Bình Minh Bu Đơr

…Đêm hoang vắng. Cơn mưa rừng kéo dài lê thê mấy ngày vừa mới dứt khiến không khí hoang hoải mùi lá cây, cỏ mục. Dòng suối ồ ồ chảy ru mọi người chìm vào giấc ngủ sâu, át đi tiếng bước chân rình mò trong đêm tối. Đột ngột, những tiếng thét dội lên, cả Bu Đơr hoảng loạn. Đàn chim ngủ trên những ngọn cây ở bìa rừng giật mình đập cánh bay lên, xáo xác cả một vùng. Lửa bùng cháy trên những ngôi nhà sàn. Fulro về trong đêm, đốt nhà, giết người, bắt cóc thanh niên đưa vào rừng.

Phải đến khi nhận quyết định nghỉ hưu, ông Thắng mới sắp xếp được những bộn bề của công việc và cuộc sống để về lại Bu Đơr. Hai mươi năm, từ chàng thanh niên phơi phới sức đi bảo vệ mảnh đất cao nguyên hùng vĩ đến khi mái tóc đã điểm bạc, ông mới có dịp quay về sống giữa những ân tình. Không mang theo chức vụ, không công lệnh, cũng chẳng báo cho cơ quan, đoàn thể nào, ông vác ba lô lên vai, trở về Bu Đơr với tư cách cá nhân - một đứa con từng được buôn làng bao bọc, chở che. Lần này, ông còn đi cùng đứa con trai lớn. Nó về thăm lại nơi nó được sinh ra, được những bầu sữa của các amí nuôi lớn và nhận công tác. Ngày nhận quyết định tăng cường cho các xã biên giới Tây Nguyên, nó mới báo cho vợ chồng ông biết.

Bu Đơr đây rồi! Ngôi làng Ê Đê nhỏ bé nằm trong thung lũng được bao quanh bởi những ngọn đồi. Đang vào những ngày cuối mùa khô. Mặt trời rừng rực lửa đỏ. Không khí đặc quánh bụi. Rừng cây trút lá thành những thảm đỏ giòn rụm dưới chân. Bu Đơr như sơn nữ mình trần, nằm ngửa chờ mưa tắm mát.

Kíp đón bố con ông ở đầu làng. Mới ngày nào, nó còn là đứa bé đen nhẻm, tóc cháy nắng khét lẹt, khóc thét lên khi nghe tiếng súng từ rừng vọng lại, giờ đã là ama Nhíp, bố của bốn đứa con, đứa lớn nhất đã thành bộ đội. Kíp đưa cho ông bầu nước, nước hứng từ đỉnh núi chảy theo ống lồ ô chạy về bến nước đầu bon. Ngụm nước mát lạnh khiến những mệt nhọc của chặng đường dài bỗng chốc tan biến hết cả. Ông thấy lòng mình thanh sạch, hồn nhiên như sông suối Tây Nguyên dội về từ rừng già nguyên thủy.

Kíp cắm đầu đi trước. Bố con ông cất bước theo sau. Về đến đầu bon, Kíp mới ngước mặt lên, thở một hơi dài.

- Chú Thắng à. Nhờ chú về mà đêm nay bon làng tập trung ở nhà dài. Mấy tháng rồi bon làng mình buồn lắm. Đám thằng Quàng, thằng Rơn nghe theo lời bọn xấu, quên hết ngày xưa ama, amí sống khổ thế nào. Chú Thắng về, nhắc lại cho chúng nó nhớ…

Đón ông, đêm nay làng mở hội. Già làng ama Nhau đã gần chín mươi, râu bạc chạm ngực, da đỏ au như có ngọn lửa lúc nào cùng rừng rực cháy trong mạch máu, miệng ngậm chiếc tẩu đã lên nước bóng loáng, gật gù: “Tốt, tốt, thằng Thắng chân còn chưa quên đường về bon, mắt vẫn tìm được lối, uống ngụm nước còn thấy mát, hát Ót Ndrông còn thuộc lời. Nó vẫn là con của Bu Đơr”.

