Bình Giang - Hải Dương: Hàng loạt trạm trộn bê tông không phép, xả thải ra môi trường
Mặc dù không có trong quy hoạch, không được cấp phép xây dựng song trên địa bàn xã Tân Việt 'mọc' lên 2 trạm trộn bê tông trên đất nông nghiệp, xả thải trực tiếp ra môi trường và phá hủy hệ sinh thái xung quanh.
Hệ lụy về việc giữa khu dân cư “mọc” lên những trạm trộn bê tông hoạt động gây tác động xấu tới môi trường, làm ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như cuộc sống sinh hoạt tại thôn Lý Đỏ,thôn Bằng Giã xã Tân Việt (huyện Bình Giang) khiến người dân nơi đây vô cùng bức xúc. Ngày 23/3, chúng tôi đã có mặt tại khu vực xã này để ghi nhận sự việc.
Theo quan sát, một diện tích đất nông nghiệp lên tới cả nghìn m2 thuộc địa phận thôn Lý Đỏ đã bị san ủi, xây dựng trạm trộn bê tông và các công trình phụ trợ.
Quan sát bên ngoài, trạm trộn bê tông này được xây dựng khá bề thế, bao gồm: Trạm biến áp, nhà chứa cốt liệu, khu phối trộn bê tông, khu tập kết phương tiện. Bao quanh trạm trộn là các "núi" cát, đá, xi măng.
Ngoài ra, quá trình hoạt động của trạm trộn bê tông này còn xả thải trực tiếp ra khu vực kênh mương nội đồng tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, khi xe ra vào lấy bê tông từ trạm trộn mang đi bán, các phễu cát, đá được máy múc đổ đầy ắp gây bụi mù mịt, do trạm trộn không có vòi phun sương tưới nước và các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bà Trần T. L., người dân sinh sống tại thôn Lý Đỏ, xã Tân Việt cho biết: Theo tôi được biết, khu vực này huyện không quy hoạch để làm trạm trộn bê tông mà là đất chuyển đổi VAC. Trước đây là đất nông nghiệp của người dân trong thôn. Không hiểu sao Trạm trộn bê tông lại được xây dựng ở đây, vừa ô nhiễm môi trường lại phá hủy đường giao thông nhưng chúng tôi không thấy chính quyền địa phương có biện pháp xử lý.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Vũ Đình Hải – Quản lý trạm trộn bê tông thôn Lý Đỏ thừa nhận trạm trộn bê tông của ông vẫn chưa được cấp phép hoạt động và đang hoàn thiện các giấy tờ. Hệ thống nước được rửa trong bồn chảy ra cống mương ngay cạnh cổng đợi khi nào nắng đọng sẽ được múc lên.
Tiếp tục di chuyển đến thôn Bằng Giã để ghi nhận thực tế, trạm trộn ép cọc bê tông của Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Hiệu Hòa Hưng nằm ngay mặt đường tỉnh 394. Các xe tải chở cọc bê tông, xe chở cát, đá, xi măng chạy ầm ầm suốt ngày.
Nhiều vết lún, nứt, ổ gà đã xuất hiện, gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Đặc biệt, chủ trạm trộn tập kết cọc bê tông lấn chiếm hành lang giao thông, chiếm dụng luôn cả đường gom dân sinh làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của người tham gia giao thông. Đồng thời gây mất mỹ quan tại khu dân cư mới này.
Qua tìm hiểu được biết, trạm sản xuất cọc bê tông của Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Hiệu Hòa Hưng được xây dựng trong điểm dân cư mới thôn Bằng Giã, xã Tân Việt. Đáng chú ý, trạm trộn ép cọc bê tông này xây dựng và hoạt động trên phần đất đã được UBND huyện Bình Giang tổ chức đấu giá để người dân làm nhà ở.
Chia sẻ với PV, một số người dân thôn Bằng Giã lo lắng: “Gia đình tôi sống ngay sát cạnh trạm trộn bê tông này. Mỗi khi có gió, bụi, khói từ trạm trộn bay vào nhà khiến cuộc sống của cả gia đình bị đảo lộn. Mặc dù gia đình đã lắp cửa kính nhưng bụi xi măng vẫn lọt vào trong nhà, bám trắng xóa đầy giường tủ, bàn ghế”.
Liên quan đến việc hàng loạt trạm trộn bê tông “mọc” lên không phép, gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã Tân Việt (Bình Giang) trong suốt một thời gian dài mà không hề được các cơ quan chức năng nào xử lý, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã liên hệ làm việc với ông Vũ Ngọc Hưng – Chủ tịch UBND xã Tân Việt.
Trao đổi, ông Hưng cho biết: "Liên quan đến trạm trộn bê tông thuộc địa bàn thôn Lý Đỏ thì trạm trộn này chưa được cấp phép, tổng diện tích trên 1 mẫu thuộc đất chuyển đổi VAC. Xã cũng đã xuống kiểm tra và nhắc nhở đơn vị, đồng thời cũng yêu cầu họ nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục pháp lý.
Còn về việc trạm sản xuất cọc bê tông của Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Hiệu Hòa Hưng xây dựng trong khu đất đấu giá tại thôn Bằng Giã thì theo nguyên tắc hoạt động trong khu dân cư là sai. Còn họ đã xây dựng trạm ép cọc bê tông từ năm 2016, thời buổi đó tôi chưa làm chủ tịch. Mới đây họ có xây dựng thêm một trạm bê tông nữa nhưng chính quyền đã yêu cầu họ tháo dỡ rồi. Mới đây, xã cũng đã phối hợp với Sở Giao thông về làm việc với công ty về việc tập kết lấn chiếm hành lang giao thông".
Với những sai phạm trên, sự “thờ ơ” chưa nghiêm của UBND xã Tân Việt cùng với những tác động, ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe người dân, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của huyện Bình Giang, UBND tỉnh Hải Dương sớm vào cuộc để xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm hoạt động sản xuất không phép của hai trạm trộn trên địa bàn xã để người dân yên tâm sinh sống và sản xuất.
Theo một số tài liệu khoa học, bụi xi măng sinh ra trong quá trình sản xuất có kích thước hạt bụi rất nhỏ (nhỏ hơn 3µm) lơ lửng trong khí thải, khi hít vào phổi rất dễ gây bệnh về đường hô hấp, Đặc biệt khi hàm lượng SiO2 tự do lớn hơn 2% có khả năng gây bệnh silicon phổi, một bệnh được coi là bệnh nghề nghiệp nguy hiểm và là phổ biến nhất của công nghiệp sản xuất xi măng.
Đồng thời bụi xi măng theo gió phát tán ra xa sẽ lắng xuống mặt nước, mặt đất làm suy thoái đất trồng, ô nhiễm nguồn nước gây hại lớn cho sinh vật.
Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin!