Để người lao động gắn bó với doanh nghiệp
Nhiều người cho rằng, người lao động gắn bó lâu dài với DN sẽ có lợi cho cả đôi bên. Một trong những điều dễ thấy là giúp nâng cao hiệu suất làm việc, từ đó góp phần vào việc nâng cao năng suất và chất lượng công việc.
Bản thân người lao động càng gắn bó lâu dài với DN, sẽ có sự hiểu biết sâu sắc về công ty và ngành nghề, từ đó đóng góp ý kiến và sáng kiến cải tiến quy trình làm việc và sản phẩm. Họ có khả năng phát triển bền vững, lâu dài, vừa phát triển kỹ năng, vừa có điều kiện thăng tiến trong nghề nghiệp và vị trí tại DN. Từ đó góp phần tạo ra một nguồn lực ổn định và phát triển bền vững cho DN.
Đối với DN, khi có nhiều nhân viên có thâm niên, DN sẽ giảm chi phí cho việc tuyển dụng, đào tạo và làm quen cho nhân viên mới, giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực. Đồng thời, qua đó cải thiện văn hóa DN, góp phần tạo ra một môi trường làm việc tích cực, nơi mọi người cảm thấy được tôn trọng và gắn bó, từ đó tăng cường tinh thần đồng đội và hợp tác.
Không chỉ vậy, nhân viên trung thành có xu hướng trở thành những đại sứ thương hiệu, giúp quảng bá hình ảnh của DN, thu hút khách hàng và ứng viên tiềm năng.
Ngoài ra, nhân viên trung thành có thể cung cấp dịch vụ khách hàng tốt hơn, nhờ vào sự hiểu biết và kinh nghiệm lâu năm. Đồng thời, một đội ngũ nhân viên gắn bó có thể giúp DN vượt qua khó khăn và thách thức, nhờ vào sự đồng lòng và cam kết với mục tiêu chung…
Tuy nhiên, một số DN có xu hướng không cần tạo ra sự gắn bó với mình, như thường xuyên sa thải nhân viên, nhất là nhân viên lâu năm, nhằm tránh trả lương thâm niên; không có các chính sách đãi ngộ tương xứng cho người gắn bó lâu dài và có nhiều đóng góp; tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa nhân viên mới và cũ… Đây là điều đáng tiếc và có thể khó xây dựng được uy tín, thương hiệu DN bền vững.
Đối với người lao động, những năm trước đây, cứ mỗi dịp sau Tết, có hiện tượng công nhân bỏ việc và tìm bến đỗ mới. Hoặc có một số người liên tục nhảy việc hoặc tìm kiếm cơ hội mới trong thời gian ngắn, cho thấy sự không hài lòng hoặc thiếu gắn bó với DN hiện tại.
Thậm chí, có không ít người rời bỏ công việc mà không thông báo trước hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, điều này ảnh hưởng đến hoạt động của DN... Những điều này gây ra những hậu quả không tốt cho cả DN và người lao động.
Hậu quả DN gánh chịu đó là hiệu suất làm việc giảm, do người lao động không có nỗ lực trong công việc, không tham gia tích cực vào các hoạt động của công ty, như các sinh hoạt, các sự kiện nội bộ, hoặc không thể hiện tinh thần làm việc nhóm. Có khi, nhân viên thường xuyên phàn nàn về môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ hoặc cách thức quản lý, điều này có thể dẫn đến một tâm lý tiêu cực lan rộng trong tập thể.
Hay hiện tượng nhân viên có hành vi gian lận, như giả mạo giờ làm việc, sử dụng tài sản công ty cho mục đích cá nhân, kê khống hoặc ăn cắp vật tư… gây ảnh hưởng đến uy tín DN, giảm chất lượng sản phẩm/dịch vụ, góp phần tăng giá thành và giảm khả năng cạnh tranh của DN.
Đối với người lao động, do không có ý định gắn bó lâu dài, nên thường có thái độ tiêu cực, như tỏ ra không hài lòng hoặc châm biếm về công ty, đồng nghiệp hoặc quy trình làm việc… Một số người chỉ làm việc đủ số giờ, không hoặc ít có sáng kiến, ít hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao hoặc thiếu chủ động trong công việc, chỉ làm để lấy điểm mà không có tinh thần cống hiến.
Từ đây nảy sinh hiện tượng chây ỳ, kỹ năng và năng lực của người lao động ít được trau dồi, ít được rèn luyện và tiến bộ. Trong một số trường hợp, do có hành vi không tốt nên dần hình thành thói quen xấu, như đi trễ về sớm, thiếu kỷ luật, gian lận. Thậm chí, thường xuyên nhảy việc hay bị sa thải có thể để lại một “lịch sử” không đẹp trong hồ sơ xin việc ở những lần tìm việc tiếp theo.
Những biểu hiện này có thể làm giảm hiệu quả làm việc và ảnh hưởng đến văn hóa DN. Vì vậy cần có các biện pháp để nhận diện và cải thiện tình hình này. Một trong những giải pháp đó là tăng tính trung thành cho công nhân và người lao động, DN cần cải thiện chế độ đãi ngộ, như đảm bảo mức lương cạnh tranh, kèm theo các phúc lợi như bảo hiểm, nghỉ phép và thưởng.
DN cần chú trọng việc tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp, như tổ chức tập huấn, đào tạo, nâng cao kỹ năng và cơ hội thăng tiến, giúp công nhân yên tâm làm việc và thấy rằng họ có thể phát triển và tiến xa hơn trong sự nghiệp, từ đó sẽ có động lực gắn bó.
DN cần xây dựng môi trường làm việc tích cực, như tạo ra không gian làm việc thân thiện, hỗ trợ và khuyến khích sự giao tiếp giữa các cấp bậc, tạo sự cạnh tranh lành mạnh và công bằng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo DN cần phát huy dân chủ, tạo điều kiện để phát huy trí tuệ nhân viên, như cho phép công nhân tham gia thảo luận một số vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty, thúc đẩy sáng kiến sáng tạo, khích lệ việc tiết kiệm nguyên nhiên liệu... Khi họ cảm thấy mình có tiếng nói trong DN, họ sẽ có xu hướng trung thành hơn.
Ngoài ra, DN cũng nên thường xuyên tổ chức các sự kiện, hoạt động ngoại khóa, thể thao, văn hóa, chăm sóc sức khỏe (cho bản thân và thân nhân) để tăng cường tinh thần đoàn kết và kết nối giữa các nhân viên, góp phần hình thành mối liên kết bền chặt giữa các nhân viên, giữa gia đình nhân viên với DN.
Đặc biệt, cần có hình thức biểu dương, khen thưởng phù hợp, tương xứng với những đóng góp và thành tích của công nhân. Những giải pháp này không chỉ giúp tăng tính trung thành mà còn xây dựng một đội ngũ lao động vững mạnh, sẵn sàng cống hiến cho sự phát triển bền vững của DN.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/de-nguoi-lao-dong-gan-bo-voi-doanh-nghiep-post119084.html