Bình Phước phấn đấu thu hút 1,5 triệu lượt khách du lịch

Với tiềm năng, lợi thế là địa phương chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, kết nối TP Hồ Chí Minh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các nước Campuchia, Lào, Thái Lan…, Bình Phước đang tập trung thu hút, đầu tư phát triển du lịch. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ thu hút 1,5 triệu lượt khách du lịch đến địa phương.

Một góc rừng dừa nước Bình Phước. Ảnh: Đinh Hương/TTXVN

Một góc rừng dừa nước Bình Phước. Ảnh: Đinh Hương/TTXVN

Theo Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được UBND tỉnh Bình Phước ban hành, tỉnh xác định, du lịch là ngành kinh tế quan trọng, phát triển du lịch sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế - xã hội của tỉnh. Bình Phước phát triển du lịch phải chú trọng liên kết và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, lĩnh vực khác; phát triển du lịch sẽ góp phần tăng cường sự giao thương trong xã hội, từ đó thúc đẩy việc thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho địa phương.

Theo đó, UBND tỉnh Bình Phước cho rằng cần chủ động kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án mũi nhọn có tính đột phá trong lĩnh vực du lịch, tạo sự lan tỏa và thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội phát triển; chú trọng đẩy mạnh khai thác, phát huy hiệu quả các nguồn tài nguyên du lịch hiện có của địa phương.

Bình Phước cũng xác định việc đầu tư các sản phẩm chủ lực phải có tính đặc trưng, khác biệt nhằm hướng tới thị trường khách du lịch riêng. Sản phẩm du lịch phải mới, hiện đại, phù hợp xu hướng du lịch trong nước và trên thế giới. Tỉnh có hướng đầu tư và kêu gọi đầu tư một cách đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng du lịch theo từng giai đoạn, trong đó nhà nước đóng vai trò định hướng đầu tư hạ tầng kỹ thuật, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội tham gia đầu tư xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch.

Bình Phước từng bước xây dựng và định vị thương hiệu du lịch gắn với đặc trưng, thế mạnh của vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là có địa hình, khí hậu phong phú, đa dạng, có vùng đất màu mỡ phù hợp với cây ăn quả và cây công nghiệp rộng lớn, nhiều địa danh, di tích nổi tiếng.

Tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2025, xây dựng và tổ chức hoạt động hiệu quả các tuyến du lịch nội tỉnh với các sản phẩm du lịch đặc trưng của Bình Phước theo các tuyến đường Quốc lộ 14, ĐT 741, Quốc lộ 13, đặc biệt là tuyến du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Phước - Campuchia - Lào - Thái Lan, nhằm thu hút đông đảo du khách đến với Bình Phước; có một đến hai khách sạn 4 - 5 sao trên địa bàn thành phố Đồng Xoài; có một đến hai sân golf hoạt động trên địa bàn tỉnh; thành lập và đi vào hoạt dộng Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Phước; công nhận 2 khu du lịch cấp tỉnh và 3 điểm du lịch.

Phấn đấu năm 2025, du lịch Bình Phước đón khoảng 1,7 triệu lượt khách, trong đó duy trì tỷ trọng khách quốc tế chiếm khoảng 3,2% đến 4% tổng số lượt khách, doanh thu đạt khoảng 1.560 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 8.500 lao động.

Tỉnh xây dựng, phát triển thành phố Đồng Xoài đến năm 2030 trở thành trung tâm du lịch của tỉnh với hệ thống dịch vụ tiện ích, có trung tâm vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn cao cấp, có các trung tâm thương mại lớn, khu chợ đêm và hệ thống cửa hàng tiện ích.

Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu đón khoảng 4 triệu lượt khách, trong đó duy trì tỷ trọng khách quốc tế chiếm khoảng 4-5% tổng lượt khách, doanh thu đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 13.000 lao động.Bình Phước là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ có vị trí địa lý chiến lược, cửa ngõ kết nối, giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và Campuchia - Lào - Thái Lan. Với vị trí địa lý, đặc điểm về tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương đã tạo nên nguồn tài nguyên du lịch tương đối đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, những năm qua việc khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch của Bình Phước còn hạn chế, thiếu bài bản. Lượng khách du lịch đến Bình Phước hằng năm không nhiều; doanh thu từ du lịch còn thấp.

Năm 2022, Bình Phước thu hút hơn 722.000 lượt khách tham quan du lịch, tổng doanh thu dịch vụ du lịch đạt hơn 417 tỷ đồng.

Bình Phước đang đề xuất Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch xem xét, kiến nghị Chính phủ bổ sung Di tích núi Bà Rá thành điểm du lịch quốc gia vào quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho tỉnh lập Đồ án quy hoạch Di tích Tà Thiết nhằm tạo điểm nhấn trên cung đường du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh theo tuyến Quốc lộ 13 qua địa bàn tỉnh đi các nước Campuchia, Lào và Thái Lan; công nhận nghề đan lát gùi của đồng bào S’tiêng Bình Phước; nghề giã gạo chày tay của đồng bào S’tiêng, M’nông là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sỹ Tuyên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/du-lich/binh-phuoc-phan-dau-thu-hut-15-trieu-luot-khach-du-lich-20230304164324832.htm