Bình luận: Chủ động trong vòng xoáy thương mại toàn cầu
Tổng thống Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh áp thuế 25% lên mặt hàng hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, không có ngoại lệ hay miễn trừ. Động thái này được cho là nhằm bảo vệ ngành công nghiệp và việc làm của Mỹ, nhưng lại gây ra làn sóng lo ngại trên toàn cầu.
Doanh nghiệp Việt Nam không tránh khỏi ngoại lệ. Trong bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều biến động nhanh và khó lường, xu hướng bảo hộ ngày càng gia tăng, việc xây dựng chiến lược chủ động ứng phó từ sớm từ xa là vấn đề sống còn với các doanh nghiệp.
Trước diễn biến phức tạp này, Bộ Công Thương đã ngay lập tức chỉ đạo các vụ thị trường nước ngoài, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nắm bắt thông tin diễn biến tình hình thị trường, biến động về kinh tế, chính trị, chính sách trong khu vực và trên thế giới ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam nhằm kịp thời tham mưu cho Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã chủ động xây dựng các kịch bản và phương án ứng xử khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang.
Việc Mỹ áp thuế tăng thêm 25% cho tất cả sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu sẽ tác động đến ngành thép thế giới và cả Việt Nam. Đây là mức thuế khá cao do Mỹ muốn bảo hộ ngành thép nội địa, gây tác động đầu tiên là sẽ làm tăng giá bán thép tại thị trường Mỹ, từ đó làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng sở tại.
Quay lại bài toán sản phẩm thép của doanh nghiệp Viêt có cạnh tranh được với hàng của các công ty Mỹ hay không? Theo một số chuyên gia, nếu hàng xuất khẩu của Việt Nam có lợi thế giá cạnh tranh, chất lượng tốt, có chứng nhận xuất xứ rõ ràng thì vẫn có cơ hội chiếm lĩnh thị phần tại Mỹ...
Việc áp thuế, phòng vệ thương mại gia tăng trong bối cảnh hiện nay đã được tính trước và nhiều doanh nghiệp đã có phương án chuẩn bị ứng phó. Ở thời điểm nhiều năm trước, khi các sản phẩm thép liên tục bị kiện phòng vệ thương mại, câu chuyện đa dạng hóa thị trường được nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đề cập.
Trong bối cảnh xu hướng bảo hộ, đặc biệt là nền kinh tế lớn như Mỹ có chiều hướng tăng, thì sức ép mở rộng, đa dạng thị trường, sức ép tiết giảm chi phí với các doanh nghiệp ngày lớn. Bởi thế, bên cạnh việc đánh giá tình hình để có chiến lược kinh doanh phù hợp, mở rộng xuất khẩu sang các nước có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, tránh phụ thuộc vào một thị trường thì vấn đề sống còn là doanh nghiệp Việt Nam phải tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất, giảm thiểu chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Song hành cùng doanh nghiệp trong vòng xoáy thương mại toàn cầu, việc theo dõi sát sao chính sách thương mại của các đối tác thương mại lớn như Mỹ và Trung Quốc sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam dự liệu, kịp thời điều chỉnh chiến lược để tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro. Trong những nỗ lực này, không thể thiếu vai trò đồng hành của bộ ngành, cơ quan thương vụ ở nước ngoài cùng doanh nghiệp chủ động ứng phó với biến động, rủi ro từ thị trường.
Đây không phải là bài học mới, cũng không chỉ là câu chuyện riêng của thép. Các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam cũng chịu va đập trên thương trường quốc tế, từ chỗ thích ứng đến dần dần tạo lập thế chủ động trong vòng xoáy thương mại toàn cầu.
Mỗi lần "lửa thử vàng" sẽ là cơ hội gia tăng khả năng chống chịu, tôi luyện với thử thách để doanh nghiệp đứng vững và vượt qua những cơn gió ngược, bước lên những nấc thang cao hơn trong môi trường thương mại toàn cầu đầy biến động.