Bình Thuận phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường biển

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đề ra sáu nhóm nhiệm vụ trọng tâm để trở thành địa phương mạnh về biển.

Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ với bờ biển dài 192 km, vùng nội thủy rộng 20.288 km2 và là một trong ba ngư trường trọng điểm của cả nước với 11 đảo lớn nhỏ. Với vị trí này, tỉnh có nguồn tài nguyên biển đa dạng, nguồn lợi hải sản lớn với tiềm năng để phát triển du lịch, kinh tế biển.

Song song với việc đầu tư phát triển kinh tế biển, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đặc biệt quan tâm bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững.

Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn với ông Đỗ Văn Thái (ảnh), Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận, để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này.

 Cảng cá Phan Thiết nhộn nhịp khi các tàu cập bến, đưa hải sản lên bờ. Ảnh trong bài: BẢO PHƯƠNG

Cảng cá Phan Thiết nhộn nhịp khi các tàu cập bến, đưa hải sản lên bờ. Ảnh trong bài: BẢO PHƯƠNG

Sáu nhóm nhiệm vụ trọng tâm

. Phóng viên: Thưa ông, phát triển bền vững đòi hỏi sự gắn kết giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Vậy trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã có kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm gì để thực hiện vấn đề này?

+ Ông Đỗ Văn Thái: Vùng ven biển và biển, đảo tỉnh có nguồn lợi hải sản lớn về trữ lượng, phong phú về chủng loại. Vùng ven biển được phát hiện có các khoáng sản có thể phát triển công nghiệp khai khoáng, cũng có những địa điểm thuận lợi cho xây dựng cảng biển lớn gắn với phát triển các khu công nghiệp ven biển. Vùng biển và ven biển được đánh giá có tiềm năng về năng lượng gió khá dồi dào. Đây vừa là lợi thế vừa là tiền đề để tỉnh tổ chức phát triển kinh tế biển.

Để phát huy những lợi thế đó, tỉnh đã có nhiều chương trình, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng ven bờ, biển và hải đảo, được thể chế hóa tại Chương trình hành động số 60-CTr/TU của Tỉnh ủy; kế hoạch tổng thể và kế hoạch năm năm của UBND tỉnh Bình Thuận thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

UBND tỉnh Bình Thuận đặc biệt quan tâm bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững.

Lãnh đạo tỉnh đã đề ra sáu nhóm nhiệm vụ trọng tâm phù hợp theo thứ tự ưu tiên để triển khai thực hiện bao gồm: du lịch và dịch vụ biển; nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản; phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển; kinh tế hàng hải; khai thác tài nguyên khoáng sản biển; phát triển kết cấu hạ tầng biển và ven biển.

Mục tiêu hướng tới của người dân và chính quyền tỉnh Bình Thuận là đưa tỉnh Bình Thuận trở thành địa phương mạnh về biển và ven biển; đạt các tiêu chí quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển trên địa bàn tỉnh; ứng dụng thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trong phát triển bền vững kinh tế biển của tỉnh…

 Niềm vui của ngư dân tại cảng cá Phan Thiết sau chuyến ra khơi bội thu.

Niềm vui của ngư dân tại cảng cá Phan Thiết sau chuyến ra khơi bội thu.

Ưu tiên phát triển năng lượng sạch, điện gió

. Với rất nhiều chương trình hành động cụ thể như vậy thì đến nay các hoạt động phát triển kinh tế biển của tỉnh Bình Thuận đã đạt được kết quả như thế nào?

+ Đến nay, các hoạt động phát triển kinh tế biển của tỉnh Bình Thuận đã đạt được những kết quả tích cực như: đầu tư cho du lịch biển ngày càng tăng; kinh tế thủy sản có sự cải thiện cả về đánh bắt, nuôi trồng, chế biến; các cảng biển từng bước được nâng cấp; hạ tầng các khu công nghiệp ven biển đã được quan tâm đầu tư xây dựng; các doanh nghiệp đã xúc tiến việc đầu tư xây dựng và vận hành các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời); hệ thống giao thông được tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm ở cả đường hàng không, đường bộ và hàng hải.

