Bình Phước những trang sử vẻ vang

BÀI 2
CÓ MỘT “QUẢNG TRỊ 1972” Ở BÌNH LONG

BPO - Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, trên hướng tiến công chủ yếu Trị Thiên, quân giải phóng miền Nam đã tạo nên một sự kiện chấn động trong 81 ngày đêm chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, sự kiện đi vào lịch sử Việt Nam như một huyền thoại. Tại chiến trường Đông Nam Bộ, trong phạm vi Chiến dịch Nguyễn Huệ, cuộc tiến công của các lực lượng vũ trang cách mạng vào thị xã Bình Long và chốt chặn trên đường 13 diễn ra vô cùng quyết liệt, được ví như cuộc tiến công và chiến đấu phòng ngự chống địch phản kích tái chiếm ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

AN LỘC - BÌNH LONG VÀ TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG

Địa bàn tỉnh Bình Long chủ yếu là đồn điền cao su, địa hình tương đối bằng phẳng, chia đều hai bên đường 13, khởi phát từ Cửa khẩu Hoa Lư biên giới Việt Nam - Campuchia qua thị trấn Lộc Ninh, An Lộc, Chơn Thành, Lai Khê, Bến Cát về thành phố Sài Gòn. Tỉnh lỵ của Bình Long là thị xã An Lộc, cách Sài Gòn khoảng 100km về phía Nam, xung quanh thị xã An Lộc có một số đồi thấp, sườn thoải dần như đồi Gió, đồi Mít, đồi Đồng Long… thuận tiện cho việc bố trí các cứ điểm quân sự.

Đồng chí Trần Văn Trà triển khai kế hoạch tác chiến trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 ở Bình Long - Ảnh tư liệu

Đồng chí Trần Văn Trà triển khai kế hoạch tác chiến trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 ở Bình Long - Ảnh tư liệu

Đầu năm 1972, chính quyền Sài Gòn điều chỉnh thế bố trí tại Bình Long một lực lượng quân sự lớn thuộc Sư đoàn Bộ binh 5 và Liên đoàn biệt động quân 3, chưa kể lực lượng dân vệ và địa phương quân. Đó là chưa kể lực lượng không quân sẵn sàng chi viện, ứng chiến từ Sư đoàn không quân số 3 đóng tại Sân bay Biên Hòa (gồm 2 không đoàn chiến thuật số 23 và 43); Sư đoàn không quân số 5 đóng tại Sân bay Tân Sơn Nhất (gồm 2 không đoàn chiến thuật số 33 và 53); chưa kể máy bay chiến thuật của Mỹ từ Hạm đội 7, máy bay chiến lược B52 từ Căn cứ U Tapao tại Thái Lan (52 chiếc), căn cứ Andersen tại Guam (31 chiếc).

Quân giải phóng tham gia chiến dịch, bộ binh có 3 sư đoàn (5, 7, 9) và 4 trung đoàn độc lập: Sư đoàn Bộ binh 5 tiến công Lộc Ninh, Sư đoàn Bộ binh 7 chốt chặn trên đường 13, Sư đoàn Bộ binh 9 tiến công thị xã An Lộc. Lực lượng binh chủng: Tăng thiết giáp có 2 tiểu đoàn tăng, 1 đại đội thiết giáp; 1 đại đội cao xạ tự hành (tổng cộng có 78 xe); pháo binh có 2 trung đoàn, 2 tiểu đoàn, 2 đại đội tên lửa chống tăng B72 (tổng cộng có 51 khẩu); phòng không có 166 khẩu 12,8mm, 37mm, 4 tiểu đoàn súng máy cao xạ và 3 tiểu đoàn khác; công binh có 4 tiểu đoàn cầu đường, 6 tiểu đoàn công trình; thông tin liên lạc có 5 tiểu đoàn, 1 đại đội; đặc công có 2 lữ đoàn, 4 tiểu đoàn. Lực lượng vũ trang các phân khu và tỉnh có 10 tiểu đoàn và 63 đại đội.

Tỷ lệ quân giải phóng so với quân số quân đội Sài Gòn: bộ binh bằng 69% (47/68 tiểu đoàn), pháo mặt đất bằng 13% (51/396 khẩu), xe tăng thiết giáp bằng 17% (78/456 chiếc), pháo phòng không có 166 khẩu, đương đầu với 134 máy bay chiến thuật, chưa kể máy bay chiến lược B52.

CÁC ĐỢT TIẾN CÔNG VÀO THỊ XÃ AN LỘC

Kế hoạch tác chiến Chiến dịch Nguyễn Huệ gồm 3 bước. Bước 1: tiến công trước trên hướng thứ yếu đường 22 khu vực Xa Mát - Thiện Ngôn để thu hút, đánh lạc hướng địch; bí mật hành quân, chiếm lĩnh hình thành thế bao vây chia cắt đường 13; tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Lộc Ninh. Bước 2: nhanh chóng phát triển về phía Nam, cùng lực lượng đã bố trí sẵn dọc đường 13 tiến công thị xã An Lộc - mục tiêu trung tâm, then chốt của chiến dịch. Bước 3: phát triển xuống Chơn Thành, Dầu Tiếng và đánh tạt sang Trảng Bàng. Thực hiện kế hoạch nêu trên, trong khi Sư đoàn Bộ binh 5 tiến công cụm cứ điểm Lộc Ninh, thì Sư đoàn Bộ binh 9 bí mật hành quân áp sát thị xã An Lộc và Sư đoàn Bộ binh 7 cơ động về khu vực đường 13 từ Nam An Lộc đến Bắc Chơn Thành. Ngày 7-4, Lộc Ninh giải phóng. Lộc Ninh thất thủ, thị xã An Lộc trở thành điểm chốt chặn đặc biệt quan trọng của quân đội Sài Gòn trên đường 13 dẫn về thành phố Sài Gòn. Thiệu chỉ đạo chi viện tối đa, điều Lữ đoàn 1 dù, Liên đoàn biệt cách dù 81 và Sư đoàn Bộ binh 21 với quyết tâm “phải giữ An Lộc bằng mọi giá”.

Cuộc tiến công thị xã An Lộc do đó diễn ra hết sức quyết liệt với nhiều đợt tiến công. Ngày 9-4, Sư đoàn 9 cơ động đội hình áp sát thị xã. Các cuộc tiến công lần thứ nhất (ngày 13-4), lần thứ hai (ngày 15-4), lần thứ ba (ngày 19-4), lần thứ tư (ngày 11-5) đều không giải quyết dứt điểm đánh chiếm hoàn toàn thị xã An Lộc. Quân giải phóng chiếm được các vị trí hiểm yếu ở ngoại ô thị xã như điểm cao 128, đồi Gió, sân bay Technique, đồn bảo an, các ấp Phú Lạc, Sóc Gòn, Hưng Chiến...; phát triển lực lượng vào nội ô, đến đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, vườn hoa Tao Phùng, khu vực trại giam.

Sau thời gian lúng túng chống đỡ, quân địch củng cố lại lực lượng, điều chỉnh thế bố trí thành từng cụm, nhiều tầng, dựa vào công sự kiên cố để cố thủ, chặn đánh, dùng súng M.72 bắn cháy nhiều xe tăng quân giải phóng. Chúng liên tục pháo kích và ném các loại bom hủy diệt, huy động cả máy bay từ Hạm đội 7. Riêng trong ngày 11-5, có đến 297 phi vụ máy bay chiến thuật và 30 phi vụ B52 với 2.000 tấn bom các loại. Trận đánh kéo dài, không chiếm được các mục tiêu theo kế hoạch, trong lúc đó, các đơn vị đều bị tổn thất. Trước tình hình nêu trên, Bộ Chỉ huy chiến dịch chủ trương không tiếp tục tiến công vào thị xã mà chuyển sang bao vây An Lộc, chiến đấu đánh địch trên đường 13.

