Bình Phước: Ban hành kế hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành Kế hoạch 206/KH-UBND thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả

Kế hoạch xác định mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 202-2025 từ 5 - 6%; giai đoạn 2026-2030 từ 4 - 5%. Tỷ lệ che phủ rừng giai đoạn 2021-2025 là 76,7%; giai đoạn 2026 - 2030 là 66%. Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 100%. Tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%. Tỷ lệ cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn môi trường 95%. Hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều đa chiều ở nông thôn giảm bình quân hàng năm từ 2.000 - 2.500 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo 80%; duy trì tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nông thôn trên 90%.

Trồng dưa lưới trong nhà màng - mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhiều tiềm năng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thu Thảo

Phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 100% đơn vị cấp huyện (11 huyện, thị xã, thành phố) được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, khoảng 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; khoảng 20% xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Đến năm 2050, Bình Phước phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Người dân nông thôn có điều kiện phát triển toàn diện. Nông thôn thịnh vượng, không còn hộ nghèo; trở thành nơi đáng sống, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống và thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị.

Các nhóm giải pháp chính

Để hoàn thành các mục tiêu nêu trên, kế hoạch cũng đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như sau: Tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn phát triển mới; cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. thay đổi tư duy, nhận thức của người sản xuất từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển bao trùm, đa giá trị gắn kết giữa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; giữa nông thôn với đô thị; giữa hộ nông dân với doanh nghiệp; giữa chuỗi giá trị trong nước và chuỗi giá trị toàn cầu...

Khuyến khích, vận động, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các chính sách hỗ trợ về vốn, khoa học - công nghệ, máy móc thiết bị, tích tụ đất đai... để phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, tăng quy mô sản xuất và tham gia hợp tác, liên kết trong các chuỗi giá trị bền vững. Phát triển công nghiệp chế biến, tăng tỷ trọng chế biến sâu để giảm chi phí, nâng cao giá trị nông sản.

Việc đầu tư vào máy móc hiện đại sẽ giúp nông dân phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, tăng quy mô sản xuất. Ảnh: Cẩm Liên

Song song đó, xây dựng kế hoạch đổi mới và phát triển hợp tác xã trở thành tác nhân kinh tế quan trọng trong sản xuất và tiêu thụ; khuyến khích hợp tác xã chủ động xây dựng chuỗi giá trị, kết nối các thành phần trong chuỗi giá trị, đặc biệt là doanh nghiệp. Xây dựng các liên hiệp các hợp tác xã có cùng nhóm sản phẩm hoặc cùng tham gia một chuỗi giá trị nhằm tăng quy mô, nâng cao hiệu quả.

Phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng sản phẩm chủ lực của địa phương; kết nối các vùng chuyên canh, hình thành không gian kinh tế chung giữa các địa phương; gắn các tác nhân trong chuỗi theo nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm, cùng chia sẻ lợi ích theo mức độ đóng góp giá trị.

Thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới đáp ứng nhu cầu thị trường như: nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm thải; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp kết hợp công nghiệp (chế biến nông sản, tái chế phế phụ phẩm, sản xuất năng lượng tái tạo); nông nghiệp kết hợp dịch vụ (du lịch trải nghiệm, dịch vụ cung cấp chuyển giao công nghệ, dịch vụ kinh doanh nông sản...).

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ; đổi mới sáng tạo và thúc đẩy chuyến đổi số trong nông nghiệp. Kết nối, tổ chức cho doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tạo điều kiện hình thành, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thực sự bền vững.

Đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp nông thôn. Tích cực hội nhập và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn để tranh thủ, thu hút nguồn vốn, phát triển thị trường, tiếp cận khoa học, công nghệ phục vụ cho các mục tiêu phát triền của ngành. Nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng các nguồn vốn phát triển chính thức (ODA), tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho phát triển bền vững.

Xem toàn văn kế hoạch tại đây.

Thiên Bảo

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/135050/binh-phuoc-ban-hanh-ke-hoach-phat-trien-nong-nghiep-va-nong-thon-ben-vung-giai-doan-2021-2030-tam-nh