Đặc biệt, tỉnh ưu tiên phát triển, đầu tư vào năng lượng sạch, phát triển điện gió và ngoài khơi. Do đó, hiện lĩnh vực này đang được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, mong muốn đầu tư.

Phát triển kinh tế biển gắn với du lịch biển

Theo Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Thuận, trong những năm qua tỉnh cũng rất quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực để phát triển ngành du lịch biển.

Các chỉ tiêu du lịch hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, doanh thu từ khách du lịch có mức tăng trưởng khá cao, các khoản nộp ngân sách từ hoạt động kinh doanh du lịch ngày càng tăng, đặc biệt là hoạt động du lịch tại khu vực phía nam TP Phan Thiết và thị xã La Gi đã có nhiều khởi sắc.

Du lịch phát triển đã thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu tại chỗ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản ở tỉnh, kích thích các ngành nghề khác cùng phát triển, góp phần tăng thu ngân sách của tỉnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển theo hướng bền vững.

. Các giải pháp cụ thể, trọng tâm của tỉnh nhà trong công tác bảo vệ môi trường biển, trong đó có cả việc bảo vệ nguồn hải sản bền vững là gì, thưa ông?

+ Để tiếp tục duy trì và phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường, trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận đề ra các giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, triển khai các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý tài nguyên và môi trường biển; đẩy mạnh công tác phối hợp trong quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường vùng bờ, biển, hải đảo.

Thứ hai, tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao ý thức của cá nhân, cộng đồng về bảo vệ môi trường, gắn công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường với các hoạt động quảng bá du lịch.

Thứ ba, các sở, ngành và địa phương phối hợp kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo; kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án, khu dân cư ven biển, ven sông; xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm…

Thứ tư, tiếp tục thực hiện tốt kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, hải đảo, trong đó chú trọng đến các nguồn thải lớn có nguy cơ cao tác động xấu đến môi trường biển như Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, cảng cá, các cơ sở kinh doanh du lịch, chế biến, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản…

. Xin cảm ơn ông.•

...................................

Bình Thuận tìm cách bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Bình Thuận là tỉnh có nghề cá lớn với ngư trường rộng. Nguồn lợi thủy sản từng phong phú, đa dạng nhưng người dân khai thác không đúng cách, cộng thêm thiếu kiểm soát dẫn đến cạn kiệt, kéo theo nhiều hệ lụy.

Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, một trong những hệ lụy là ngư dân tìm đến các ngư trường mới để khai thác nên phát sinh việc đánh bắt bất hợp pháp, thậm chí có thể vi phạm vùng biển của nước khác.

 Bình Thuận hướng đến mục tiêu giảm dần tàu cá hoạt động ven bờ, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Bình Thuận hướng đến mục tiêu giảm dần tàu cá hoạt động ven bờ, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Tỉnh xác định việc thực hiện các giải pháp bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng.

Giải pháp đầu tiên là khuyến khích ngư dân tham gia những mô hình hiệu quả trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tiếp đến là cần tăng cường quản lý chặt chẽ các đội tàu cá, giảm dần số lượng tàu cá ven bờ, chuyển đổi nghề cho ngư dân hoạt động ven bờ.

Trong đó, chuyển đổi nghề cho ngư dân cần phải thực hiện đào tạo nghề, mở ra những sinh kế mới cho người dân như: nghề nuôi trồng hải sản, phát triển du lịch sinh thái gắn liền với bảo vệ nguồn lợi thủy sản…

Hiện có nhiều mô hình mà tỉnh khuyến khích người dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản như: bảo vệ các rạn san hô, phát triển rạn san hô nhân tạo để thu hút, tạo nơi sinh sống, cư ngụ cho các thủy hải sản.

Trong quá trình đó có thể kết hợp với hoạt động du lịch sinh thái, câu cá giải trí để giúp người dân đang khai thác các nguồn lợi thủy sản có thể chuyển sang dịch vụ phục vụ khách du lịch.

...............................