CUỘC CHIẾN ĐẤU CHỐT CHẶN TRÊN ĐƯỜNG 13

Đường 13 dài 140km nối từ quận Bình Thạnh (thành phố Sài Gòn) qua Lái Thiêu, thị xã Thủ Dầu Một, Bến Cát, Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương), Chơn Thành, Tân Khai, thị xã An Lộc, thị trấn Lộc Ninh đến Cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước). Chốt chặn đường 13 nhằm ngăn chặn viện binh địch lên giải cứu An Lộc và không cho quân cố thủ ở thị xã chạy về Sài Gòn là một nội dung tác chiến của Chiến dịch Nguyễn Huệ.

Quá trình hoạt động chốt chặn của sư đoàn diễn ra qua 2 giai đoạn. Giai đoạn I (từ ngày 1-4 đến 15-5): Xây dựng trận địa, tổ chức chốt chặn chia cắt đường 13, đánh bại mọi cố gắng mở đường của địch từ Lai Khê - Chơn Thành lên An Lộc, tạo điều kiện cho các đơn vị bạn tấn công cụm cứ điểm Chi khu Lộc Ninh và Tiểu khu Bình Long. Giai đoạn II (từ ngày 15-5 đến 1-9): bao vây, cô lập thị xã An Lộc, tổ chức chốt chặn trên đường 13 ở khu vực Tàu Ô, đánh bại các cuộc hành quân mở đường lên thị xã của địch, bảo vệ an toàn tuyến hành lang và vùng mới giải phóng Lộc Ninh. Ngày 1-4, Sư đoàn Bộ binh 7 (gồm các trung đoàn 141, 165, 209 và đơn vị trực thuộc) bắt đầu cơ động đến khu vực 2 bên đường 13.

Với khẩu hiệu “còn người còn trận địa”, “mỗi người bằng 1 tiểu đội, mỗi tổ bằng 1 trung đội, đại đội tiến công”, trên đoạn đường dài 12km từ Tân Khai qua Tàu Ô, Xóm Ruộng đến ngã tư Ngọc Lầu, các đơn vị Sư đoàn Bộ binh 7 cùng với Sư đoàn Bộ binh 9 đã tổ chức chiến đấu chặn cuộc hành quân mở đường của Sư đoàn 21 từ Tân Khai lên An Lộc (từ ngày 19-5 đến 9-6), chống trả quyết liệt với địch ở khu vực cống Ông Tề (từ ngày 21-5 đến 6-6), chặn đánh 2 cuộc tiến công của địch vào khu vực chốt chặn Tàu Ô (từ ngày 21-6 đến 1-9), giữ vững trận địa Tàu Ô, vừa chuyển dần hoạt động về vùng trung tuyến, đánh địch ở Chơn Thành, Lai Khê cho đến ngày 1-9 trong điều kiện trận địa không còn giữ được yếu tố bí mật, địa hình trống trải.

Cuộc tiến công cụm cứ điểm của địch trong thị xã An Lộc và chiến đấu chốt chặn trên đường 13 diễn ra trong 150 ngày đêm (từ 1-4 đến 1-9-1972). Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống trên các nẻo đường chiến dịch. Riêng Sư đoàn Bộ binh 7 có 1.062 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Lần đầu tiên tác chiến trên chiến trường Nam Bộ, lực lượng tăng - thiết giáp Miền xung trận 78 chiếc thì 48 chiếc bị bắn cháy, bắn hỏng. Cuộc chiến đấu của quân giải phóng tại Bình Long là bản tráng ca bất tử trong mùa hè đỏ lửa 1972.

Hồ Sơn Đài

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/171590/binh-phuoc-nhung-trang-su-ve-vang