Bình Dương trách nhiệm, nghĩa tình- Kỳ 5

Kỳ 4: Họ đã bao đêm không ngủ

Kỳ 5: Thắm mãi tình quân - dân

Với tinh thần “ở đâu nhân dân gặp gian khó, ở đó có cán bộ, chiến sĩ (CBCS) lực lượng vũ trang (LLVT)”, “giúp dân là mệnh lệnh trái tim của bộ đội Cụ Hồ”, trong những ngày Bình Dương oằn mình chống dịch, CBCS LLVT bằng cả trách nhiệm, tình cảm “quân - dân như cá với nước” đã chung sức cùng cấp ủy, chính quyền các cấp chăm lo, giúp đỡ nhân dân hết lòng.

Lương thực, thực phẩm được lực lượng quân đội chuyển tới tay người dân khó khăn do dịch bệnh

“Đánh giặc” thời bình

Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của tỉnh đã trải qua gần 100 ngày đêm cam go, quyết liệt. Dịch Covid-19 là thước đo tinh thần “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, tinh thần “tương thân, tương ái”, lòng yêu nước, đoàn kết vượt khó khăn của tất cả mọi người, mọi lực lượng. Trong đó có sự đóng góp quên mình, không ngại hiểm nguy, gian khó, đáng trân trọng và đầy tự hào của CBCS LLVT. Họ chính là những “lá chắn thép” nơi tuyến đầu chống dịch.

Đại tá Lê Minh Chí, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, cho biết thấm nhuần quan điểm “chống dịch như chống giặc”, “chống dịch là nhiệm vụ chiến đấu của quân đội trong thời bình”, giúp dân là chức năng, là nhiệm vụ chính trị, là mệnh lệnh trái tim của người chiến sĩ, thời gian qua Đảng ủy - Bộ CHQS tỉnh đã mở nhiều đợt thi đua hướng về dân. Điển hình là thực hiện hiệu quả Chỉ thị 660-CT/ĐU ngày 21-7- 2021 của Thường vụ Đảng ủy Quân khu 7 về mở đợt cao điểm giúp dân vượt khó do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; phong trào thi đua đặc biệt “chống dịch, cứu dân trong LLVT”. Qua đó, đã có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân sớm đưa cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới.

Trong thời gian vừa qua đã có gần 14.000 CBCS lực lượng thường trực, dân quân tự vệ xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Nhiều tháng, ngày liên tục ăn, ngủ cùng các lực lượng y tế, công an, các ban, ngành, đoàn thể địa phương tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, trạm kiểm dịch, họ đã nỗ lực, tích cực bằng tất cả trách nhiệm, tâm huyết của một người lính, một công dân đối với đất nước. Ở các bệnh viện dã chiến, các khu cách ly đến các điểm xét nghiệm, tiêm phòng vắc xin Covid-19 đều in đậm hình ảnh người lính trong màu áo của đội ngũ tuyến đầu chống dịch.

Trong thời gian vừa qua đã có gần 14.000 CBCS lực lượng thường trực, dân quân tự vệ xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Nhiều tháng, ngày liên tục ăn, ngủ cùng các lực lượng y tế, công an, các ban, ngành, đoàn thể địa phương tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, trạm kiểm dịch, họ đã nỗ lực, tích cực bằng tất cả trách nhiệm, tâm huyết của một người lính, một công dân đối với đất nước.

Số ca bệnh tăng, trách nhiệm của CBCS càng lớn. Nhiều CBCS tình nguyện vào tâm dịch. Tại các chốt trực, lại thấy hình ảnh những chiến sĩ ngày đêm canh gác, không màng hiểm nguy. Và có những người lính, gia đình, vợ con đành bỏ lại phía sau để làm nhiệm vụ.

Trung tá Nguyễn Đức Lạng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS TP.Thủ Dầu Một là một điển hình. Cả anh và vợ đều là những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Rồi một ngày, vợ anh dương tính đưa đi cách ly điều trị. Ở nhà, hai đứa con nhỏ tự nuôi nhau, có gì ăn đó... và trông nhờ vào sự giúp đỡ của hàng xóm. Nhưng anh vẫn không thể về vì phía trước vẫn còn nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, quân đội và chính quyền địa phương đang giao phó. Anh phải hoàn thành.

Hay trường hợp Trung sĩ Phạm Hoàng Hiếu, y tá Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 271. Khi anh Hiếu đang thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ địa phương phòng, chống dịch bệnh tại TP.Thủ Dầu Một thì nhận được tin mẹ ruột mình có kết quả xét nghiệm PCR dương tính với vi rút SARS-CoV-2 và hiện đang phải cách ly, điều trị. Mặc dù rất lo lắng cho mẹ, nhưng bản thân đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh nên Phạm Hoàng Hiếu vẫn bình tĩnh, động viên mẹ thực hiện theo đúng phác đồ điều trị và hướng dẫn của bác sĩ để nhanh bình phục.