Lửa nhà dài bập bùng hắt hơi ấm lên vách, soi từng khuôn mặt rạng rỡ men rượu cần. Ơi ngọn lửa huyền minh không bao giờ tắt, soi rọi lòng ông, nhắc ông về những năm tháng không được phép lãng quên. Già làng ama Nhau cầm tay ông, nói với những khuôn mặt vừa bước qua tuổi trẻ thơ chuẩn bị làm người lớn. Phải nhớ, nhớ người đã tiêu diệt bóng ma fulro, đã ngăn cái ác, chặn cái xấu để Bu Đơr bình yên, để Tây Nguyên ngân tiếng cồng chiêng, để gái trai hồn nhiên cất cao tiếng hát. Người già kể lại cho con cháu, con cháu già đi lại kể cho lớp con cháu sau này. Phải nhớ…

Minh họa: Đặng Tiến

Minh họa: Đặng Tiến

Chàng trai trẻ Hoàng Minh Thắng có mặt tại Tây Nguyên ngay khi cả nước vẫn còn đang sống trong không khí hạnh phúc của những ngày đầu thống nhất. Cứ ngỡ từ đây, khắp các buôn làng sẽ rộn rã tiếng cồng chiêng mừng lễ hội. Đêm, con chim kơ tia bay ngang qua nhà dài ngừng cánh bay nghe già làng hát sử thi; hươu, nai len lén đến bìa rừng nhìn gái trai xoay bên điệu xoang duyên dáng. Nhưng Tây Nguyên những ngày ấy chìm trong không khí u ám, nóng bỏng. Những kẻ lầm đường, lỡ bước điên cuồng phá hoại cuộc sống bình yên của buôn làng. Không một tội ác nào mà chúng không dám làm, chúng không tha cho bất cứ ai, từ người già đến trẻ con, từ thanh niên trai tráng đến đàn bà con gái. Khói từ bếp lửa nhà dài thốc lên hay men rừng cay bốc hơi nước trong hốc mắt ông. Ché rượu này ông uống thay cả phần những người đã nằm xuống tại cánh rừng Đạ Đờn, nằm lại với Bu Đơr bốn mùa sương trắng. Ông nắm tay con trai, chỉ cho nó thấy khu nhà mồ nằm ở phía bìa rừng.

Sáng sớm, Kíp đưa bố con ông ra khu nhà mồ. Rừng già heo hút, ẩm thấp, vắng lặng. Con trai ông dường như vẫn chưa nguôi cảm xúc của những câu chuyện được nghe già làng kể. Mắt nó hoe đỏ. Khuôn mặt nó trầm lặng như đắm vào ký ức. Ký ức có một phần cuộc đời nó mà vì khi ấy còn nhỏ quá, nó không thể nhớ được. Ông Thắng dắt con lần lượt tới từng ngôi mộ. Đây là mộ của ama Quang, già làng vận động những chàng trai của bon làng theo quân giải phóng, dẫn cả làng vào rừng tìm cách đánh giặc. Kia là mộ của ama Doen, người có giọng hát của Yang, vác đàn đi vào tận hang ổ của fulro, cất tiếng hát mà kêu gọi được cả đám ra đầu hàng.

Bên mộ của họ, những chiếc gùi mây, đàn dây nằm mặc nắng mưa hoang phế. Những chiếc gùi tải lương thực tiếp tế cho bộ đội. Ông Thắng và con trai ngồi xuống bên ngôi mộ nhỏ. Con trai ông đặt một bó hoa rừng lên mộ. Những bức tượng nhà mồ câm lặng xoáy cái nhìn tâm trạng vào hai bố con. Gió khua ống nứa treo trên những cây nêu như lời của người từ cõi xa xôi vọng lại thay cho lời chào. Ông đặt tay lên vai con, khẽ bảo. Ngồi với mẹ một lát đi Chiến. Mấy chục năm rồi, mẹ con mới được gặp nhau.

Bờ vai đứa con trai lớn lúc nào cũng mạnh mẽ, rắn rỏi của ông run lên từng chặp.

Khuôn mặt người con gái dịu hiền như vầng trăng đêm rằm hiện lên giữa rừng già thâm u, nhói vào tim ông nỗi ân hận không thể bảo vệ được cô trước sự tàn bạo của những kẻ khát máu.

*

…Đêm hoang vắng. Cơn mưa rừng kéo dài lê thê mấy ngày vừa mới dứt khiến không khí hoang hoải mùi lá cây, cỏ mục. Dòng suối ồ ồ chảy ru mọi người chìm vào giấc ngủ sâu, át đi tiếng bước chân rình mò trong đêm tối. Đột ngột, những tiếng thét dội lên, cả Bu Đơr hoảng loạn. Đàn chim ngủ trên những ngọn cây ở bìa rừng giật mình đập cánh bay lên, xáo xác cả một vùng. Lửa bùng cháy trên những ngôi nhà sàn. Fulro về trong đêm, đốt nhà, giết người, bắt cóc thanh niên đưa vào rừng.

Mẹ Thủy của Chiến cũng bị fulro đưa đi trong đêm ấy. Đêm hoài thai Chiến. Quằn quại. Đau đớn. Ông Thắng lúc ấy đóng vai chàng thanh niên trẻ từ miền Bắc theo bà con họ hàng vào xây dựng kinh tế mới. Nghe tiếng hét, thấy lửa cháy, ông vội chạy đến trường học giữa bon. Cháy hết cả. Chỉ còn tro than cháy đỏ. Bụi tre nứa bay lên, xám ngắt.

Sáng sớm hôm sau, dọc suối Đắk Huýt, cả bon làng như chết lặng, đau đớn nhìn xác những người dân hiền lành, chất phác của buôn làng bị đánh đập, hành hạ. Quần áo thấm máu khô bết lại, dày như bẹ cau, gõ vào máu đông rơi thành từng mảng như vữa tường. Gần hai mươi cái xác bị móc mắt, treo lên cành cây dọc suối. Chỉ vì người dân trong bon và các làng lân cận không có lương thực đóng góp cho chúng, không cho con em theo chúng vào rừng, mà chúng hành hạ dã man, tàn bạo. Có người chết rồi chúng còn chặt đầu treo lên cây, còn xác vứt phía bìa rừng. Xác các cô giáo trẻ không bị treo lên như đàn ông mà bị vứt xuống suối. Ông Thắng ào xuống, chẳng kịp đề phòng lũ quỷ dữ có cài mìn xuống suối để tiêu diệt người dân tìm xác không, bế xốc Thủy lên. Thủy chưa chết. Hơi thở dẫu mỏng manh như một sợi khói nhưng Thủy vẫn còn sống. Ông ôm Thủy, chạy như bay về phía nhà già làng.

Quê Thủy gần quê ông. Bố mẹ Thủy đã mất hết vì trúng bom từ ngày Thủy còn bé tí. Thủy ở cùng với chú thím. Học xong sư phạm, Thủy được phân công vào Tây Nguyên. Ngay từ lần đầu tiên gặp Thủy, ông Thắng đã cảm mến cô gái có nụ cười hiền với hai lúm đồng tiền duyên dáng và giọng đọc bài trong như tiếng suối. Chờ nhiệm vụ hoàn thành, ông sẽ ngỏ lời, nếu Thủy đồng ý, ông báo cáo đơn vị, xin phép gia đình đưa Thủy về ra mắt. Một người con gái mảnh mai, không dám làm đau cả một nhành hoa, chấp nhận cuộc sống thiếu thốn, vất vả nơi cao nguyên hoang vắng để dạy chữ cho đàn em nhỏ mà lũ fulro tàn ác cũng không tha.

Suốt cả mùa trăng, Bu Đơr chìm trong không khí đau thương, tang tóc. Những người đàn bà mất cả chồng lẫn con như hóa điên dại, ngày ngày đưa đôi tay trần cào bờ suối tìm người, đến khi mười ngón tay tóe máu. Bon Bu Cháp bên cạnh, người dân phát cây khai hoang bị fulro ném lựu đạn giết chết bên mé rừng. Từng mảnh thân thể bị xé nát như cào vào ruột gan người còn sống nỗi đau đớn, căm phẫn tận cùng. Nghĩa tử là nghĩa tận, vậy mà đến lúc đưa người đã mất về nơi an nghỉ cuối cùng cũng phải nhờ đến lực lượng chức năng cảnh giới vì sợ chúng bất ngờ kéo đến ném lựu đạn. Máu của đồng chí, đồng bào đã đổ xuống. Không thể nào ngồi yên được nữa.

Ngày Thủy sinh cu Chiến cũng là ngày Thủy khép lại cuộc đời mình. Con thác sau bon sùng sục nước đục ngầu thay lời khóc tiễn đưa một linh hồn về cõi A tâu (cõi ma). Bao nhiêu bài thuốc lá, những loại rễ cây rừng các amí đun cho Thủy uống đã giúp Thủy kéo dài được mạng sống sau cái đêm kinh hoàng rơi vào tay bọn fulro tàn bạo. Một sinh linh hình thành trong cái đêm mà Thủy không bao giờ muốn nhớ đến ấy. Vật vã. Đớn đau.

