Bình Hiệp: Hành trình 'chinh phục' nông thôn mới nâng cao
Từng là xã vùng biên nhiều khó khăn, nhờ đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới (XDNTM), xã Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) 'thay da, đổi thịt'. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã tiếp tục phấn đấu XDNTM nâng cao trong thời gian tới.
1. Bình Hiệp là 1 trong 3 xã biên giới của thị xã Kiến Tường, có đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia dài 7,5km, là cửa ngõ giao thương giữa hai nước Việt Nam - Campuchia. Người dân chủ yếu sinh sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp. Từ khi Bình Hiệp xây dựng thành công xã NTM, đời sống người dân từng bước được nâng cao, diện mạo nông thôn đổi mới từng ngày.
Hiện nay, 100% đường xã được nhựa hóa, bêtông hóa, có đèn chiếu sáng, trồng cây xanh và trang bị thùng đựng rác hoặc bố trí điểm tập kết rác hợp lý. 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới, tiêu chủ động. Hơn 99% hộ dân sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất bảo đảm an toàn. 3/3 trường học trên địa bàn xã đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1.
Theo Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp - Trương Văn Thanh, việc xây dựng thành công xã NTM đem lại cho địa phương nhiều thay đổi tích cực. Đến nay, xã đạt 13/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí NTM nâng cao. Các tiêu chí chưa đạt là quy hoạch, giao thông, giáo dục, thu nhập, nghèo đa chiều và y tế. Đối với từng tiêu chí, địa phương có phương án và lộ trình cụ thể để thực hiện, hướng đến mục tiêu hoàn tất các tiêu chí NTM nâng cao vào cuối năm 2024.
Thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt hơn 59 triệu đồng/năm. Để giúp người dân nâng cao thu nhập, xã tập trung vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác; xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.
Gia đình có 3ha đất trồng lúa, tuy nhiên, do giá lúa bấp bênh, anh Đỗ Văn Đoàn (ấp Ông Nhan Đông, xã Bình Hiệp) quyết định chuyển đổi sang trồng sầu riêng kết hợp nuôi cá. Ao cá đem lại nguồn thu nhập phụ trong quá trình chăm sóc, chờ cây sầu riêng cho trái. Được biết, vườn sầu riêng của gia đình anh Đoàn đang được chăm sóc theo kỹ thuật sản xuất sầu riêng sạch, ký hợp đồng bao tiêu đầu ra. Anh Đoàn chia sẻ: “Vùng đất này trước đây chỉ trồng lúa nhưng từ khi người dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng thì tôi nhận ra có nhiều loại cây thích hợp như mít, sầu riêng,...
Bên cạnh việc chuyển đổi cây trồng, kỹ thuật chăm sóc theo hướng bền vững, đầu ra cho sản phẩm cũng là yếu tố quyết định giúp đem lại hiệu quả kinh tế. Theo tôi nghĩ, muốn làm được như vậy thì trước hết nông dân cần tập làm quen với kinh tế tập thể, vì diện tích lớn, sản xuất đồng loạt là một lợi thế trong việc ký kết hợp đồng sản xuất, bao tiêu cùng doanh nghiệp”.
2. Không chỉ chú trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã Bình Hiệp còn đẩy mạnh phát triển y tế, giáo dục, vừa giúp nâng cao chất lượng đời sống người dân, vừa từng bước hoàn thành mục tiêu XDNTM nâng cao. Đối với giáo dục, năm học 2022-2023, tỷ lệ học sinh xếp loại khá, giỏi về học lực tăng, giảm học sinh yếu, kém, bỏ học; phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập tiểu học mức độ 3, phổ cập THCS mức độ 2 được giữ vững. Cơ sở vật chất trường, lớp được sửa chữa kịp thời, trang thiết bị dạy học được đầu tư mua sắm theo hướng hiện đại. Theo dự kiến, năm nay, xã tiếp tục đầu tư xây dựng nhà đa năng tại Trường THCS Lê Quý Đôn, nhằm giúp trường đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2 theo quy định.
Là xã biên giới, Bình Hiệp đặc biệt chú trọng đến công tác quốc phòng, an ninh. Công tác phối hợp giữa 3 lực lượng công an, quân sự, bộ đội biên phòng được thực hiện tốt, phục vụ sẵn sàng chiến đấu, tuần tra bảo vệ địa bàn. Tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Công tác điều tra, xử lý tội phạm được thực hiện hiệu quả, đúng theo quy định. Công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được tập trung thực hiện. Các mô hình: Đội Honda khách phòng, chống tội phạm; Dân phòng xung kích bảo vệ an ninh, trật tự trên tuyến biên giới; Tiếng loa an ninh, trật tự;... được duy trì và nhân rộng.
Ông Trương Văn Thanh khẳng định: “Một trong những yếu tố quyết định khi XDNTM và NTM nâng cao chính là nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng, nhiệm vụ của người dân và cả hệ thống chính trị. Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, Đảng bộ, chính quyền và người dân trong xã quyết tâm, chủ động, đoàn kết tổ chức thực hiện các tiêu chí, không trông chờ, ỷ lại vốn của Trung ương, tỉnh.
Ngay từ đầu, chúng tôi xác định tiêu chí nào thuận lợi sẽ triển khai, thực hiện trước, tận dụng mọi nguồn lực của địa phương, nhất là nguồn lực từ trong dân để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, xây dựng cảnh quan môi trường, xây dựng địa phương giàu đẹp”./.