Trung sĩ Phạm Hoàng Hiếu chia sẻ: “Nhận biết sự nguy hiểm của dịch bệnh nên khi nghe tin mẹ bị bệnh, bản thân tôi cũng rất lo lắng. Tuy nhiên, với trách nhiệm của một nguời lính, cộng với sự động viên của đơn vị, tôi đã an tâm tư tưởng, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ. Được sự động viên của tôi, mẹ tôi nhanh chóng lấy lại được tinh thần, chiến đấu chống lại bệnh tật”. Người thân ở hậu phương lạc quan, chính là động lực để Phạm Hoàng Hiếu vững tin chiến đấu, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh.

Quân - dân như cá với nước

Đặc biệt, khi 11 phường của TP.Thuận An và TX.Tân Uyên phải thực hiện “khóa chặt, đông cứng” thì hình ảnh anh “bộ đội Cụ Hồ” khuân vác lương thực, thực phẩm, mang nhu yếu phẩm, túi thuốc đến từng con hẻm nhỏ, từng khu phong tỏa để phát cho các hộ dân đã trở nên quen thuộc đúng với tinh thần “quân với dân như cá với nước”.

Đại tá Lê Minh Chí, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, cho biết với tinh thần “Vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết”, LLVT tỉnh đã phát huy cao độ tính tự lực, tự cường, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, vừa giữ vững đời sống bộ đội, vừa giúp dân chống dịch. Với chủ trương “địa phương, đơn vị phía sau hỗ trợ địa phương, đơn vị phía trước”, “địa phương đơn vị ngoài vùng dịch hỗ trợ giúp đỡ địa phương, đơn vị trong vùng dịch”, “vùng có dịch ít hỗ trợ, giúp đỡ vùng có dịch nhiều”, Ban CHQS các huyện, thị, thành phố đã chủ động phối hợp với các địa phương triển khai nhiều chủ trương, mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả, như: “ATM gạo nghĩa tình quân - dân”, “Phiên chợ online 0 đồng”, “Cửa hàng 0 đồng lưu động”... Đặc biệt, nhiều cơ quan, đơn vị đã trích quỹ, huy động sản phẩm tăng gia sản xuất, vận động CBCS, kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ, chia sẻ khó khăn cho nhân dân trong các khu cách ly, phong tỏa trên địa bàn.

Nhận được những tình cảm quý giá này, với những người dân khó khăn đều có chung cảm nhận: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Món quà nhỏ này có ý nghĩa rất lớn với họ, và trên hết đó chính là niềm tin, động lực để họ tin tưởng rằng dịch bệnh sẽ nhanh chóng được đẩy lùi, cuộc sống sẽ sớm ổn định.

Sẻ chia sự mất mát

Có cuộc chiến nào mà không hy sinh mất mát. Những ngày qua, cùng với thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ CHQS tỉnh còn thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt, đó là tiếp nhận và đưa tro cốt của người tử vong vì dịch bệnh Covid-19 về với gia đình. Một việc làm đầy ý nghĩa và nhân văn sâu sắc, không chỉ chia sẻ khó khăn về nhu cầu thiết yếu cho nhân dân trong những ngày qua mà còn chia sẻ về những nỗi đau thương, mất mát với gia đình có người tử vong vì đại dịch Covid-19. Giờ đây, những hũ tro cốt người thân được những người lính đưa “về nhà” lại chính là niềm an ủi lớn nhất cho những người đang sống. Có những giọt nước mắt lặng lẽ rơi xuống, có những giọt nước mắt chảy ngược vào trong. Chỉ có những cung bậc cảm xúc chực trào không thể nào kiềm nén nổi. Cả người trao và người nhận lặng lẽ nhìn nhau...

Cuộc chiến với Covid-19 lần này được dự báo sẽ còn dài và lắm gian nan, vất vả. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “ở đâu khó, ở đó có bộ đội”, chúng ta hy vọng rằng cùng với sự tham gia của nhiều lực lượng, trong đó có quân đội, nhất định dịch bệnh Covid-19 sẽ sớm bị đẩy lùi để đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Hình ảnh “bộ đội Cụ Hồ” sáng mãi trong lòng nhân dân. (còn tiếp)

Một việc làm đầy ý nghĩa và nhân văn sâu sắc, không chỉ chia sẻ khó khăn về nhu cầu thiết yếu cho nhân dân trong những ngày qua mà còn chia sẻ về những nỗi đau thương, mất mát với gia đình có người tử vong vì đại dịch Covid-19. Giờ đây, những hũ tro cốt người thân được những người lính đưa “về nhà” lại chính là niềm an ủi lớn nhất cho những người đang sống.

Tro cốt người mất do Covid-19 được cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đưa về tận từng gia đình

Tro cốt người mất do Covid-19 được cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đưa về tận từng gia đình

THU THẢO

Nguồn Bình Dương: http://baobinhduong.vn/binh-duong-trach-nhiem-nghia-tinh-ky-5-a255991.html