Ngư dân mong khai thác hải sản kết hợp du lịch

Hội Cộng đồng ngư dân xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam là một hội nhóm tự quản do các ngư dân của xã lập ra, với mục đích cùng nhau khai thác, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản tại vùng biển địa phương.

Dưới đây là ý kiến của những người liên quan.

Ông ĐẬU TRỌNG TRUNG, Chủ tịch Hội Cộng đồng ngư dân xã Tân Thuận:

Mong muốn đánh bắt hải sản bền vững

Xã Tân Thuận hay còn được gọi là xã bãi ngang (bãi nhỏ, tàu thuyền lớn không thể vào neo đậu) vì xã không có tàu lớn, chủ yếu là ghe, thuyền đánh cá nhỏ. Khoảng từ năm 2018 trở về trước, bà con rất nghèo, nguyên nhân là do nguồn thủy hải sản cạn kiệt và người dân khai thác bừa bãi.

Thời điểm trước, xã này là xã nghèo của huyện, đời sống của người dân còn quá khó khăn. Lúc đó tôi còn làm chủ tịch Hội Nông dân, nhận được nhiều nguyện vọng, tâm tư của người dân mong muốn làm cách nào để duy trì nghề đánh bắt hải sản bền vững. Xuất phát từ nguyện vọng của đa số ngư dân thì xác định thành lập một hội cộng đồng để vừa đánh bắt vừa khai thác một cách có tổ chức, khoa học.

Ngư dân trước khi vào hội thì đánh bắt tự do, không bị ràng buộc nên để vận động người dân tham gia hội là một quá trình kiên trì của ông tôi cùng các thành viên khác.

Nhờ có một tổ chức cộng đồng hoạt động theo quy định mà hiện các thành viên không đánh bắt bất hợp pháp nên nguồn lợi thủy sản được bảo vệ. Bên cạnh đó, đời sống của bà con ngư dân cũng được cải thiện và ổn định hơn trước rất nhiều nhờ nghề khai thác mực, ốc hương và chà trên biển.

Đến bây giờ, khi hội tổ chức hội họp thì hội trường nhiều khi không có chỗ ngồi vì thành viên quá đông, trái ngược với thời điểm khi mới thành lập mời không ai đi. Ngư dân đi đông, đơn giản là do họ hào hứng và quan tâm đến các chính sách mới, những mô hình, cách làm hay để khai thác thủy sản bền vững.

Nhờ khai thác hợp lý, có tổ chức mà nguồn lợi thủy sản tại vùng biển xã Tân Thuận đã được cải thiện rõ rệt. Sản lượng và chất lượng tốt hơn trước đây rất nhiều.

.............................

Ông LÊ XUÂN QUỲNH, Đội trưởng Đội giám sát IUU của Hội Cộng đồng ngư dân xã Tân Thuận:

Mong nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng

Các ngư dân rất vui khi gần đây đời sống được cải thiện, nhiều hộ dân trúng mẻ mực lớn khi trở về.

Tuy nhiên, bên cạnh việc tiếp tục bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản bền vững, tôi cùng rất nhiều ngư dân khác bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng để phát triển thêm hình thức khai thác thủy sản. Ví dụ, tạo thêm các ngư trường để nuôi hàu, cua và tạo lập thêm nhiều chà, rạn nhân tạo để khai thác.

Hội Cộng đồng ngư dân xã Tân Thuận được thành lập từ năm 2018 với khoảng 45 thành viên (mỗi thành viên là một hộ dân), đến nay đã có khoảng 180 thành viên trên tổng số 250 hộ dân đánh bắt trong vùng.

Hình thức du lịch sinh thái câu cá tại các chà trên biển đang rất tiềm năng. Tôi và một số người khác đi ghe ra chà để câu cá giải trí và đăng tải trên mạng thì liền sau đó nhận được rất nhiều lời đề nghị từ khách du lịch muốn thuê dịch vụ câu cá để trải nghiệm.

