Hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Quan điểm phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đã được đề cập trong Hiến pháp 2013 tại khoản 2, Điều 63: 'Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo'.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây Việt Nam đã ban hành nhiều luật trong đó đưa ra những quy định thể chế hóa việc phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo cho phù hợp với thực tiễn phát triển, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện các cam kết tại COP 26 trong đó mục tiêu lớn là dưa mức phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050.
Tuy nhiên phải đợi đến khi có Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, việc phát triển năng lượng nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng mới được đặt đúng tầm.
Nghị quyết 55 đưa ra quan điểm chỉ đạo: Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo. Về mục tiêu cụ thể, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị nêu rõ, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh:
“Giai đoạn tới, Việt Nam chắc chắn phải có những động thái mạnh mẽ để thúc đẩy năng lượng tái tạo, nhằm thực hiện các cam kết tại COP26. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, đòi hỏi rất nhiều điều kiện liên quan. Thứ nhất, về mặt quy hoạch điện, phải có những tính toán và phân tích kỹ lưỡng về khả năng huy động các nguồn phụ trợ, để có thể xử lý được các thách thức liên quan đến nguồn điện có tính chất không ổn định như điện gió, điện mặt trời. Chính phủ cần phải chủ động hơn trong việc đưa ra các định hướng, chiến lược, chính sách hài hòa giữa các bên: Nhà đầu tư phải cảm thấy có sự tin cậy khi bỏ vốn đầu tư. Một điều quan trọng nhất là Chính phủ cần có những cam kết mang tính chất dài hạn, thay vì chỉ đưa ra những chính sách mang tính chất ngắn hạn”.
Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, có thể nói công tác thể chế hóa Nghị quyết 55-NQ/TW được quan tâm, cơ bản đã tạo dựng hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho phát triển năng lượng và chuyển dịch năng lượng. Đặc biệt Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 893/QĐ-TTg (ngày 26/7/2023) phê duyệt Phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó Thủ tướng Chính phủ cũng có Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Có thể nói điện mặt trời và điện gió đã có sự phát triển nhanh chóng, đóng góp đáng kể vào cơ cấu năng lượng. Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam – Đường đến phát thải ròng bằng không (tháng 6/2024), tính từ năm 2020 đến năm 2023, tổng công suất điện gió huy động tăng từ khoảng 538 MW lên khoảng 5.059 MW; công suất huy động điện mặt trời tăng từ 8.823 MW lên khoảng 16.568 MW. Bên cạnh đó, có 23 dự án điện sinh khối tổng công suất khoảng 523 MW. Tổng công suất năng lượng tái tạo trong toàn hệ thống tăng từ 15,6% lên 27,1%, quy mô hệ thống điện của Việt Nam hiện đứng đầu ASEAN.
Tuy nhiên bên cạnh các bước chuyển tích cực nêu trên, qua thực tiễn 4 năm thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, công tác thể chế hóa các chủ trương của Đảng nêu trong Nghị quyết 55 còn chậm.
Đáng chú ý công tác quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng và khai thác các dự án điện gió, điện mặt trời còn bất cập; phát triển chưa đồng bộ dẫn đến hạ tầng truyền dẫn không theo kịp tốc độ tăng trưởng công suất gây ra sự kìm hãm; năng lực và trình độ công nghệ trong nước còn hạn chế, thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế thiết bị.
Thêm nữa là tỷ lệ nội địa hóa công nghệ ngành năng lượng còn thấp, thiếu cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy nội địa hóa công nghệ.
Đặc biệt, chưa có cơ chế, hệ thống giao dịch các tín chỉ năng lượng tái tạo; thủ tục cấp phép tương đối phức tạp và liên quan đến nhiều cơ quan chức năng khác nhau; các chính sách và hướng dẫn cụ thể liên quan đến tài chính và các cơ chế hỗ trợ đầu tư chưa được ban hành; chưa có chính sách ổn định và cơ chế giá cụ thể cho loại hình năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi… Chưa có hướng dẫn về các dự án phát triển điện gió ngoài khơi kết hợp với sản xuất nhiên liệu điện phân (như: hydro, amoniac...).
Nghị quyết 55 đã yêu cầu phải có cơ chế khuyến khích đột phá thực sự để phát triển điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi song hiện đây vẫn còn là vấn đề “mắc”.
Theo các chuyên gia, để kịp thời đưa các quan điểm của Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị vào cuộc sống, tận dụng và không bỏ lỡ các cơ hội thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo cũng như có môi trường pháp lý đủ mạnh và ổn định để thu hút các nhà đầu tư phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trong bối cảnh chung của toàn cầu sử dụng năng lượng sạch, nhất thiết phải xây dựng Luật về phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam trên cơ sở định hướng của Bộ Chính trị đã giao tại Nghị quyết số 55-NQ/TW.
Mặt khác trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu năng lượng ngày càng tăng và thị trường năng lượng quốc tế luôn có nhiều biến động khó lường, thì việc cần khẩn trương xây dựng chiến lược nhập khẩu năng lượng, cụ thể là nhập khẩu than, và nhất là LNG về trung hạn và dài hạn là hết sức cần thiết để bảo đảm yêu cầu về an ninh năng lượng quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam:
“Cần sớm ban hành cơ chế đấu thầu phát triển các dự án năng lượng tái tạo theo các bước: Xác định khối lượng cần đầu tư xây dựng các dự án điện trong từng năm, theo từng vùng, miền nhằm tránh quá tải cho các đường dây; các dự án điện mặt trời không nên tập trung quá lớn tại một hoặc một vài địa điểm nhằm tránh quá tải cho lưới điện; Các dự án được chọn trên cơ sở giá đề xuất từ thấp đến cao cho đến khi đủ công suất theo yêu cầu”.
Để có thêm cơ sở pháp lý thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, Chính phủ cũng cần phải xây dựng mới Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo (thay thế chiến lược phát triển năng lượng tái tạo hiện nay ban hành theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg, ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ); đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đề án, chương trình còn lại như đã nêu trong Nghị quyết số 140/NQ-CP của Chính phủ.
Một điểm đáng chú ý trong xây dựng chính sách cho năng lượng tái tạo là dự án Luật Điện lực (sửa đổi), dự án luật được hết sức quan tâm vừa được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2025. Luật Điện lực đã dành từ điều 20 đến điều 29 cho các quy định về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới với các quy định bảo đảm minh bạch, hiệu quả trong quản lý điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; đồng thời giao Chính phủ quy định điều kiện và thời hạn áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với dự án này.
Các điều luật này đóng vai trò hành lang pháp lý liên quan đến phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Trong đó, Luật quy định các cơ chế như tư nhân hóa lưới điện truyền tải, cũng như hợp đồng BOT cho điện khí (LNG) và điện gió ngoài khơi, mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước… Không chỉ có vậy, Luật Điện lực (sửa đổi) còn khuyến khích phát triển các hệ thống điện tự sản xuất và tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo, mang lại tính linh hoạt và giảm áp lực lên lưới điện quốc gia. Việc cải tạo, sửa chữa, thay thế thiết bị trong các nhà máy điện năng lượng tái tạo cũng được quy định rõ ràng, nhằm bảo đảm bảo hiệu quả vận hành và kéo dài tuổi thọ công trình.