Những giằng xé giữa mê và tỉnh. Lúc mê, Thủy sợ hãi chui vào góc nhà, thấy ai đến là co rúm người lại. Lúc tỉnh, Thủy chạy chân trần ra suối, trèo lên cây định gieo mình xuống. Nhưng đứa bé không có tội. Nó đâu có quyền chọn bố, mẹ, chọn nơi sinh. Phút ôm con trong vòng tay cũng là phút cuối cùng hai mẹ con gặp mặt. Bon làng thương Thủy, đưa cô ra nằm với nhà mồ, tổ chức lễ Pơ thi cho cô được hóa thành giọt sương mai mà luân hồi sang kiếp khác. Chiến lớn lên bằng những giọt sữa của các amí nuôi con nhỏ trong bon, bằng nước cháo, bằng sữa từ bắp non nghiền nát lấy nước.

*

Ban Chuyên án được thành lập. Ông Thắng nộp đơn xung phong vào trận. Biết rằng cuộc chiến ấy có thể một đi không trở lại, nhưng hình ảnh những người dân vô tội bị sát hại treo xác lên cây, những người vợ điên dại nhặt từng mảnh xác của chồng bên bìa rừng; tiếng hét đầy sợ hãi của Thủy cùng tiếng khóc ngằn ngặt vì thiếu hơi mẹ của cu Chiến khiến ông không thể nào ngồi im chờ đợi…

Hai bố con ông Thắng cứ ngồi lặng im bên mộ Thủy cho đến xế chiều. Chẳng cần nói gì nhưng họ đều tin Thủy hiểu hết. Bố con ông theo chân Kíp ra suối tắm. Suối Đắk Huýt qua mấy chục năm đã lắng lại những đau thương, mất mát, dòng nước trong leo lẻo soi rõ cả đá cuội dưới đáy. Ông chỉ cho Chiến, chỗ tảng đá lớn dưới gốc cây đại thụ trùm xuống kia, lúc Chiến còn bé, dân làng đã tắm cho Chiến, để Chiến lớn lên mạnh khỏe, hồn nhiên như cái cây, như con nai, con hoẵng trong rừng. Chiến đã cất tiếng khóc lớn khôn trên tảng đá ấy.

Đang mùa hoa Kia Rup, những cánh hoa vàng rực như nắng, hương sánh như mật ong thả từng chùm ven suối, cánh bay lả tả đậu xuống mặt nước rồi lững lờ trôi đi. Kíp lội ào xuống suối. Thấy động, hàng ngàn con bướm đậu trên bãi cát chấp chới bay lên. Kíp vốc nước rửa mặt, khà lên đầy sảng khoái. Rồi để mặc quần áo ướt, cậu bò lên tảng đá lớn, nằm phơi mình như cá. Giọng Kíp ồ ồ.

- Chú Thắng à. Lũ trẻ giờ chúng ít nghe lời già làng lắm. Chúng nó đi ra ngoài, tiếp xúc nhiều cái khác lạ, cái gì mà gọi là mạng, là “tít tót” đó chú. Chúng nó không thích đánh chiêng, không thích nghe hát nữa đâu.

Chiến ngồi trong lòng suối. Có lẽ anh đang cảm nhận dòng nước mát ngấm vào da thịt, để ký ức cội nguồn vỗ về, ôm ấp mình. Ông Thắng cũng bò lên tảng đá. Kíp đưa tay kéo ông lên.

- Chẳng biết chúng nó kết bạn với ai ở nước ngoài, nghe theo lời rủ rê đi phá trụ sở ủy ban nhân dân. Thằng Reo, ông nội nó ngày xưa bị fulro chặt đầu treo lên cây, bà nó hóa điên. Lúc còn chưa về với ông bà, lúc nào ama nó cũng nhắc thế mà nó quên, đi theo bọn xấu. Nó bị bắt rồi, amí nó ngày nào cũng khóc đó chú Thắng.