Tuy nhiên, chúng tôi không dám nhận vì muốn khai thác loại hình dịch vụ này phải được cấp phép, phải đảm bảo các điều kiện về an toàn cho du khách và nhiều điều kiện khác thì mới được làm. Do vậy, ngư dân cũng kiến nghị và mong muốn các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn để ngư dân thực hiện các thủ tục để được khai thác loại hình dịch vụ này, giúp tăng thêm thu nhập cũng như góp phần phát triển kinh tế biển tại địa phương.

Hôm nay, chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến với Bình Thuận

Hôm nay (25-11), chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” sẽ đến với bà con ngư dân tỉnh Bình Thuận, gồm nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực để chung tay cùng ngư dân vươn khơi bám biển.

Bình Thuận là địa phương có biển thứ chín mà báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức chương trình này.

Chương trình có sự tham dự của ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ (Chủ tịch danh dự của chương trình); đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cùng lãnh đạo các sở, ban ngành, huyện và đông đảo bà con ngư dân tỉnh nhà.

Ban Tổ chức chương trình tổ chức đoàn đến thăm hỏi, tặng quà cho ba gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Hưng Long, TP Phan Thiết, lắng nghe các ngư dân chia sẻ những khó khăn khi vươn khơi bám biển.

Trong chuỗi sự kiện của chương trình, tọa đàm “Bảo vệ môi trường biển để phát triển kinh tế biển tại tỉnh Bình Thuận” do báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức tìm giải pháp cho vấn đề ô nhiễm môi trường biển do rác thải đối với kinh tế biển của địa phương.

Ban Tổ chức sẽ trao tặng 200 phần quà, mỗi phần quà trị giá hơn 4 triệu đồng cho các hộ ngư dân của tỉnh Bình Thuận, bao gồm: một bình ắc quy + đèn LED, một cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản”, một túi thuốc gia đình phục vụ cho ngư dân ra khơi (với những loại thuốc cần thiết), một hộp pin Con Ó, một thùng mì ăn liền cùng một số thực phẩm khác. Ngoài ra, chương trình còn dành tặng 40 suất học bổng cho con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn vượt khó, học giỏi.

Dịp này, Ban Tổ chức thực hiện chương trình “Chia sẻ khó khăn - Đón xuân ấm áp” trao quà cho 200 gia đình khó khăn tại hội trường UBND phường Phú Thủy, TP Phan Thiết.

....................................

Lời cảm ơn

Ban Tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” trân trọng cảm ơn các nhà tài trợ đã đồng hành cùng chương trình:

- Công ty TNHH SkyBus.

- Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank).

- Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

- Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank).

- Công ty Cổ phần Pin Ắc quy Miền Nam (PINACO).

- Tập đoàn Vingroup - Công ty Cổ phần.

- Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Viecombank).

- Công ty Cổ phần Charm Group.

- Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam.

- Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Gigamall.

- Công ty Cổ phần Thực phẩm Bình Tây.

- Công ty Cổ phần Dược phẩm TV.Pharm.

- Công ty Cổ phần Acecook Vietnam.

- Tập đoàn Sungroup.

- Tổng Công ty Điện lực TP.HCM.

- Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á.

- Công ty Cổ phần Thương mại Tài Tiến.

- Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long.

- Công ty Cổ phần Bê tông 620 Châu Thới.

- Công ty Cổ phần Kinh doanh địa ốc Him Lam.

- Công ty Cổ phần Gonsa.

- Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

- Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia.

- Tổng Công ty Phát điện 1.

- Công ty CP Cấp nước Thủ Đức.

- Công ty Cổ phần Tập đoàn SenGroup.

- Công ty Hyundai Thành Công Việt Nam.

- Công ty TNHH Khu Nghỉ Mát Phan Thiết.

- Công ty Điện lực Bình Thuận.

- Công ty Xổ số kiến thiết Bình Thuận.

- Ngân hàng thương mại Cổ phần Việt Nam Thương Tín (VietBank).

- Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Khánh Hòa.

- Công ty Cổ phần Thực phẩm Aiwado.

- Công ty Cổ phần UNIBEN… và nhiều đơn vị khác.

BAN TỔ CHỨC

Nguồn PLO: https://plo.vn/binh-thuan-phat-trien-kinh-te-bien-gan-voi-bao-ve-moi-truong-bien-post763317.html