Bình Nhưỡng lên tiếng vụ cho nổ tuyến đường kết nối liên Triều
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 17/10 đưa tin, các tuyến đường bộ và đường sắt kết nối với Hàn Quốc ở phía Đông và phía Tây thuộc biên giới phía Nam của CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên) đã bị cắt đứt hoàn toàn.
KCNA nêu rõ: “Theo chỉ đạo của Quân ủy Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên ngày 15/10 đã thực hiện biện pháp cắt đứt hoàn toàn các tuyến đường bộ và đường sắt của Triều Tiên dẫn đến Hàn Quốc qua các khu vực phía Đông và phía Tây thuộc biên giới phía Nam của Triều Tiên”.
Động thái này được Bình Nhưỡng mô tả là phù hợp với Hiến pháp nước này cũng như tình hình an ninh căng thẳng tại khu vực. Theo giới quan sát, đây được cho là một phần của quá trình phân tách hoàn toàn giữa lãnh thổ của Triều Tiên và Hàn Quốc và được thực hiện theo từng giai đoạn. Dù những tuyến đường trên đã bị đóng cửa từ lâu, nhưng việc Triều Tiên phá hủy chúng sẽ truyền đi thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ tới Hàn Quốc.
Cụ thể, KCNA dẫn lời Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Triều Tiên nêu rõ: “Vào ngày 15/10, các đoạn đường bộ và đường sắt dài 60m ở Kamho-ri, huyện Kosong, tỉnh Kangwon và các đoạn đường bộ và đường sắt dài 60m ở Tongnae-ri, quận Panmu, thành phố Kaesong đã bị cắt đứt hoàn toàn bằng cách nổ mìn”.
Được biết, tại cuộc họp đảng Lao động Triều Tiên cuối năm 2023, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã xác định quan hệ liên Triều là mối quan hệ giữa "hai quốc gia đối địch" và nói rằng việc tìm kiếm sự hòa giải và thống nhất với Hàn Quốc không có ý nghĩa gì. Đầu năm nay, ông Kim Jong-un tiếp tục kêu gọi thực hiện các bước để cắt đứt hoàn toàn về mặt vật lý các tuyến đường sắt xuyên biên giới.
Trên thực tế, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn trong tình trạng chiến tranh bởi sau khi cuộc chiến 1950-1953, hai bên chỉ kết thúc bằng hiệp định đình chiến, không phải hiệp ước hòa bình. Giai đoạn 2017-2022, quan hệ hai miền ấm lên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae-in, người chọn cách tiếp cận mềm mỏng. Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai bên sau đó tăng nhiệt, Triều Tiên đẩy mạnh thử vũ khí, còn Hàn Quốc đáp trả bằng cách tăng cường tập trận chung với đồng minh Mỹ.
Về việc cho nổ tuyến đường sắt liên Triều, Hàn Quốc đã lên tiếng chỉ trích Triều Tiên. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, chính phủ nước này có thể cân nhắc kiện Triều Tiên về vụ nổ bởi vì dự án kết nối đường bộ và đường sắt có khoản vay của Hàn Quốc trị giá 133 triệu USD. Bộ này nêu rõ: "Bình Nhưỡng vẫn có nghĩa vụ trả nợ. Mọi trách nhiệm liên quan đến việc cho nổ các tuyến đường bộ liên Triều đều thuộc về Triều Tiên".
Về phía Mỹ, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết đang theo dõi chặt diễn biến tại bán đảo Triều Tiên, kêu gọi Bình Nhưỡng giảm căng thẳng và chấm dứt mọi hành động làm tăng nguy cơ xung đột, đồng thời khuyến khích Triều Tiên quay trở lại đối thoại và ngoại giao.
Trước đó, Trung Quốc và Nhật Bản đều lên tiếng cảnh báo về tình hình đáng lo ngại trên bán đảo Triều Tiên và kêu gọi nỗ lực ngăn chặn nguy cơ căng thẳng leo thang hơn nữa.
Dù tình hình căng thẳng, giới chuyên gia không cho rằng động thái của Triều Tiên sẽ dẫn đến một cuộc chiến toàn diện, bởi cả Bình Nhưỡng lẫn Seoul đều hiểu rất rõ cái giá phải trả nếu chiến sự nổ ra. Theo ước tính của Bloomberg Economics, nền kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại khoảng 4.000 tỷ USD trong năm đầu tiên, tương đương 3,9% GDP, nếu căng thẳng liên Triều biến thành chiến tranh.