoay Chu Văn An, thuộc thành phố mới Bình Dương với tên gọi là WTC Gateway.

Nhà ga Metro ngay bên trong trung tâm thương mại. (Ảnh: WTC Gateway).

Nhà ga Metro ngay bên trong trung tâm thương mại. (Ảnh: WTC Gateway).

Theo giới thiệu, khi hoàn thành, WTC Gateway sẽ là trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam với diện tích 168.000 m2 bao gồm nhiều hạng mục như đài phun nước ngoài trời, quảng trường lớn, trung tâm mua sắm cao 6 tầng, rạp chiếu phim, khu ẩm thực, khu vui chơi thể thao trong nhà, khách sạn, văn phòng hội nghị, và có cả nhà ga Metro trung tâm của thành phố Mới Bình Dương.

WTC Gateway được chủ đầu tư đánh giá nắm một vai trò quan trọng trong việc thu hút các nhà bán lẻ, F&B, dịch vụ giải trí,… cho người dân, đồng thời tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh cho các doanh nghiệp địa phương.

Dự kiến WTC Gateway sẽ đi vào hoạt động trong năm nay. Trung tâm thương mại quy mô lớn này nằm trong thành phố mới Bình Dương với diện tích quy hoạch 1.000 ha, chiếm 1/4 diện tích Khu liên hợp Công nghiệp – Đô thị – Dịch vụ Bình Dương

Thành phố mới Bình Dương dự kiến cung cấp hơn 1,2 triệu m2 diện tích văn phòng phục vụ cho khoảng 600.000 nhân viên công sở và phục vụ nhu cầu an cư của hơn 800.000 cư dân với các dịch vụ và tiện ích chất lượng cao.

Về chủ đầu tư Becamex IDC, doanh nghiệp được thành lập từ năm 1976, cổ phần hóa vào năm 2018 và đưa cổ phiếu BCM lên giao dịch tại UPCoM ngay trong năm này. Đến 2020, tổng công ty chuyển sang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE).

Đây là công ty khu công nghiệp lớn nhất tại Bình Dương, đồng thời cũng là một trong các nhà phát triển hạ tầng hàng đầu Việt Nam. Tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại Becamex IDC đang là 95,44%. Tuy nhiên cuối tháng 5, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký quyết định giảm tỷ lệ này xuống mức trên 65% đến hết năm 2025, tức sẽ thoái hơn 30% cổ phần ông lớn khu công nghiệp.

Becamex có doanh thu khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng mỗi năm và lợi nhuận sau thuế dao động 1.000-2.000 tỷ đồng. Trong quý I, tổng công ghi nhận doanh thu thuần tăng nhẹ lên gần 812 tỷ đồng, biên lãi gộp đạt mức kỷ lục 71% và lãi ròng hơn 118 tỷ đồng.

Đồ họa: HL.

Đồ họa: HL.

Động thái xây dựng trung tâm thương mại có quy mô lớn bậc nhất Việt Nam của Becamex IDC cho thấy sức hấp dẫn của ngành bán lẻ trong nước. Trong một báo cáo của Colliers, các nhà phân tích đánh giá “Việt Nam là một trong số các thị trường bán lẻ hàng đầu và hấp dẫn nhất trên toàn cầu”.

Đơn vị này cho biết với tiềm năng nhiều hứa hẹn, các ông lớn như Central Retail, AEON, Lotte,… đều đang có kế hoạch mở rộng quy mô, tăng độ phủ tại đây. Mặt khác, miếng bánh bán lẻ ngày càng hấp dẫn hơn khi một số thương hiệu bán lẻ đến từ Nga, Mỹ, châu Âu cũng nôn nóng có mặt tại Việt Nam, với tiềm lực tài chính không kém cạnh gì các tay chơi đang hiện diện.

Quan điểm tương tự, ông Nick Bradstreet, Giám đốc bộ phận Bán lẻ khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Savills, cho rằng cùng với Thái Lan, Việt Nam đang là thị trường nổi bật tại Đông Nam Á. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ toàn cầu đang nghiên cứu cơ hội đầu tư tại hai nước.

Tuy nhiên, nếu so với Thái Lan, Việt Nam sở hữu nguồn cầu nội địa mạnh mẽ hơn. Ngành bán lẻ Việt Nam ít bị phụ thuộc vào các yếu tố nước ngoài.

Bên trong một trung tâm thương mại quy mô lớn ở Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy).

Bên trong một trung tâm thương mại quy mô lớn ở Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy).

Ông Nick Bradstreet nhận định: “Thị trường Việt Nam đang có lợi thế để bật cao hơn so với những thị trường lớn trong Đông Nam Á như Singapore và Thái Lan. Hầu hết các thương hiệu nổi tiếng quốc tế đều đã có mặt tại những thị trường này. Từ các hãng bình dân như H&M, Zara đến những nhãn hàng cao cấp như Louis Vuitton, Dior đều đã có 5 đến 6 cửa hàng tại Singapore và Bangkok.

Trong khi đó, các thương hiệu này chỉ mới mở khoảng 1 đến 2 cửa hàng tại các thành phố lớn của Việt Nam. Đây chính là cơ hội cho các nhãn hãng, thương hiệu đến Việt Nam và mở rộng thị trường”.

Thời gian gần đây tại các thành phố lớn đang xuất hiện nhiều hơn các thương hiệu bán lẻ mở mới hoặc tăng số lượng cửa hàng, các trung tâm thương mại cũng được xây mới hoặc mở rộng.

Đơn cử, tháng 9 năm ngoái, khu phức hợp Lotte Mall Hồ Tây có tổng diện tích sàn 354.000 m2 đã được đi vào hoạt động. Tổ hợp này gồm trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao, căn hộ dịch vụ cao cấp và văn phòng hạng A. Trong đó, trung tâm thương mại thuộc hàng lớn nhất Việt Nam có thủy cung trong nhà lớn nhất Hà Nội, đại siêu thị và rạp chiếu phim.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/binh-duong-sap-co-trung-tam-thuong-mai-lon-bac-nhat-viet-nam.html