Bình Thuận sớm khắc phục việc quản lý đất lỏng lẻo
Là địa bàn được Bộ Công Thương phê duyệt vùng phát triển điện gió, điện mặt trời, huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) đang kêu gọi các dự án đầu tư về đây.
Tuy nhiên, do việc quản lý đất đai tại các khu vực giáp ranh, đất hoang hóa chưa chặt chẽ khiến việc thu hút đầu tư gặp khó.
Xã Hồng Phong, nơi tập trung nhiều dự án điện gió nhưng các dự án giậm chân do diện tích khó quy chủ để đền bù, thu hồi. Theo bà Trần Thị Hoài Xuân, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong, việc quy chủ cho các hộ dân rất khó vì khu vực này là đất đai khô cằn nên người dân sản xuất theo kiểu da beo, đan xen với đất do UBND xã quản lý. "Xét tính pháp lý để quy chủ tại khu vực này thì sẽ còn mất nhiều thời gian" - bà Xuân cho biết. Trao đổi với phóng viên, một nhà đầu tư dự án điện mặt trời tại khu vực xã Hồng Phong cho biết do vướng quy chủ đất nên hơn 5 năm qua, dự án chưa thể triển khai.
Không chỉ tại khu vực, hiện nhiều dự án trên địa bàn huyện Bắc Bình cũng gặp khó khi triển khai vì xảy ra tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai. Theo Thanh tra Bình Thuận, huyện Bắc Bình có 8 dự án sau khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng đều bị vướng trong thủ tục giao đất do tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất với tổng diện tích hơn 23 ha trong tổng số hơn 79 ha đất được giao.
Ông Nguyễn Đức Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình, thừa nhận việc nhập nhằng quản lý đất đã ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư. "UBND huyện đang rà soát tính pháp lý khu vực này để chỉ đạo giải quyết triệt để" - ông Phúc cho biết.
Trước tình trạng lấn chiếm, quy chủ đất, Tỉnh ủy Bình Thuận vừa có công văn về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai, xử lý các trường hợp buông lỏng quản lý nhằm góp phần tạo môi trường đầu tư, phát triển tích cực ngay trong năm 2022.