Bình quân mỗi tháng có khoảng 2,5 triệu phiên bán hàng livestream.
Theo ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, thương mại điện tử nói chung và bán hàng livestream nói riêng đã phát triển mạnh với bình quân khoảng 2,5 triệu phiên livestream/tháng.
Chiều 27/6, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội đã phối hợp với Báo Hà Nội mới tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Bán hàng trực tuyến (livestream) qua sàn thương mại điện tử - Giải pháp giúp doanh nghiệp Việt vượt khó”.
Phát biểu tại giao lưu trực tuyến, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thương mại điện tử nói chung và hình thức kinh doanh bán hàng livestream nói riêng đã phát triển mạnh trong thời gian qua. Bình quân mỗi tháng có khoảng 2,5 triệu phiên bán hàng livestream. Các mặt hàng bán qua hình thức này rất đa dạng như: thời trang, làm đẹp, văn phòng phẩm, đồ gia dụng…
Việc bán hàng livestream có nhiều lợi ích như: Khai thác sức mạnh mạng xã hội, tăng tương tác trực tiếp với khách hàng, rút ngắn hành trình mua hàng, quảng bá sản phẩm... Với phương thức bán hàng thương mại điện tử nói chung và livestream nói riêng, các doanh nghiệp phát triển các loại hình phân phối hiện đại, mở rộng đối tượng khách hàng.
Điều này khẳng định của ngành công nghiệp livestream bán hàng tại Việt Nam đang tạo nên cuộc đua gay cấn trong thương mại điện tử. Ngoài livestream bán hàng thuần túy, hiện nay, đã xuất hiện cả những cuộc livestream bán hàng kéo dài 2-3 giờ với các hoạt động âm nhạc, game và các chương trình khuyến mãi độc quyền.
Không dừng lại ở một buổi phát trực tiếp đơn thuần, các thương hiệu còn đang kết hợp với những người có ảnh hưởng (KOLs) để đạt được hiệu quả kinh doanh. Ngoài các kênh mạng xã hội phổ biến (như: Facebook, YouTube, TikTok …), hình thức livestream trên các nền tảng thương mại điện tử (như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo…) cũng được nhiều thương hiệu áp dụng.
Đồng quan điểm này, đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng đang có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm giá rẻ và độc lạ hơn để thử nghiệm. Điều này mở ra cơ hội cho doanh nghiệp thích ứng và đổi mới; đồng thời, thách thức họ phải tạo ra những chiến lược tiếp thị sáng tạo để thu hút sự chú ý của khách hàng. Thương mại điện tử cùng với livestream bán hàng được dự báo sẽ là những giải pháp quan trọng cho tăng trưởng doanh thu, tạo ra môi trường mua sắm thuận tiện và gần gũi hơn với khách hàng.
Bên cạnh sự phát triển tích cực, đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng cho biết, thương mại điện tử cũng không tránh khỏi nhiều yếu tố tiêu cực như: tình trạng chào bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn nhiều phức tạp.
Đặc biệt, hiện nay tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng công khai trên các trang web thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng mạng xã hội, phương tiện livestream... thực sự gây ảnh hưởng nghiêm trọng đe dọa đến xã hội, đến niềm tin của người tiêu dùng.
Tại buổi giao lưu trực tuyến, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận các giải pháp, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn thách thức, giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, tiểu thương, chủ thể OCOP đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng nội địa hiệu quả hơn.
Đồng thời, một số ý kiến đề nghị tăng cường các giải pháp đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả trên thương mại điện tử, bán hàng livestream; kiến nghị các sở, ban, ngành, cơ quan thành phố, các cơ quan truyền thông hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các đơn vị bán hàng livestream chuyên nghiệp kết hợp với dịch vụ vận tải logistics nhằm đạt hiệu quả cao.