Bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết
Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán là thời điểm sức mua của người dân tăng cao đột biến so với các tháng trong năm. Trên cơ sở đó, các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đang tích cực triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chính sách khuyến khích tiêu dùng, bảo đảm đầy đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.
Như thường lệ, vào những tháng cuối năm, nhất là thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao. Ðây cũng là thời điểm lượng lớn hàng hóa được các doanh nghiệp đưa ra thị trường.
Với mục tiêu đảm bảo nguồn cung gắn với bình ổn giá, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch sản xuất, cung ứng, chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng tiêu dùng, nhiên liệu… không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung gây tăng giá đột biến trong dịp này.
Thời điểm này, Công ty TNHH thực phẩm Đồng Gia, thành phố Vĩnh Yên - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm đã kín đơn đặt hàng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tăng gấp 3 lần so với các tháng thông thường.
Với 6 dòng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao gồm nem thính tươi, nem thính bùi, nem chua tươi, nem thanh xuân, giò còng tươi và giò lụa tươi, mỗi ngày, công ty cung cấp ra thị trường 5.000 quả nem và khoảng 5 tạ giò, chả.
Anh Đồng Anh Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty TNHH thực phẩm Đồng Gia cho biết: Để hạn chế biến động về giá nguyên vật liệu, giá thành sản phẩm, công ty đã làm việc với các nhà cung cấp đầu vào và các đơn vị phân phối trong, ngoài tỉnh để ký kết thu mua, dự trữ nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất và đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi, không để xảy ra tình trạng gián đoạn cung ứng, tăng đột biến về giá khi vào cao điểm mua sắm.
Thực hiện kế hoạch của Bộ Công thương về việc triển khai các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, UBND tỉnh giao Sở Công thương xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện, tập trung vào các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, chế biến, nông sản; các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân như điện, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng…. dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Dự kiến, số lượng một số mặt hàng chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân gồm 1.500 tấn gạo, đỗ các loại; 2.350 tấn bánh, kẹo, đường, mứt, cà phê, chè; 2.157 tấn dầu ăn, nước mắm, mì chính, hạt nêm; 12.119 tấn thịt, rau, củ quả; 93 nghìn m3 xăng dầu và các hàng hóa khác. Ước tính, tổng giá trị hàng hóa đạt gần 3 nghìn tỷ đồng.
Trên cơ sở đó, Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu, kết nối các doanh nghiệp phân phối và các nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết.
Cùng với đó, phối hợp với các địa phương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, áp dụng phương thức mới để giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền kết hợp tạo nguồn hàng phục vụ Tết.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh tập trung đánh giá, dự báo nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và năng lực sản xuất, kinh doanh của đơn vị để chủ động xây dựng kế hoạch và phương án sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa tăng từ 10 - 15% so với các tháng trong năm, tránh để xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết...