Bình Phước: Chăm lo sức khỏe, sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số
Thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình, biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, tạo sinh kế cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đặc biệt là ở địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa...
Quan tâm chăm sóc sức khỏe đồng bào
Những ngày qua, cháu Điểu Tiến, 12 tuổi, con của chị Điểu Thị Trâm, dân tộc S’tiêng, ngụ tại xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp bị sốt xuất huyết. Cháu được đưa đến Trạm Y tế xã Hưng Phước điều trị khỏi bệnh. Tại đây, chị Trâm còn được các nhân viên y tế hướng dẫn chi tiết cách chăm sức khỏe cho con theo phương pháp khoa học, từ bỏ kiểu chữa bệnh theo hủ tục, mê tín dị đoan.
Đồng bào các DTTS ở Bình Phước tập trung nhiều ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, đời sống kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. Đây cũng là khu vực phát sinh nhiều loại dịch bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, tiêu chảy... Một trong những vấn đề khó khăn trong chăm sóc y tế cho đồng bào là bảo đảm các thiết chế y tế từ cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Hệ thống trạm y tế cấp xã còn yếu về năng lực, thiếu nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Tình trạng di cư tự do kéo theo sự tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Lợi dụng những hạn chế, khó khăn này, các thế lực thù địch dùng nhiều phương thức, thủ đoạn lôi kéo, kích động đồng bào nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị và làm giảm lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.
Nhận rõ vấn đề này, từ nhiều năm nay, tỉnh Bình Phước đã xác định nâng cao hiệu quả chăm sóc y tế cho nhân dân là chương trình ưu tiên, đột phá trong chiến lược xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS. Cụ thể hóa chủ trương của Tỉnh ủy, ngành y tế đã triển khai nhiều chương trình, phong trào, huy động nhiều nguồn lực xã hội đầu tư y tế cho khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa. Một trong những dấu ấn tạo chuyển biến quan trọng là chương trình đầu tư, chuyển giao kỹ thuật cho hệ thống trạm y tế cấp xã. Bước chuyển biến quan trọng này giúp địa phương kéo giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà con. Đến nay, Bình Phước đã xây dựng được mạng lưới y tế cơ sở toàn diện, đáp ứng những nhu cầu cơ bản, thiết yếu về khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Các chương trình mục tiêu y tế-dân số như phòng, chống suy dinh dưỡng, phòng, chống các dịch bệnh được triển khai hiệu quả. Hiện, số bác sĩ/vạn dân đạt hơn 8,6%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 9%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 94%. Bình Phước thực hiện nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ viện phí cho đồng bào khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế công, kiểm soát dịch bệnh, giúp đồng bào yên tâm bám thôn bản, ổn định cuộc sống.
Tạo sinh kế, việc làm cho người dân
Anh Điểu Be, dân tộc S’tiêng, ngụ tại xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh sống bằng nghề làm thuê, cuộc sống bấp bênh, nay đây mai đó, thay đổi chỗ ở liên tục. Năm 2019, Điểu Be được địa phương tặng bò giống. Nhờ chăm chỉ làm ăn và được hướng dẫn chăn nuôi đúng kỹ thuật, Điểu Be đã thành công với mô hình chăn nuôi bò. Vừa qua, anh cho xuất chuồng 3 con bò, lãi hơn 30 triệu đồng, giúp gia đình ổn định cuộc sống. Tương tự, năm 2022, gia đình chị Cao Thị Chung, dân tộc Thái, ngụ tại xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp cũng được địa phương phối hợp với các nhà hảo tâm tặng 7 con heo giống. Mô hình chăn nuôi heo ở hộ gia đình giúp chị Chung không ngừng tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Đó là vài dẫn chứng trong số hàng trăm hộ dân nghèo được hỗ trợ sinh kế trong chương trình giảm 1.000 hộ dân nghèo DTTS hằng năm của Tỉnh ủy Bình Phước. Với chủ trương giúp đồng bào có ngôi nhà an toàn, có sức khỏe, có sinh kế bền vững, có tri thức, có nếp sống văn hóa, Bình Phước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào DTTS.
Đồng chí Văn Công Danh, Phó chủ tịch UBND huyện Bù Đốp cho biết: Địa phương đã chủ động rà soát, nắm chắc hoàn cảnh, trình độ, khả năng sản xuất, phong tục tập quán của đồng bào ở từng khu vực để triển khai hỗ trợ, phát triển các mô hình sản xuất phù hợp. Địa phương đã triển khai hỗ trợ dân nghèo về đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt (đào giếng, khoan giếng, tặng bồn nước, máy bơm), kéo điện, vay vốn, đào tạo nghề, hỗ trợ chăn nuôi, trồng trọt, nông cụ, phương tiện đi lại và tạo việc làm...
Các hình thức hỗ trợ phù hợp nhu cầu, khả năng, nguyện vọng của bà con, giúp đồng bào thay đổi cách nghĩ, cách làm ăn, nếp sống, nếp sinh hoạt, từ đó tự vươn lên thoát nghèo. Từ kinh nghiệm thực tế, địa phương đã xây dựng, phát triển nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như trồng tiêu, chăn nuôi gia súc, gia cầm... gắn với triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người DTTS làm nòng cốt, phát triển phong trào.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Bình Phước đã giải quyết việc làm cho hơn 38.400 lao động; đào tạo nghề cho hơn 6.300 người. Năm 2022, Bình Phước có hơn 2.200 hộ thoát nghèo, trong đó chương trình giảm 1.000 hộ DTTS đã giảm được 1.013 hộ. Hiện vùng đồng bào DTTS chỉ còn dưới 1% hộ nghèo và gần 1,1% hộ cận nghèo. Đây là cơ sở vững chắc để đồng bào phát huy bản sắc, truyền thống, phong tục tốt đẹp của mình vào xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, "thế trận lòng dân" vững chắc.
Bài và ảnh: DUY NGUYỄN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.