Bình minh trên 'chợ trôi'

Bình minh vừa 'leo' qua khỏi mặt sông, tiếng máy chạy lạch cạch rẽ nước ràn rạt, tiếng ít ới gọi nhau đánh thức 'chợ trôi' mùa nước nổi. Trên ghe, thương hồ phân phối hàng nông sản miệt dưới cho mối lái để kịp chạy về bán vào buổi sáng tại chợ quê. Từ lâu, việc buôn bán trên sông bằng ghe, xuồng tấp nập đã tạo nên nét văn hóa đặc trưng vùng châu thổ sông nước Cửu Long được lưu truyền hàng trăm năm. Nhờ hoạt động buôn bán này, thương hồ và tiểu thương có thu nhập ổn định quanh năm.

Mặt trời vừa ló dạng, chợ nổi Long Xuyên được đánh thức bởi tiếng máy, tiếng khua dầm đẩy nước chanh chách.

Thương hồ chở chuối từ miệt Cà Mau, Bạc Liêu lên chợ nổi bày bán trên sông trông rất lạ mắt.

Tiểu thương cho hay, chuối miệt Cà Mau, Bạc Liêu có vị ngọt hơn so với chuối được trồng ở vùng thổ nhưỡng nước ngọt.

Từ lâu, khóm Tắc Cậu (tỉnh Kiên Giang) là loại nông sản ngon ngọt nức tiếng vùng đất phương Nam được thương hồ chở phân phối tại chợ nổi.

Nét độc đáo tại chợ nổi này, tiểu thưởng muốn mua loại nông sản gì thì chỉ cần nhìn “cây đài” có treo mặt hàng trước ghe.

Dừa tươi được trao đổi, mua bán trên dòng sông Hậu rôm rả.

Thương hồ miệt Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng chở dừa tươi lên bán mỗi chục 12 trái. “Thường một chục 10 trái, nhưng chúng tôi bán một chục 12 trái, có nơi một chục 14 trái. Cách tính này được truyền lại từ bao đời nay trên sông nước” - chị Hằng (một thương hồ buôn bán dừa) cho hay.

Với cách tính hào phóng của thương hồ như vậy, mối lái mua hàng về bán lẻ có đồng lời kha khá. “Mỗi buổi sáng, tôi chạy chiếc xuồng cui thu mua dừa tươi, sắn, khoai lang, khóm len lỏi qua các con kênh, rạch bán lẻ cho người dân. Tính đến nay, tôi có 20 năm trong nghề bán hàng nông sản, nhờ vậy cuộc sống ổn định” - bà Bảy Nhỏ (56 tuổi) trần tình.

Rong ruổi trên chợ nổi, chúng tôi còn bắt gặp hình ảnh những chị phụ nữ rất giỏi giang “đơn độc” dong chiếc ghe tam bản “bổ” hàng rồi chạy theo các ghe lớn, sà lan để bán, kiếm tiền thu nhập rủng rỉnh.

Những chiếc xuồng tam bản chở đủ thứ đồ ăn nghi ngút khói, thơm lừng, phục vụ khách thương hồ trên sông.

Nhờ nguồn khách thương hồ trên sông, việc bán thức ăn sáng trở nên sinh động, ấm lòng từng người trên sông nước.

Hoạt động bán vé số trên sông diễn ra chỉ trong vòng khoảng vài giờ đồng hồ là xong. “Mỗi buổi sáng, tôi bán được 100 tờ vé số, bà con ở đây mua ủng hộ nhiệt tình” - chú Lành khoe.

Cuối tuần, chợ nổi Long Xuyên còn thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm vào buổi sáng sớm. Giờ đây, “chợ trôi” này không chỉ là nơi trao đổi mua bán hàng hóa nông sản của thương hồ mà còn là địa chỉ du lịch sông nước khá nổi tiếng ở vùng hạ lưu Mekong.

LƯU MỸ

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/binh-minh-tren-cho-troi--a406794.html