Bình Dương trách nhiệm, nghĩa tình- Kỳ 6
Kỳ 5: Thắm mãi tình quân - dân
Kỳ 6: Vì nhân dân phục vụ
Đối mặt với trận chiến chống dịch Covid -19, quân và dân Bình Dương luôn kiên cường với những cách làm linh động, sáng tạo, đầy tinh thần trách nhiệm. Cùng với các lực lượng tuyến đầu, cán bộ, chiến sĩ ngành công an luôn trong tư thế xung kích, đóng góp thầm lặng mà đáng quý.
Tạm gác niềm riêng đi chống dịch
Vượt chặng đường hơn 900km từ nơi đóng quân tại các tỉnh Nam Trung bộ, 200 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) thuộc các Tiểu đoàn 1, 2, 3 - Trung đoàn Cảnh sát cơ động Nam Trung bộ đã có mặt tại Công an Bình Dương vào một ngày cuối tháng 7. Đây là những cán bộ trẻ có năng lực, lòng nhiệt huyết, sẵn sàng xung phong, tình nguyện với quyết tâm cùng với nhân dân Bình Dương đẩy lùi dịch bệnh.
Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh thăm hỏi, động viên CBCS trực chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: PX03-CABD
Ngay sau khi được phân bổ về địa phương, lãnh đạo công an các địa phương đã bố trí nơi ăn ở, sinh hoạt thuận lợi cho toàn bộ CBCS an tâm thực hiện nhiệm vụ được giao. Sự có mặt của lực lượng hỗ trợ cũng là nguồn động lực để CBCS Công an Bình Dương nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện nhiệm vụ, vừa bảo đảm an ninh trật tự, vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Công an tỉnh đã huy động hơn 50.000 lượt CBCS phục vụ công tác bảo vệ các khu cách ly, chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh, gần 10.000 lượt CBCS tham gia công tác tuần tra lưu động. Tính từ đợt dịch bệnh thứ 4 bùng phát đến nay, toàn lực lượng Công an tỉnh đã có 13 tập thể, 222 cá nhân được Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen đột xuất trong công tác phòng chống tội phạm và tham gia phòng, chống dịch bệnh.
Hiện trên, địa bàn tỉnh có hàng ngàn chốt kiểm soát ở các tuyến đường. Một lực lượng không nhỏ phải thường xuyên có mặt ở đây để kiểm soát quy trình đi lại của người dân nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch bệnh. Với tinh thần xung kích, nhiều CBCS không quản ngày đêm để hoàn thành tốt nhiệm vụ, thậm chí có người nhiều ngày liền không về nhà vì nhiệm vụ và cũng là để an toàn cho gia đình, cộng đồng. Nói như thiếu tá Lê Hòa Bình, cán bộ tham gia trực chốt tại cửa ngỏ ra vào Bình Dương ở phường Vĩnh Phú, TP.Thuận An, rằng mặc dù nhớ nhà nhưng anh tạm gác niềm riêng để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Từ khi dịch bệnh bùng phát, thiếu tá Bình tham gia trực chốt và nhiều tháng liền không về nhà. Đó cũng là tình cảnh của nhiều CBCS Công an tỉnh hiện nay. Các anh tâm niệm, khi nhiều đồng đội ở các đơn vị, các tỉnh, thành bạn chấp nhận xa gia đình đến sát cánh cùng Bình Dương phòng, chống dịch bệnh thì tại sao chúng ta không tạm gác niềm riêng để cùng chung tay vượt qua đại dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới? Và cứ thế, những CBCS Công an tỉnh tiếp nhận nhiệm vụ với tinh thần không quản ngại khó khăn. Trên mặt trận này có không ít CBCS đã trở thành F0 nhưng không một ai nao lòng. Vượt qua tất cả, sau khi hoàn thành quy trình chữa trị theo quy định, các anh lại muốn trở lại tuyến đầu để sát cánh cùng đồng đội, bất chấp gian khó, hiểm nguy đang chực chờ phía trước…
Đã có những hy sinh, mất mát trong quá trình tham gia chống dịch thời gian qua, nhưng những CBCS vẫn xung phong lên đường. Theo các anh, đó là trách nhiệm của mỗi người lính khi tiền tuyến đang cần. Họ chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng tư, niềm vui thường nhật để làm tròn chức trách nhiệm vụ.
