Bình Thuận: Cẩu nhiều 'tàu ma' khai thác cát trái phép ra khỏi hồ Biển Lạc và sông La Ngà
Nhiều tàu lén lút khai thác cát trái phép bị đưa ra khỏi hồ Biển Lạc và sông La Ngà, tỉnh Bình Thuận để tháo máy, niêm phong.
Ngày 20-9, trao đổi với PLO, ông Giáp Hà Bắc, Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh cho biết vừa phối hợp với UBND huyện Đức Linh và các đơn vị, sở, ngành của tỉnh Bình Thuận tiến hành tháo rời máy móc trên ba chiếc tàu của Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Xuân Trường để niêm phong.
Trước đó, các hộ dân tại thôn 2 và thôn 3, xã Gia An (Tánh Linh) đã gởi đơn phản ánh trong thời gian từ tháng 4-2022 đến nay, DNTN Xuân Trường lén lút khai thác khoáng sản trên sông La Ngà dù giấy phép đã hết hạn.
Sau đó, ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký công văn hỏa tốc giao Sở TNMT yêu cầu DNTN Xuân Trường dừng mọi hoạt động khai thác khoáng sản khi giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn.
Yêu cầu doanh nghiệp này chấp hành việc dừng khai thác, không lợi dụng việc đang tập kết cát khối lượng 5.800 m3 tại hai bãi tập kết để khai thác khoáng sản trái phép. Mọi trường hợp vi phạm, doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật, xử lý theo quy định. Đưa tàu của doanh nghiệp hiện đang neo đậu ra khỏi khu vực sông La Ngà.
UBND tỉnh cũng giao UBND huyện Tánh Linh tiếp tục chỉ đạo Phòng TNMT, Công an huyện, UBND xã Gia An giám sát chặt chẽ để ngăn chặn, xử lý nghiêm hoạt động khai thác khoáng sản cát xây dựng trên sông La Ngà của doanh nghiệp này.
Thường xuyên theo dõi, kiểm tra hai bãi tập kết cát thông qua hiện trạng thực tế và camera giám sát, nếu phát hiện vi phạm xử lý nghiêm theo quy định.
Theo ông Giáp Hà Bắc; ngoài xử lý DNTN Xuân Trường, UBND huyện Tánh Linh và Đức Linh đã phối hợp kiểm tra tại khu vực hồ Biển Lạc phát hiện có 21 ghe, tàu hút cát và trên sông La Ngà có 11 ghe, tàu hút cát đang neo đậu.
Trong đó có 17 tàu, ghe của công dân xã Gia An, huyện Tánh Linh; 4 tàu, ghe của công dân xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh.
Trên sông La Ngà có ba tàu của DNTN Xuân Trường; một tàu của cơ sở Phan Minh Châu, giấy phép khai thác đều đã hết hạn và năm “tàu ma”, chưa xác định chủ đậu dọc hai bên bờ sông.
Toàn bộ số tàu nói trên được đóng với mục đích bơm hút, vận chuyển cát, thường được thiết kế gồm gồm máy chạy tàu, buồng lái, khoang chứa cát có dung tích chứa cát từ 15m3 đến 30m3 ở giữa thân tàu; hệ thống máy bơm, đầu bơm, ống dây hút cát.
Trọng lượng mỗi tàu từ 18 tấn đến 35 tấn; không có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường…
Hiện hai huyện Tánh Linh, Đức Linh đã tiến hành trục vớt, cẩu các tàu, ghe lên bờ, chuyển về nơi tập kết để xử lý. Toàn bộ kinh phí thực hiện do chủ phương tiện chịu trách nhiệm chi trả.
Sau khi đưa về điểm tập kết, UBND xã Gia An (Tánh Linh) và Vũ Hòa (Đức Linh) phối hợp với các lực lượng chức năng quản lý, canh giữ; đồng thời ban hành thông báo nhận phương tiện. Trong thời gian 30 ngày nếu không có chủ phương tiện đến nhận thì tiến hành lập hồ sơ đấu giá tịch thu sung công quỹ nhà nước.
Trường hợp chủ phương tiện nhận về thì phải đưa phương tiện vận chuyển tàu, ghe ra khỏi địa bàn hai huyện trước sự giám sát của lực lượng chức năng.
Theo ông Giáp Hà Bắc, UBND huyện Tánh Linh đã có công văn kiến nghị Sở TN&MT Bình Thuận không gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản cho DNTN Xuân Trường và cơ sở Phan Minh Châu; yêu cầu hai doanh nghiệp này đóng cửa mỏ theo qui định.