Bình Sơn phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới
Ý nghĩa lớn nhất của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Vì vậy, cả hệ thống chính trị và người dân huyện Bình Sơn chung sức, đồng lòng hoàn thiện các tiêu chí, phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm 2024.
Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
Là một trong những hộ đầu tiên trồng dưa lưới ở xã Bình Tân Phú (Bình Sơn), đến nay, anh Đoàn Văn Dũng, ở thôn Phú Nhiêu 1, đã có gần 8 năm gắn bó với loại cây trồng này. Từ vài sào trồng thử nghiệm ban đầu, những năm gần đây, anh Dũng chuyển đất trồng mía của gia đình sang trồng dưa lưới, với tổng diện tích hơn 2,5ha. “So với cây mía thì dưa lưới cho hiệu quả kinh tế gấp 3 - 4 lần. Từ lúc xuống giống cho đến khi thu hoạch là khoảng 2,5 tháng. Mỗi năm, gia đình tôi trồng 2 vụ dưa lưới và trung bình một sào, thu hoạch khoảng 2 tấn quả, mang về lợi nhuận gần 15 triệu đồng. Hiện nay, tôi có liên kết với công ty để họ bao tiêu đầu ra cho sản phẩm nên không lo lắng về đầu ra, giá cả. Đây là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, giúp gia đình tôi làm giàu và phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương”, anh Dũng nói.
Những năm gần đây, xã Bình Tân Phú có gần 40 hộ trồng dưa lưới. Cây trồng này đã dần thay thế cây mía, mì... Hiện nay, ngoài cây nén thì dưa lưới là cây trồng chủ lực ở địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân Phú Nguyễn Văn Phúc cho biết, 95% người dân địa phương sống nhờ vào nông nghiệp. Những năm qua, xã luôn tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất...
Địa phương hiện có 2 cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao là cây nén, với diện tích trên 20ha và dưa lưới, với diện tích hơn 22,5ha. Ngoài nguồn kinh phí chống hạn, hỗ trợ khoan giếng, các cấp, ngành, hội, đoàn thể cũng đã hỗ trợ hơn 33 nghìn hạt giống dưa lưới trên tổng diện tích hơn 3ha cho nông dân. Thời gian đến, địa phương định hướng sẽ thành lập Tổ hợp tác trồng dưa lưới và khuyến khích người dân xây dựng, mở rộng các mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Cùng với mở rộng diện tích trồng dưa lưới, huyện Bình Sơn còn phát triển nhiều loại cây trồng, mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao như: Trồng tre lấy măng; nuôi tôm, cua, ốc bươu đen; chăn nuôi gà, heo trang trại... Để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập theo hướng bền vững, thời gian qua, huyện Bình Sơn đã phát triển các mô hình sinh kế gắn với việc lồng ghép cơ cấu nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn.
Đồng thời, tập trung triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số. Huyện cũng chú trọng phát triển ngành nghề, du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn...
Ngoài việc nâng cao chất lượng đời sống vật chất cho người dân, thì đời sống tinh thần cũng được huyện quan tâm, đầu tư. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa và thông tin ngày càng được tăng cường. Các thiết chế văn hóa, TD-TT ở cơ sở từng bước được đầu tư xây dựng. Các di tích lịch sử, văn hóa, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và công tác gia đình được triển khai đồng bộ. Các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện trồng hoa, cây xanh ven đường, nhất là ở các địa phương xây dựng NTM kiểu mẫu. Qua đó, góp phần xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn.
Quyết tâm cao
Nhờ sự quan tâm chỉ đạo UBND tỉnh, hướng dẫn của sở, ngành và chỉ đạo thường xuyên của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện, sự quyết tâm của một số địa phương nên đến nay, Bình Sơn có 21/21 xã đạt chuẩn NTM và 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; đạt thêm một số tiêu chí huyện NTM như tiêu chí tỷ lệ cây xanh trên các tuyến đường huyện, tiêu chí chợ an toàn thực phẩm...
Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Sơn xác định năm 2024 là năm tăng tốc trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Trong đó, có mục tiêu đạt các tiêu chí huyện NTM. Đây cũng là thách thức không nhỏ, bởi đối với huyện NTM, qua rà soát, đánh giá Bình Sơn mới đạt 2/9 tiêu chí (23 chỉ tiêu/36 chỉ tiêu thành phần). Khó khăn lớn nhất mà huyện đang gặp phải là nguồn kinh phí thực hiện chương trình còn hạn chế; vấn đề lập quy hoạch đô thị Bình Sơn còn chậm, cần có sự hỗ trợ của tỉnh để góp phần đưa huyện về đích huyện NTM.
Thời gian đến, để triển khai thực hiện hiệu quả việc xây dựng huyện Bình Sơn đạt chuẩn NTM theo Kế hoạch UBND tỉnh và theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền nhấn mạnh, UBND huyện đang tập trung, nỗ lực cao nhất gắn với hành động cụ thể để chỉ đạo các cơ quan, địa phương cùng thực hiện các mục tiêu đề ra. “Huyện tiếp tục củng cố và kiện toàn ban chỉ đạo xây dựng NTM các cấp; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện chương trình.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hệ thống hạ tầng giao thông; tăng cường chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở. Tiếp tục triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... Năm 2024, huyện phấn đấu có thêm 1 - 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao”, ông Hiền cho biết.
Việc thực hiện xây dựng huyện đạt chuẩn NTM cần sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, người đứng đầu và sự chung sức, đồng lòng của người dân trên địa bàn. Đây sẽ là “đòn bẩy” đưa Bình Sơn về đích huyện NTM như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Bài, ảnh: HIỀN THU