Gió đại ngàn thổi về từ phía rừng, xoáy trên vách đá tạo thành tiếng ầm ì như tiếng trống hội. Ông Thắng rủ rỉ nói chuyện với Kíp. Già làng ama Nhau cũng sẽ đến ngày về với mảnh đất ông bà, rồi sẽ đến lớp của Kíp, của con trai Kíp. Còn những người biết tin vào lẽ phải, biết phân biệt phải trái thì Bu Đơr còn bình yên, Tây Nguyên còn bình yên.

Chiến cũng đã trèo lên tảng đá. Anh nằm xuống cạnh bố. Anh nhớ lại lời bố kể. Đi hết cánh rừng kia sẽ sang tới vùng đất nơi cách đây mấy chục năm, đầu não fulro ẩn náu. Nơi ấy, đồng đội của bố đã ngã xuống để bảo vệ các buôn làng.

*

Hang Plooc Krong nằm sau ngọn núi Voi sừng sững với địa thế vô cùng hiểm trở, hùng vĩ. Lòng hang rộng lớn có thể chứa tới cả trăm con người, chỉ cần phía ngoài có động, trong hang sẽ được báo cáo kịp thời để chuẩn bị phản công. Cách cửa hang vài cây số, một loạt các trạm gác được dựng lên, túc trực cả ngày lẫn đêm không lúc nào ngơi nghỉ. Bao bọc xung quanh nó là một vùng rừng đại ngàn hoang vu. Một vài ngôi nhà nhỏ bé nằm lẩn khuất trong những cánh rừng lúc nào cũng im lìm, lặng lẽ. Lúc biết mình được chọn tham gia chuyên án, ông Thắng nghẹn đi. Nói không sợ là không đúng. Con người mà, ai chẳng có phút giây sợ hãi. Nhưng nếu sợ chết, ông và đồng đội đã không chọn theo nghề Công an, lựa chọn theo ngành trinh sát an ninh. Lúc ấy ông còn trẻ, chưa vướng bận vợ con. Trong tổ, có những anh mới kết hôn, vợ đang mang thai vẫn vui vẻ xung phong nhận nhiệm vụ.

Để có “chuyến hàng” đầu tiên trót lọt, tổ trinh sát đóng giả phái đoàn từ thiện đã trải qua nhiều lần hú vía. Có lần, chúng cho người phục kích trong những bụi cây cạnh con đường mòn chỗ xe đậu. Vừa thấy “phái đoàn của tổ chức từ thiện”, chúng lao vào dùng báng súng, khúc cây đánh đập, hỏi “phái đoàn” có phải người của Công an cài vào hay không. Lại có lần, chúng cho những tên là người Mnông ám sát bộ đội rồi lấy đồ mặc lên người, chào đón “phái đoàn” và đề nghị hỗ trợ nếu các thành viên là Công an. Chưa tin tưởng, chúng dùng gậy, đá, báng súng đập các thành viên “phái đoàn” tối tăm mặt mũi. Sau vài lần thử thách, “phái đoàn” mới đưa được “chuyến hàng” đầu tiên thành công.

Một ngày gần cuối năm, cao nguyên lồng lộng gió. Không khí lạnh sắt lại. Sương mù che khuất tầm nhìn. Nhiệt độ xuống dưới mười độ. Hai chiếc xe quen thuộc của “phái đoàn từ thiện quốc tế” đi đón “hàng” như đã hẹn. Nhưng lần này, một tên ra năn nỉ “phái đoàn” vào tận nơi đón những người muốn đi đang ẩn nấp vì chúng sợ có kẻ theo dõi, trả thù. Xe vừa tới cửa rừng, gần hai mươi tên bất ngờ xông ra, trói các anh bằng dây dù, dây rừng rồi lao vào đánh đập tàn nhẫn như để trút hết những tức tối. Có lẽ lúc ấy chúng không còn là con người.

Trên người các trinh sát chỉ còn lại chiếc quần cộc, gai lên vì lạnh, da bầm tím như thể máu chảy trong người đã đông hết cả lại. Gai nhọn, cây rừng cứa vào da thịt tứa máu. Mặt bị bịt vải, không nhìn thấy đường nên vừa đi vừa ngã dúi dụi. Mỗi lần các anh bị hụt chân, chúng dùng báng súng thúc vào hông đau điếng. Lạnh, đau, các anh bặm môi đến bật máu. Anh Thà giỏi võ nhất nên bị trói chặt hơn. Bốn tên kè kè bên anh, thỉnh thoảng lao vào đấm đá anh túi bụi để anh bị mất sức. Dù không thể nhìn, không thể ra hiệu và nói cho nhau biết được, nhưng ý nghĩ duy nhất trong đầu của các anh là phải tranh thủ cơ hội để bỏ chạy, trốn thoát khỏi những kẻ đang nung nấu ý muốn trả thù bằng những hình thức tàn bạo nhất này. Chỉ cần chạy thoát được, kêu lên, sẽ có anh em trinh sát đang ém quân trong rừng tới cứu.

