Bình Phước: 10/12 chính sách chi hỗ trợ dịch vụ Covid-19 đạt từ 50% đến 100%
Thực hiện công tác chi hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Phước, tính đến ngày 20-11, toàn tỉnh đã tiếp nhận, phê duyệt và chi hỗ trợ đối với 12 chính sách. Trong đó có nhiều chính sách đạt từ 50% đến 100%.
Liên quan đến nội dung này, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Mai Hương, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước.
* Xin bà cho biết những kết quả mới nhất trong công tác chi hỗ trợ cho NLĐ và NSDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Phước?
Theo Nghị quyết số 68/NĐ-CP của Chính phủ, tính đến ngày 20-11, tỉnh Bình Phước đã chi hỗ trợ trên số tiếp nhận và phê duyệt đối với 12 chính sách. Trong đó, 10 chính sách đạt từ 50% đến 100%; 1 chính sách đạt dưới 50%; 1 chính sách chưa hỗ trợ vì lý do khách quan (doanh nghiệp đề nghị đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho NLĐ chưa bổ túc hồ sơ).
Cụ thể, đối với hỗ trợ NSDLĐ, chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã thực hiện giảm mức đóng trong 3 tháng (tháng 7, 8, 9) cho 1.992 đơn vị với tổng số tiền trên 8,8 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đã hỗ trợ 3 đơn vị với số tiền trên 3,2 tỷ đồng.
Đối với chính sách hỗ trợ NLĐ, liên quan đến nhóm đối tượng NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, đã có quyết định phê duyệt cho 8.925 người, kinh phí trên 33 tỷ đồng. Đã chi cho 5.074 người với kinh phí trên 20 tỷ đồng, đạt gần 57%. Chính sách hỗ trợ NLĐ ngừng việc, đã chi hỗ trợ cho 633/641 người được phê duyệt, đạt 98,7%. Chính sách hỗ trợ NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, đã chi cho 2/4 lao động được phê duyệt, đạt 50%.
Riêng chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19 và cách ly y tế, các cơ sở cách ly, điều trị đã tạm ứng kinh phí để hỗ trợ các suất ăn, do vậy tỷ lệ hỗ trợ thực tế của chính sách này đạt 100%. Chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật, hướng dẫn viên du lịch đã phê duyệt cho 2 người, tuy nhiên chưa chi hỗ trợ do chưa được phân bổ kinh phí.
Đối với chính sách hỗ trợ NLĐ tự do và một số đối tượng đặc thù khác, đến nay UBND tỉnh đã phê duyệt 76.468 người, kinh phí gần 77 tỷ đồng. Đã chi cho 69.214 người, kinh phí gần 69 tỷ đồng, đạt 90%. Về chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, đã có quyết định phê duyệt cho 3.027 hộ kinh doanh, kinh phí hơn 9 tỷ đồng, đã chi cho 2.395 hộ với kinh phí trên 7,1 tỷ đồng, đạt 79%.
Về triển khai hỗ trợ NLĐ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tính đến ngày 19-11, ngành bảo hiểm xã hội tỉnh đã chi hỗ cho 107.306 đối tượng với tổng số tiền trên 258 tỷ đồng, đạt 98,4%.
* Liên quan đến đối tượng NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, tỷ lệ chi hỗ trợ hiện chưa cao, nguyên nhân do đâu thưa bà?
Thứ nhất, do tình hình dịch bệnh kéo dài, nhiều doanh nghiệp phải thường xuyên thay đổi trạng thái hoạt động. Kéo theo đó rất nhiều trường hợp NLĐ chuyển từ “ngừng việc” tạm thời sang tạm hoãn, nghỉ việc không lương, thôi việc hoặc ngược lại, vì thế chính sách hỗ trợ cũng thay đổi.
Thứ hai, thời điểm trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP, rất ít doanh nghiệp thỏa điều kiện được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP (dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Chỉ một số ít doanh nghiệp trong khu công nghiệp “dừng hẳn hoạt động” nên sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP, điều kiện được mở rộng hơn và doanh nghiệp mới làm lại hồ sơ.
Thứ ba, gói chính sách chi hỗ trợ cho nhóm đối tượng này được Trung ương hỗ trợ khoảng 70% kinh phí, nhưng trước mắt phải dùng ngân sách dự phòng của tỉnh để chi, trong khi đó tỉnh Bình Phước kinh phí cũng rất khó khăn.
* Bà có thể chia sẻ thêm về những khó khăn mà các địa phương đang gặp phải trong quá trình chi hỗ trợ?
Việc theo dõi chi trả cho nhiều nhóm đối tượng nhưng nhân lực Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện hiện nay rất mỏng. Công tác rà soát, thẩm định yêu cầu phải chặt chẽ, chính xác nên cần có thời gian. Việc cung cấp thông tin của NLĐ hoặc quá trình nhập thông tin của doanh nghiệp đôi khi sai sót, dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần.
Bên cạnh đó, thời điểm NLĐ, doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị rơi vào thời điểm giãn cách xã hội nên việc đi lại khó khăn, nhất là các giấy tờ cá nhân cần công chứng hoặc đem bản chính để đối chiếu là gần như không thể. Và nguồn kinh phí dự phòng của các địa phương hạn chế trong khi phải tập trung chi cho nhiệm vụ phòng, chống dịch nên khoản chi cho gói hỗ trợ chính sách này chưa được kịp thời và tỉnh phải liên tục điều tiết.
* Xin bà cho biết những giải pháp ngành lao động - thương binh và xã hội tỉnh đặt ra nhằm đẩy nhanh tiến độ chi hỗ trợ, đảm bảo tính kịp thời, đúng đối tượng, công khai và minh bạch?
Công tác chi hỗ trợ cho NLĐ thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của UBND cấp huyện. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, chi hỗ trợ lao động tự do sẽ kết thúc trong tháng 11-2021, các đối tượng khác kết thúc vào tháng 1-2022. Nguồn kinh phí của địa phương đã được tỉnh phân bổ từ ngày 15-11 đối với đối tượng, số lượng, kinh phí đã được HĐND tỉnh thông qua.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, ngành đề xuất một số giải pháp: tăng cường công tác phối hợp với địa phương để kiểm tra, đôn đốc tiến độ chi trả, định kỳ cuối ngày báo cáo kết quả chi về UBND tỉnh, đồng thời tổng hợp khó khăn, vướng mắc để tham mưu UBND tỉnh xem xét quyết định. Chỉ đạo đẩy nhanh công tác tiếp nhận, thẩm định, trình hồ sơ cũng như công tác chi trả. Tăng cường công tác kiểm tra, đối chiếu, thẩm định hồ sơ để khi chi trả không bị sai, không làm ảnh hưởng đến tiến độ chi trả.
Đồng thời, tăng cường công tác tổ chức tuyên truyền chính sách để NSDLĐ sớm hoàn thành hồ sơ chuyển cơ quan chức năng. Tiếp tục duy trì đường dây nóng của sở để tiếp nhận thông tin phản ánh về chính sách hỗ trợ người dân, NLĐ, NSDLĐ.