Bình Phước khuyến cáo nhà nông không chạy đua trồng sầu riêng theo phong trào

Ghi nhận tại cửa hàng vật tư nông nông Tám Dư, ở xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, cây sầu riêng giống chỉ còn lại vài chục cây sau khi người mua đến lựa cây tốt.

Cây sầu riêng giống tại Bình Phước khan hiếm, giá tăng. Ảnh: K GƯỈH-TTXVN

Cây sầu riêng giống tại Bình Phước khan hiếm, giá tăng. Ảnh: K GƯỈH-TTXVN

Hiện nay, tại nhiều địa phương ở tỉnh Bình Phước đang có nhu cầu cao sử dụng cây giống sầu riêng để trồng mới. Tuy nhiên, trong những ngày cuối tháng 6 nguồn cung lại ít đi, sầu riêng giống khan hiếm tại nhiều vựa bán cây giống. Giá bán cây giống cũng tăng lên từ 10.000 - 30.000 đồng/cây.

Ghi nhận tại cửa hàng vật tư nông nông Tám Dư, ở xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, cây sầu riêng giống chỉ còn lại vài chục cây sau khi người mua đến lựa cây tốt. Anh Huỳnh Ngọc Thương cho biết, năm nay người dân có nhu cầu trồng sầu riêng tăng rất nhiều so với năm ngoái. Đến thời điểm mùa mưa, số lượng cây giống sầu riêng người dân tiêu thụ đã hơn chục nghìn cây, bằng cả một mùa bán năm trước.

Những cây sầu riêng giống được cửa hàng vật tư nông nghiệp Tám Dư trực tiếp vận chuyển từ các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, sức hút "nóng" từ cây sầu riêng mang lại giá trị kinh tế cao đã khiến mặt hàng này được "săn đón" rất nhanh khi hàng về tới. Thậm chí, nhiều hộ dân đã trực tiếp đặt hàng để chủ động mua cây giống về trồng.

Tại vựa cây giống Hải của ông chủ Nguyễn Văn Hải cũng tấp nập người dân ra vào để xem và mua giống sầu riêng. Ông Nguyễn Văn Hải cho biết, năm nay, các loại cây giống như cà phê, điều, cao su... đều bán chạy. Đặc biệt, cây sầu riêng được bán chạy nhất so với nhiều năm trước dù giá bán đã tăng lên từ 10.000 - 30.000 đồng/cây.

Gia đình bà Thanh Vân, ở xã Phú Văn (huyện Bù Gia Mập) vừa mua hàng trăm cây tại vựa cây giống Hải. Theo bà Thanh Vân, trong năm qua cây điều liên tục năng suất giảm, nguồn thu nhập thấp do ảnh hưởng thời tiết bất thường. Trước tình hình đó, để có thêm thu nhập, gia đình đã chuyển đổi một phần diện tích điều để trồng sầu riêng với mong muốn sẽ có nguồn thu cao hơn.

Người dân mua cây sầu riêng giống để trồng mới. Ảnh: K GƯỈH-TTXVN

Người dân mua cây sầu riêng giống để trồng mới. Ảnh: K GƯỈH-TTXVN

Trong vài năm gần đây, giá trị kinh tế cây sầu riêng mang lại đã thu hút người dân chuyển đổi từ vườn cây điều, cao su, cà phê già cỗi. Điển hình hộ gia đình ông Vũ Thái Sơn, ngụ tại xã Đức Hạnh (huyện Bù Gia Mập) với 5 ha trồng cây sầu riêng từ đất trồng cây điều. Trong thời gian qua, vườn trồng đã có một số cây chết do nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm trồng sầu riêng hơn 10 năm nên ông đã chủ động chăm sóc, phòng bệnh nấm, ngăn chặn kịp thời, hạn chế lây lan sang cây khác. Việc cắt tỉa cành, làm đất, tưới nước, bón phân… được ông tuân thủ theo khuyến cáo của các kỹ sư nông nghiệp, ngành chức năng địa phương nên đã có nguồn thu ổn định.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước đã khuyến cáo nhà nông không nên chạy đua trồng sầu riêng theo phong trào bởi đây là cây trồng đòi hỏi người trồng phải am hiểu kỹ thuật cao trong tất cả các khâu, từ lúc trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm. Bên cạnh đó, sầu riêng rất nhạy cảm với những tác động thời tiết, sâu bệnh. Việc điều trị cây khi đã bị nhiễm bệnh rất khó và chi phí khá cao.

Hiện nay, diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước còn phân tán, chất lượng chưa đồng đều. Việc cấp mã vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP còn thấp so với tổng diện tích hiện có. Tính đến cuối tháng 5/2024, Bình Phước có 65 mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích hơn 2.412 ha. Trong khi đó, toàn tỉnh có tổng diện tích cây sầu riêng khoảng 5.300 ha. Đế thời điểm tháng 6, diện tích trồng mới sầu riêng sẽ tăng lên. Các huyện có diện tích cây sầu riêng lớn như: Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Lộc Ninh, Đồng Phú…

Tỉnh Bình Phước hiện đã xây dựng được 31 chuỗi liên kết trồng cây sầu riêng, 20 doanh nghiệp tham gia liên kết với 29 hợp tác xã xây dựng mã số vùng trồng tại tỉnh. Ngoài ra, Bình Phước đang định hướng phát triển trồng sầu riêng với diện tích lên 8.000-10.000 ha theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm phục vụ xuất khẩu; tập trung hỗ trợ nhà nông, tạo vùng nguyên liệu có mã vùng trồng, các doanh nghiệp có mã đóng gói, giúp cây sầu riêng phát triển bền vững.

K Gửi H/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/binh-phuoc-khuyen-cao-nha-nong-khong-chay-dua-trong-sau-rieng-theo-phong-trao/338422.html