Bình Phước xin bổ sung 1.438 biên chế ngành giáo dục - đào tạo
Thông tin này được Ban chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông công bố trong buổi làm việc chiều nay 24-7, do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh chủ trì.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh phát biểu tại buổi làm việc
Theo Ban chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông tỉnh, thời gian qua tỉnh rất tích cực chuẩn bị về mọi mặt cho việc đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Về đội ngũ con người thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở Giáo dục - Đào tạo đã phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra rà soát, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trên địa bàn tỉnh. Năm 2019 ngành được giao 12.874 biên chế, còn thiếu 566 biên chế. Tuy nhiên, ngành đã cắt giảm 622 nhân viên hành chính để bổ sung số biên chế còn thiếu nên vẫn đảm bảo nhân sự cho các trường.
Năm 2020, theo quyết định số 21 ngày 13-7-2020 của HĐND tỉnh về phê duyệt tổng số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh thì ngành sẽ phải cắt giảm 398 biên chế. Do vậy, đến năm học 2020-2021 ngành giáo dục tỉnh sẽ phải bổ sung 964 biên chế cho cấp tiểu học, THCS, THPT. Xuất phát từ thực tế thiếu hụt về nhân sự ngành giáo dục của tỉnh, ngày 17-7-2020, tỉnh đã có Tờ trình số 77 gửi Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Nội vụ xin bổ sung 1.438 biên chế từ mầm non đến tiểu học, THCS, THPT, bao gồm cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên.
Cùng với đó, ngành giáo dục tỉnh cũng phối hợp với các trường đại học tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo chuẩn cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Ngành cũng đã có kế hoạch bồi dưỡng đại trà cho khoảng 10.569 cán bộ quản lý và giáo viên.
Bên cạnh việc chuẩn bị về con người thì hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cũng được tỉnh chủ động, tích cực chuẩn bị. Năm học 2020-2021, dự kiến toàn tỉnh sẽ có 772 lớp với 22.300 học sinh lớp 1 được tổ chức dạy học theo phương án 7 buổi/tuần đến 2 buổi/ngày. Đến ngày 5-5-2020 các trường đã hoàn thành việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1.
Cùng với việc chuẩn bị về con người, cơ sở chật chất trang thiết bị thì hoạt động truyền thông cũng được đẩy mạnh để đưa thông tin cần thiết về chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến phụ huynh và nhân dân trong tỉnh biết và thực hiện.
Kết luận buổi làm việc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh yêu cầu, thời gian tới cần tiếp tục triển khai khẩn trương kế hoạch đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Xem đây là nhiệm vụ quan trọng cần sự tham gia tích cực của các ngành liên quan. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền để các bậc phụ huynh cùng nhân dân hiểu và thực hiện.
Bắt đầu từ năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng cho lớp 1
Về nhiệm vụ cụ thể, ngành giáo dục sớm thực hiện bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên, rà soát, tổng hợp về cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người cần phục vụ cho đổi mới sách giáo khoa lớp 1. Cần có lộ trình hoàn thành từng phần việc trong kế hoạch, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2020. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc học trực tuyến cho cán bộ, giáo viên trong tháng 8. Tham mưu kiện toàn tổ giúp việc và Ban chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông của tỉnh. Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát lại toàn bộ về con người và trang thiết bị, vận động đưa học sinh về điểm chính để không đầu tư dàn trải. Sở Nội vụ khẩn trương tham mưu hợp đồng nhân sự ngành giáo dục theo quy định.
“Việc thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông cần sự tham gia tích cực, hiệu quả, trách nhiệm của tất cả các các cấp ngành, địa phương. Không thể để xảy ra tình trạng trên nóng, dưới lạnh”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh nhấn mạnh.