Anh Dũng lợi dụng lúc chúng lơi lỏng, giật được tấm vải che mắt, bỏ chạy. Ba bốn tên đuổi theo anh, xả đạn. Một viên đạn xuyên vào ngực anh từ phía sau khiến anh ngã gục. Anh nằm lại giữa cánh rừng cao nguyên thâm u, huyền bí. Máu anh nhuộm đỏ thảm lá rụng dày dưới chân. Trái tim anh đã ngừng đập, còn trái tim những người ở lại quặn lên đau đớn và căm phẫn. Thấy anh đã mất đi sự sống, chúng bỏ anh nằm lại, kèm theo những lời đe dọa:

- Chúng mày mà còn dám bỏ chạy, tụi tao sẽ bắn cho nát sọ.

Trong lúc dẫn giải, đám fulro bị lạc đường. Dường như cũng thấm mệt, chúng dừng lại chia chác chiến lợi phẩm là những bộ quần áo, giày, tất. Bàn chân ông lúc đó đã nát bươm, bỏng rát. Nhưng chỉ cần có cơ hội, nhất định ông sẽ vùng chạy.

Chúng dùng dây dù trói chặt hai chân anh Thà lại, giật những tấm vải che mặt rồi dồn các anh lại để đánh đập. Một con thú rừng chạy qua, chúng bắn chết, cắt máu uống. Uống máu như uống rượu, chúng ngửa cổ lên trời cười sằng sặc. Máu vương quanh mép đỏ lòm. Những hàm răng trắng ởn nhuộm máu ghê rợn.

Trong cơn say máu, chúng bắt các anh xếp thành hàng trước một bờ vực. Thân xác các anh sẽ bị vùi dưới đáy vực vĩnh viễn. Anh Thà ra hiệu cho mọi người chạy trốn, lăn xuống lòng vực để thoát khỏi họng súng của những kẻ đã mất hết nhân tính. Một mình anh nhảy xổ vào kẻ thù, tả xung hữu đột để giữ chân địch. Những loạt đạn khô khốc vang lên giữa rừng, vọng vào vách đá rồi dội lên buốt óc. Bầy chim hoảng sợ đập cánh bay lên. Thú rừng nháo nhác đạp lá khô tan tác.

Anh Thà hy sinh rồi. Ông Thắng gục khóc bên bờ suối. Người anh, người đồng đội tài giỏi, dũng cảm của ông đã không còn nữa. Anh mãi mãi không được ôm ấp đứa con sắp ra đời của mình. Rồi đây, bên mâm cơm sẽ chỉ có người vợ trẻ cùng bóng mình in trên vách, nhìn phía nào của căn nhà cũng thấy bị lệch sang một góc. Ông Thắng không bị thương. Những viên đạn của kẻ thù bắn đuổi phía sau không chạm được tới ông. Có lẽ, vong linh anh Dũng, anh Thà đã phù hộ để ông thoát khỏi họng súng kẻ thù, bò ra khỏi cánh rừng già để trở về…

Chuyên án kết thúc, ông xin bà con bon làng được đón Chiến về chăm sóc. Ông ngồi trước mộ Thủy, hứa với cô sẽ nuôi dạy Chiến nên người. Ông trở thành một người cha khi chưa có vợ.

*

Bóng chiều đã loang dần từ phía lòng suối chạy về bon. Ông Thắng đứng dậy, kéo Kíp và Chiến trở về. Đêm nay bên bếp lửa nhà dài, già làng ama Nhau tiếp tục câu chuyện còn dang dở về người chiến sĩ an ninh quả cảm năm xưa đã ngã xuống vì bình yên Tây Nguyên, vì những bình minh rạng rỡ trên khắp núi đồi cao nguyên hùng vĩ.

Truyện ngắn của Cao Việt Cường

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/binh-minh-bu-dor-i742791/