Ân tình trao gửi
“Chống dịch như chống giặc”, tinh thần ấy hẳn trong giai đoạn này phải được thấm nhuần, đặc biệt chiến sĩ công an càng phải thấm nhuần sâu sắc và công hiến hết mình. Và trong trận chiến này còn có cả những ân tình được trao gửi, những hình ảnh xúc động lòng người lan tỏa, để cùng nhau tâm niệm rằng trong gian khó, có yêu thương, có đồng lòng thì sẽ vượt qua tất cả.
Đối với nhiều người, khi giúp đỡ người khác, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay là cùng chung tay giúp nhau vượt qua khó khăn của đại dịch, như phát biểu của một chủ nhà trọ ở xã An Tây, TX.Bến Cát khi tạo điều kiện cho hàng chục chiến sĩ công an có chỗ sinh hoạt sau thời gian trực chốt. Họ không nghĩ việc mình làm là lớn lao. Chỉ chừng đó thôi cũng có thể cảm nhận được tinh thần hào sảng, đầy nghĩa tình của người dân với tuyến đầu chống dịch. Không dừng lại ở đó, thời gian qua các địa phương đã ghi nhận nhiều tấm lòng của người dân trong việc hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, đặc biệt là công an. Những nghĩa cử đó không phải là bộc phát mà mỗi người dân tự thấy như một trách nhiệm của mình đối với công tác chống dịch. Và họ có cách đóng góp của riêng mình.
Để đáp lại những kỳ vọng, nghĩa tình của người dân, từng CBCS công an khi tham gia nhiệm vụ luôn được quán triệt phải làm đúng quy trình, giải thích cho người dân rõ ràng, tránh để xảy ra các trường hợp bức xúc, gây nên những căng thẳng không đáng có. Trong quá trình công tác, các anh đã đối diện với những tình huống không hề có trong trường lớp, trong các kế hoạch khi được xây dựng. Đó là trường hợp sản phụ đến cơn vượt cạn ngay chốt kiểm soát; những sản phụ sắp tới ngày sinh muốn về quê… Đối với những trường hợp này, công an phải mềm dẻo giải quyết ổn thỏa, an toàn và để lại hình ảnh đẹp.
Nhắc lại chuyện xảy ra vào một ngày đầu tháng 8, thượng tá Võ Văn Hồng, Trưởng Công an TP.Dĩ An, cho biết: “Sau khi nhận được thông tin về một đôi vợ chồng công nhân đi xe đạp từ Đồng Nai về TP.Hồ Chí Minh để chuẩn bị sinh em bé, ông đã trực tiếp chỉ đạo phân công một xe chuyên dụng hỗ trợ đưa hai vợ chồng này về tới huyện Bình Chánh. Theo thượng tá Hồng, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, khi hai vợ chồng này đi xe đạp thêm một quãng đường dài để về nhà người thân là rất nguy hiểm, đặc biệt là người vợ mang bầu sắp sinh. Cùng với hỗ trợ xe, cán bộ Công an TP.Dĩ An làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát còn hỗ trợ vợ chồng ấy một số tiền và nước uống, thực phẩm.
Đối với bà Trần Thị Vàng, cán bộ hưu trí của Công an Bình Dương thì không thể quên được giây phút bồng trên tay đứa bé kháu khỉnh nặng 3kg vừa mới chào đời tại chốt kiểm soát. Không chỉ bà Vàng mà tất cả CBCS có mặt tại chốt kiểm soát hôm đó đều xúc động và vui mừng… Đây có lẽ là những hình ảnh mà mỗi người không thể quên được, ghi lại ở một thời điểm đặc biệt, khi dịch bệnh trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người thì tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm sẽ là sức mạnh để cùng nhau vượt qua khó khăn. Đó cũng là tinh thần mà chúng tôi cảm nhận được trong việc làm của mỗi CBCS công an nơi tuyến đầu, cũng như tình cảm của người dân đối với lực lượng này… (Còn tiếp)
“Ngay khi dịch bệnh tái bùng phát, trước những khó khăn thách thức, sự hy sinh thầm lặng của CBCS nơi tuyến đầu chống dịch, Giám đốc Công an tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng; động viên khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng chống dịch”, thượng tá Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Công tác Đảng và công tác chính trị (PX03) Công an tỉnh, cho biết.
Những chiến sĩ trẻ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh vận chuyển lương thực hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Ảnh: TÂM TRANG
Nguồn Bình Dương: http://baobinhduong.vn/binh-duong-trach-nhiem-nghia-tinh-a256059.html